Bàng hoàng kết quả "dương tính giả" khi xét nghiệm HIV

Chủ nhật, 01/09/2013, 10:54
Theo các chuyên gia y tế, để nhận biết một người bị nhiễm HIV hay không, phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên nếu chỉ làm các xét nghiệm nhanh (test) thì không phải test nào cũng chuẩn xác.

Chính vì không được hướng dẫn cũng như thiếu sự tư vấn từ phía bác sĩ chuyên môn hoặc do e ngại vì liên quan đến HIV, không ít người đã rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc tuyệt vọng vì nghĩ mình bị HIV.

Mặc dù phương tiện truyền thông nói nhiều về HIV, nhưng xem ra vấn đề này vẫn còn mơ hồ khó hiểu đối với nhiều người. Đặc biệt là việc xét nghiệm ở đâu, như thế nào để biết chính xác một người bị nhiễm HIV.

Ngày 23/8/2013, tại bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa, sản phụ Lê Thị O. (SN 1992) chuyển dạ nhập viện sinh con. Bác sỹ làm thủ tục xét nghiệm máu cho chị O.. Khi có kết quả xét nghiệm thì chị O. đã mẹ tròn con vuông.

Nhưng thay vì chuyển kết quả xuống khoa chuyên môn, y tá ở phòng xét nghiệm lại đưa kết quả nghi dương tính HIV cho sản phụ và người nhà bệnh nhân, khiến sản phụ này một mực đòi cắn lưỡi chết. Bà Phạm Thị H., mẹ của sản phụ O. cho biết: "Từ khi có kết quả xét nghiệm, các y, bác sỹ trong bệnh viện bàn tán khắp nơi. Thậm chí bệnh nhân đang điều trị ở đây cũng biết mà xa lánh mẹ con tôi vì sợ lây nhiễm HIV".

Sống trong sợ hãi

Sau khi bị nghi ngờ kết quả dương tính với HIV, chị O. được chuyển lên bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa để theo dõi, cách ly. Không hiểu thông tin chị O. bị HIV rò rỉ từ đâu, nhưng vừa vào tới bệnh viện phụ sản các y bác sỹ bệnh viện này đã thì thầm to nhỏ, người bệnh ở đây cũng kỳ thị, xa lánh mẹ con chị O..

Trước thông tin nghi ngờ của bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện phụ sản Thanh Hóa tiếp tục lấy máu xét nghiệm và cả hai lần đều cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, điều khiến gia đình bệnh nhân bức xúc là sự tắc trách của bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa đã để lọt thông tin kết quả nghi HIV này cho nhiều người. Theo một số chuyên gia y tế, việc để lộ thông tin của người bệnh của bệnh viện đa khoa TP.Thanh Hóa đã vi phạm cả luật pháp lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Điều dư luận quan tâm hiện nay, đó là xét nghiệm về những trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV. Trên thực tế do điều kiện hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều người đi làm test nhanh vì giá thành rẻ, cho kết quả ngay, độ nhạy rất cao.

Tuy nhiên, đối với những test nhanh về HIV thường cho kết quả dương tính giả hay nói cách khác là thiếu chính xác, dẫn đến hậu quả khôn lường. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng về test nhanh, cho kết quả dương tính giả và hậu quả của nó vô cùng nặng nề.

Tại Trung tâm tư vấn miễn phí cho những người nhiễm HIV/SIDA ở Hà Nội, PV đã được nghe câu chuyện của một người 7 năm sống trong thân phận là người nhiễm HIV. Sau 7 năm, khi đi xét nghiệm lại, chị nhận được kết quả là không nhiễm HIV. Nhiều người bán tín bán nghi, hay là chị ấy uống thuốc gì nên đã khỏi bệnh...

Chị Trần Thị Minh T., một đồng đẳng của Trung tâm phòng chống HIV/SIDA Hà Nội, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về người phụ nữ 7 năm sống trong thân phận người bị nhiễm HIV. Theo chị T. câu chuyện này đã ám ảnh chị nhiều năm qua.

Ngược dòng thời gian, chị T. cho hay: Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Q. ở Hà Nội tới bệnh viện E Hà Nội để sinh con. Khi phải làm một số xét nghiệm, chị Q. như rụng rời tay chân khi kết quả xét nghiệm của chị là dương tính với HIV (có nhiễm virút HIV), sau đó chị Q. làm tiếp xét nghiệm thêm hai lần nữa, kết quả vẫn dương tính. Nỗi đau của căn bệnh thế kỷ chưa nguôi ngoai, gia đình nhà chồng cấm chị Q. không được nuôi dưỡng đứa con vừa sinh.

Bắt đầu từ thời điểm đó, chị Q. rơi vào trạng thái cô đơn, hoảng loạn tột độ. Với chị, kết luận dương tính với HIV chẳng khác án tử hình. Sau một thời gian sống trong  đau khổ dằn vặt, chị Q. tới Trung tâm phòng chống HIV/SIDA ở Hà Nội để tham gia hoạt động cùng những người đồng đẳng.

