Mang bệnh từ hôn nhân cận huyết thống

Thứ hai, 02/09/2013, 08:49
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong 5 năm trở lại đây tại 13 tỉnh miền núi, số cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có xu hướng gia tăng. Tình trạng này để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe và chất lượng giống nòi của đồng bào dân tộc thiểu số.

Các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái… có số cuộc hôn nhân cận huyết thống cao. Một khảo sát cuối năm 2012 cho thấy 44 xã của 9 huyện thuộc tỉnh Lào Cai có 224 cặp kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt, có trường hợp một gia đình sinh được hai con, một trẻ được cho đi làm con nuôi, khi lớn lên lại quay về địa phương cũ kết hôn với em gái ruột.

Theo số liệu Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) điều tra, giai đoạn 2009-2012 toàn huyện có 50 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Ở thị trấn Hai Riêng, các xã Ea Bia, Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao. Tại thị trấn Hai Riêng, nhiều người biết đến cặp vợ chồng vừa tảo hôn vừa hôn nhân cận huyết thống (con cô lấy con cậu) là Ksor H’Nhưng và Nay Y Khiêm.

di tat bam sinh

Sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh.

Y Khiêm cho biết, họ lấy nhau do sự sắp đặt của người lớn. Phong tục của người Ê Đê cho phép người không cùng họ có thể cưới nhau. Khi được sàng lọc trước sinh, H’Nhưng phát hiện thai nhi bị dị tật chân tay ngắn và mắc hội chứng Down nên chủ động đề nghị cơ sở y tế để chấm dứt thai kỳ theo mong muốn của gia đình.

Trong số gia đình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn còn có một cặp vợ chồng vô sinh, một trẻ bị tật vận động, một trẻ chậm phát triển và một bé bị suy dinh dưỡng.

Nhiều người dân tộc thiểu số cho rằng, nếu cưới người trong họ, con cháu sẽ giữ được của cải của dòng họ mình, không mất cho dòng họ khác. Thêm vào đó, người lớn trong nhà nói con cái sẽ biết nghe lời hơn, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ cũng tốt hơn.

Nhiều hệ lụy cho thế hệ sau

di tat bam sinh

Ngăn chặn hôn nhân cận huyết thống để trẻ khỏe mạnh.

Tại thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có gia đình có 2 cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Trong đó, một cặp có 3 con sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh và chết sơ sinh, cặp còn lại sinh con ra đều bị bại liệt.

Chính vì suy nghĩ lệch lạc của người lớn về hôn nhân cận huyết thống nên bé Vàng A Dua, con trai đầu lòng của anh Vàng A Chua và chị Mùa Thị Chia ở thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), bị dị tật ở bàn tay. Bé Dua là kết quả của cuộc hôn nhân giữa hai chị em con chú, con bác ruột (mẹ chị Chia là chị gái ruột của bố anh Chua).

PGS.TS Trần Đức Phấn, Trưởng Bộ môn Sinh y học và Di truyền- ĐH Y Hà Nội nói: “Hầu hết những trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gene lặn mang bệnh.

Các bệnh thường gặp phổ biến như hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD, tan máu bẩm sinh, trẻ có thể bị biến dạng xương, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao”. Thực tế đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gene lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, lông mày trắng, vảy da cá, nhất là tan máu bẩm sinh.

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn