Thời gian gần đây, cụm từ Cộng đồng ASEAN được nhắc đến liên tục trong các cuộc hội nghị quốc tế từ cấp cao nhất đến cấp Bộ trưởng các nước ASEAN.
Tuy nhiên, thế nào là Cộng đồng ASEAN và việc thành lập Cộng đồng này sẽ tác động như thế nào đến mỗi người dân và doanh nghiệp trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng? Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 1/9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. |
Trước hết, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Cộng đồng ASEAN được dựa trên 3 trụ cột, gồm Chính trị, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội.
Về Chính trị, được xây dựng trên cơ sở thiết lập mối quan hệ tin cậy về chính trị giữa các nước thành viên ASEAN, trên các tiêu chuẩn về giá trị chung của ASEAN, đó là Hiệp ước về thân thiện và hợp tác của ASEAN. Hay có thể nói là xây dựng một mối quan hệ giữa các nước ASEAN hợp tác với nhau, thân thiện, hợp tác và tin cậy chính trị, đồng thời quan hệ với các nước bên ngoài Cộng đồng ASEAN.
Về mặt Chính trị, đây không có nghĩa là một tổ chức liên minh, hay phòng thủ tập thể chung của các nước ASEAN, nó khác hoàn toàn với một số các tổ chức liên minh về quân sự, chính trị.
Về Kinh tế, Cộng đồng ASEAN tạo ra thị trường chung, lớn với 600 triệu dân và qua sự liên kết về kinh tế trên cơ sở sản xuất thống nhất, tự do thương mại về đầu tư, trung chuyển vốn, lao động… Trên những tiêu chuẩn, tiêu chí chung để tăng cường thúc đẩy sự phát triển đồng đều của các nước thành viên ASEAN.
Trên trụ cột Kinh tế đó, mục tiêu của ASEAN hướng tới không giống như Cộng đồng Kinh tế châu Âu là có những chính sách, có đồng tiền chung, kinh tế chung… Mục tiêu của Cộng đồng ASEAN là để các nước ASEAN phát triển một cách đồng đều trên cơ sở thị trường rộng lớn.
Về trụ cột Văn hóa – Xã hội, mục tiêu Cộng đồng ASEAN cũng là phát triển bền vững để đảm bảo được quyền của phụ nữ, người lao động bị tổn thương hoặc những chính sách về xã hội, những dịch vụ trong hợp tác về y tế, giáo dục…Cộng đồng ASEAN không đặt mục tiêu trở thành tổ chức siêu quốc gia như ở châu Âu.
Điều mà nhiều người dân băn khoăn hơn cả, là những công dân của khu vực sẽ được lợi gì khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời sau 2 năm nữa. Đây cũng là câu hỏi chung của những người dân trong các nước thành viên ASEAN.
Về điều này, Bộ trưởng Minh, lý giải: “Về Chính trị, người dân sẽ được sống trong môi trường, không gian rộng lớn hơn, môi trường hòa bình, ổn định, an toàn hơn vì có sự hợp tác giữa các nước với nhau trong các lĩnh vực về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy hoặc đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Về Kinh tế, người dân cũng được hưởng lợi nhiều hơn, nếu như đạt được các mục tiêu kinh tế trong ASEAN. Theo ước đoán thì kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 4,5% vào năm 2018 so với năm 2007 nếu như đạt được những mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động của ASEAN.
Trong lĩnh vực lao động, việc công nhận lẫn nhau về tay nghề cũng tạo điều kiện cho việc trung chuyển, di chuyển lao động giữa các nơi trong Cộng đồng ASEAN. Với những điều kiện chung của các nước ASEAN như vậy, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi cộng đồng chính thức ra đời”.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp sẽ cảm thấy có lợi ích lớn hơn khi Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. Khi đó, với thị trường với 600 triệu dân, người sản xuất ở Việt Nam sẽ không chỉ hướng vào sản xuất nội địa nữa mà sẽ hướng ra thị trường rộng lớn hơn.
Rộng lớn hơn 600 triệu dân là những đối tác của ASEAN với bên ngoài, vì ASEAN cũng có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác.
Điểm thuận lợi thứ 2 đó là thuế suất trong ASEAN sẽ về 0, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất. Đồng thời, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất sẽ tạo điều kiện cho hạ giá thành sản phẩm, tăng chất lượng của sản phẩm lên, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Điểm thứ 3, trong ASEAN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa với 60% sản phẩm được làm từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN và nhất là trong ASEAN với bên ngoài. Như vậy hướng sản phẩm sẽ không chỉ ở ASEAN mà còn ra bên ngoài các nước khác mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Song, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đứng trước không ít thách thức. Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là tăng tính cạnh tranh và phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn và khốc liệt hơn. Doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội, giảm được giá thành, tăng chất lượng, quảng bá được hàng hóa của mình thì sẽ tăng được sản xuất và có lợi nhuận.
Thứ 2 là về quản lý các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào có sự quản lý tốt đồng nghĩa với việc kinh doanh tốt. Trong thị trường các nước ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp của những nước phát triển hơn chúng ta và có sự quản lý tốt. Điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho họ và là thách thức với chúng ta.
Thứ 3 là nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nguồn lao động kỹ thuật cao của các doanh nghiệp càng đòi hỏi phải cao hơn nữa.
“Ngoài ra, một thách thức nữa không chỉ với doanh nghiệp mà với cả với người dân Việt Nam đó là hàng rào về ngôn ngữ khi tham gia vào sân chơi lớn.” - Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết thêm.
Theo Kienthuc