Một lần chị Q. phải làm xét nghiệm về máu, kết quả thật bất ngờ: Chị âm tính với virus HIV (không nhiễm HIV). Điều đáng nói ở đây là trong suốt 7 năm ròng, chị Q. sống trong thân phận người nhiễm HIV và chị đã dùng thuốc kháng virus HIV (ARV-PV) trong suốt từng ấy năm", chị T. chia sẻ. Cũng theo chị T., chồng của chị Q. đã chết vì bệnh HIV sau đó vài năm.

Chúng tôi đã rất cố gắng tìm mọi cách để liên lạc với chị Q. nhưng chị từ chối gặp mặt. Chị Q. bảo: "Tôi muốn chôn vùi quá khứ đau buồn vì hiện tại tôi đã có gia đình mới, chồng tôi yêu thương tôi, với tôi như thế là quá đủ...". Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện chị Q. đang hoạt động tại nhóm đồng đẳng tại Hà Nội, nhưng không phải là người nhiễm HIV.

Chị Q. may mắn không mắc phải căn bệnh thế kỷ, nhưng nỗi đau về tình mẫu tử, về những gì chị đã phải trải qua, nó như vết thương mãi mãi không bao giờ phai mờ trong suy nghĩ của chị.

Câu chuyện đau lòng của chị Q. xảy ra cách đây đã nhiều năm thiết tưởng đó là bài học đắt giá cho ngành y nói chung và bác sĩ trực tiếp làm xét nghiệm cho chị Q. nói riêng.

Bệnh viện Đa khoa TP.Thanh Hóa nơi sản phụ O. đến sinh con.

Hậu quả khôn lường nếu...

Hiện nay đa số các phòng khám hoặc các bệnh viện lớn đều hỗ trợ việc khám và xét nghiệm HIV tự nguyện. Tuy nhiên có thể do yếu tố tâm lý e ngại khi đề cập đến vấn đề về HIV, sự hiểu biết có giới hạn hay sự bất tiện của dịch vụ mang lại, dẫn đến những người có nhu cầu xét nghiệm HIV còn nhiều băn khoăn. Nhiều người cầm trên tay kết quả xét nghiệm hẳn hoi, nhưng vì không được bác sỹ chỉ dẫn cụ thể nên rất hoang mang.

Nghi ngờ mình bị nhiễm HIV, anh Trần Văn T. (ở Hưng Yên) đã lẳng lặng giấu gia đình đi xét nghiệm máu. Cầm trên tay kết quả xét nghiệm có ghi chỉ số S/CO, anh T. không hiểu là mình có nhiễm HIV hay không. Quá lo lắng, anh gọi điện tới trung tâm để được tư vấn. Hay như chị Nguyễn Thu T. ở Cầu Giấy (Hà Nội), do nghi ngờ chồng có quan hệ với gái mại dâm nên chị đi xét nghiệm HIV, làm test nhanh.

Kết quả dương tính khiến chị rất hoảng loạn. Nhưng chị được bác sỹ làm khuyên nhủ: Phải làm xét nghiệm Eliza mới chính xác. Chị T. đã gọi điện tới một số trung tâm tư vấn về HIV, nhưng chị T. vẫn ăn không ngon ngủ không yên. Đối với chị kết quả dương tính với HIV đồng nghĩa với việc đã nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Bác sỹ Nguyễn Thành Long, bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc đầu tiên để làm xét nghiệm là các test nhanh, bởi làm test nhanh cho kết quả ngay, ít chi phí, độ nhạy cao. Đối với xét nghiệm HIV, nếu có dương tính với HIV thì bác sỹ phải tư vấn cho bệnh nhân biết là có thể là dương tính giả hoặc chưa đủ căn cứ kết luận một người bị nhiễm HIV mà phải làm xét nghiệm bằng phương pháp khác.

Trong trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với HIV, bác sỹ làm xét nghiệm cần hướng dẫn cho bệnh nhân phải làm tiếp các xét nghiệm khác, ví dụ như xét nghiệm Eliza để có kết quả chính xác.

Cũng theo bác sỹ Long, trên thực tế, do một số người vì e ngại hoặc hiểu biết có giới hạn về HIV, nên dù bác sỹ đã tư vấn nhưng họ vẫn lo lắng và nghi ngờ, thậm chí giấu biệt kết quả không nói với ai và cho rằng cứ dương tính với HIV coi như đã bị nhiễm HIV không đi xét nghiệm lại nữa... Điều này là vô cùng nguy hiểm. "Nếu bác sỹ không có lương tâm và trách nhiệm thì hậu quả thật khôn lường", bác sỹ Long nói.

Theo NDT

Các tin cũ hơn