Buốt lòng những cặp vợ chồng cùng chung huyết thống

Thứ sáu, 24/10/2014, 14:21
Giữa thế kỷ 21, chuyện tảo hôn đã khiến người ta giật mình. Nhưng nơi miền biên viễn Mường Lát này, hủ tục hôn nhân cận huyết cũng vẫn còn tồn tại dai dẳng đến buốt lòng.

Ông Lâu Minh Pó, Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, buồn rầu khi nói về hủ tục kết hôn cùng huyết thống của người H’Mông: “Người Mông vẫn quan niệm chỉ cần khác họ là có thể lấy được nhau. Bởi thế mà dù con cô với con cậu, con chú con dì lấy nhau không bị ngăn cấm. Trẻ con khi lớn lên tự do tìm hiểu rồi yêu nhau, chính quyền có cấm thì chúng vẫn đến với nhau mà thường thì khi cán bộ biết thì việc đã rồi.

Cũng không biết bao nhiêu lần cán bộ xuống tận bản, làng để tuyên truyền về hệ lụy của những cuộc hôn nhân cận huyết thống như sinh con bị dị tật, còi cọc, lại sinh con ở độ tuổi vị thành niên nên trí tuệ phát triển chậm nhưng tình trạng vẫn chưa thể chấm dứt”.

Đi dọc các bản của huyện Mường Lát, tôi nhận thấy dường như bản nào có người H’Mông là bản đó cũng có ít nhất vài trường hợp anh em con cô con cậu, con chú con dì lấy nhau. Hầu hết những đứa trẻ khi kết hôn cũng chưa đủ tuổi thành niên.

Theo chân Trưởng Công an xã Pù Nhi - Hơ Văn Tho, chúng tôi vào bản Cơm. Con đường độc đạo vào bản Cơm cách trung tâm xã không xa nhưng cũng phải đi cả tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Ngồi trước mặt tôi là chàng thanh niên 19 tuổi- Hơ Văn Sự- một chứng nhân của hôn nhân cận huyết.

Không có vẻ gì ngại ngùng khi nói về cuộc hôn nhân của mình với cô em gái họ, Sự thật thà kể rành rọt những câu hỏi của tôi. Sự kể: “Em lấy vợ năm ngoái, vợ em là Thao Thị Ché, ở tận bản Mùa Xuân. Ché là con gái của cô ruột em, tức là em gái của bố em”.

Tôi hỏi Sự sao không lấy người khác mà lại lấy em họ mình, Sự bảo “vì nó xinh nhất làng, xinh thì phải lấy thôi”. Tôi lại hỏi: “Thế yêu lâu không thì cưới?”, Sự trả lời: “Vừa thấy thích nhau được mấy hôm thì cưới luôn”.

hon nhan can huyet

Hơ Văn Sự lấy em họ, con của cô ruột.

Hỏi cuộc hôn nhân có gặp sự cấm cản của gia đình không? Chàng thanh niên chất phác cho biết: “Không ai ngăn cấm cả, lúc đó cũng không biết anh em gần như thế thì không lấy được nhau, chỉ cần khác họ là lấy được thôi”.

Bây giờ Sự bảo đã biết việc kết hôn như thế là không được nhưng biết làm sao vì đã lấy về làm vợ rồi, nói rồi chàng thanh niên ấy cười. Chỉ có những người như tôi, như cán bộ Tho nhìn nụ cười của Sự mà nhói lòng.

Cán bộ Tho còn cho biết, không phải riêng chỉ có vợ chồng Hơ Văn Sự là hôn nhân cận huyết mà ngay cả hai con trai của Phó trưởng Công an xã Pù Nhi cũng chọn cho mình người vợ là cô chị họ.

Con trai đầu của ông Thao Nọ Gia, Phó Công an xã Pù Nhi tên là Thao Văn Sinh, lấy vợ là con của bác ruột. Giống như anh mình, em trai Sinh cũng lấy vợ là con của một người bác khác.

Theo lời kể ông Tho thì ông không biết có phải do hệ lụy của cuộc hôn nhân cận huyết hay không mà đứa con đầu của vợ chồng Thao Văn Sinh bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch.

“Cán bộ về tuyên truyền nhiều lắm về hệ lụy của những cuộc hôn nhân cận huyết thống, rằng bệnh hiểm nghèo, dị tật, kém thông minh… nhưng hủ tục thì vẫn là hủ tục, người ta rất khó bỏ”- ông Tho cho biết.

tao hon

Đi khắp các bản người H'Mông, ở đâu cũng bắt gặp nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Điều khiến tôi thật sự phân vân đó là dường như cán bộ xã, huyện cũng “rụt rè” khi nói về vấn nạn này. Trao đổi về hủ tục hôn nhân cận huyết trên địa bàn, ông Lâu Gia Pó, Bí thư chi bộ xã Pù Nhi xác nhận:

“Những năm trước đây, hủ tục tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết diễn ra nhiều. Tuy nhiên bây giờ do tuyên truyền nên cũng đã có chuyển biến nhưng chưa dứt hẳn được. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có trường hợp kết hôn cận huyết”.

Nhưng khi chúng tôi đưa ra một vài trường hợp vừa kết hôn cách đây không lâu trên địa bàn, ông Pó mới phân trần: Mặc dù vẫn tuyên truyền, vận động thế nhưng khi đã kết hôn, đã yêu nhau thì không thể ngăn cản và không thể xử lý được.

Khi được hỏi về con số thống kê hiện nay trên địa bàn toàn huyện Mường Lát có khoảng bao nhiêu cặp vợ chồng là hôn nhân cận huyết thống, ông Phạm Văn Sơn, Chánh Văn phòng huyện cho biết các phòng, ban không thể nắm được vì “quá khó”!

Chính vì cái sự "khó" ấy mà mỗi năm nơi đây vẫn có hàng chục đám cưới “trẻ con” được tổ chức, trong đó có không ít những đôi vợ chồng là anh em họ. Đằng sau đó là cả một thế giới buồn đau với bao nhiêu tương lai và mơ ước bị ngắt ngọn. Cái vòng luẩn quẩn tảo hôn và hôn nhân cận huyết cứ dai dẳng âm ỉ, không biết đến bao giờ mới dứt nơi miền biên viễn này…

Theo Dantri

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích