Thăm “bé Nick” của Việt Nam

Chủ nhật, 01/09/2013, 00:31
Huyền thoại Nick Vujicic đến Việt Nam vào tháng 5 vừa qua đã đem lại những xúc cảm đặc biệt, nhất là khi Nick bất ngờ hội ngộ cùng bé Linh Chi, một em bé không tay chân của Việt Nam.

Trên sân khấu, tiếng cười và những tràng pháo tay khích lệ tinh thần của cả "hai Nick", nhưng có lẽ chẳng ai biết những giọt lệ đắng ngắt chảy ngược vào trong của mẹ bé Linh Chi.

Trung tuần tháng 7, phóng viên đã vượt gần 200 cây số từ Hà Nội đến TP. Yên Bái tìm đến nhà bé Linh Chi. Cứ ngỡ rằng, từ lúc Linh Chi hội ngộ với huyền thoại Nick Vujicic thì ai cũng biết, nhưng quả thật ở Yên Bái, chẳng mấy ai biết đến em.

Ngôi nhà nhỏ nơi em đang sống nằm sâu trong một con phố mà người ta vẫn thường gọi là đường Thành Công Cụt, phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái. Ngôi nhà vẫn đó, Linh Chi vẫn đùa nghịch không ngớt nhưng bao trùm tất cả là một không khí đượm buồn chẳng thể giấu vào đâu.

khuyet tat

Hãy cho em "đôi cánh".

"Có người ác miệng bảo bóp chết"

Linh Chi sinh năm 2005 tại Bệnh biện Phụ sản T.Ư. "Ngày Linh Chi ra đời, không ai giấu được nước mắt khi thấy bé dị tật không tay không chân. Tôi như chết ngất, dù vừa "vượt cạn" nhưng nước mắt cứ chảy ra.

Thương con càng nhiều lại càng oán ông trời đã bất công cho Linh Chi một thân thể không lành lặn. Rồi bé sẽ sống ra sao, sẽ làm được gì khi cơ thể chỉ như một củ khoai tròn trĩnh khuyết đi tay chân", chị Trịnh Ngọc Thủy, mẹ bé Linh Chi tâm sự.

Chị Thủy kết hôn với anh Nguyễn Đình Nam vào năm 2003. Tình yêu của họ như càng đẹp hơn khi chị mang thai đứa con đầu lòng. Chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ mà chẳng thứ máy móc tân tiến nào phát hiện ra thai nhi bị dị tật. Năm lần bảy lượt đi viện nhưng chị vẫn chẳng thể sinh con. Cuối cùng, một bác sĩ ở Yên Bái nghi ngờ cái thai trong bụng chị có vấn đề nên khuyên gia đình đưa xuống Hà Nội.

khuyet tat

Với bé, những nét chữ đầu tiên rất khó khăn.

Sau rất nhiều thủ thuật, vào đêm 11/8/2005, bé Linh Chi ra đời. Mọi người chưa hết sốc về dị tật của bé thì lại hốt hoảng vì Linh Chi không khóc. Bé cứ mở mắt thao láo nhìn bóng điện, lại thao láo nhìn mọi người đang rấm rứt khóc vì thương cho cơ thể "củ khoai khuyết tật" nhỏ bé kia.

Chị Thủy ngậm ngùi: "Nhiều người ác miệng bảo tôi sao không bóp chết nó ngay từ trong bụng. Sao lại có những người độc ác như thế, họ không thể hiểu nỗi đau và cảm giác của người làm cha làm mẹ khi có con khuyết tật. Nói thật là những lúc thế này, tôi chỉ muốn đâm đầu vào tường mà chết. Nhưng thương con, ai lại làm như vậy".

Chị Thủy cũng cho hay, lấy chồng mười năm mà nhiều bạn bè thân thuộc không biết chị có con. Một phần vì chị giấu mọi người, phần nữa vì bạn bè ai cũng hạnh phúc khi con cái lành lặn, thông minh. Chị tủi thân khi nghe mọi người động viên và cũng thật buồn khi ai đó, chẳng biết vô tình hay cố ý động vào nỗi đau khó nói.

khuyet tat

Bé Linh Chi đã vào lớp 1.

"Con muốn có chân tay như các bạn!"

Ngày Nick đến Việt Nam, chị muốn cho bé Linh Chi được gặp huyền thoại cùng chung số phận để phần nào bé có thể biết rằng, có một người bạn giống mình. May mắn chị được một người bạn bảo lãnh và sắp xếp để Linh Chi gặp được Nick. Cuộc gặp gỡ không dài, bé Linh Chi không quen với đám đông nên tỏ ra ngơ ngác. Bé cũng chẳng nói được lời nào, chỉ úp mặt vào ngực mẹ trước những tiếng vỗ tay rầm rập.

Nhưng rồi, sau những náo động ở sân khấu, Linh Chi hỏi mẹ: Chú ấy (Nick) là ai mà sao giống con thế? Chị Thủy mỉm cười trả lời từng câu hỏi mà con gái đưa ra.

Cuối cùng, Linh Chi hỏi: Liệu con có làm được gì không? Câu hỏi dường như quá xa của đứa con khuyết tật cũng là câu hỏi động chạm vào đáy sâu tâm hồn người mẹ. Chị Thủy chỉ biết dúi đầu con vào ngực để che đi những giọt nước mắt đang rơi. Chị nghẹn ngào bảo rằng: Con sẽ làm được.

Con sẽ làm được - cũng là lý do mà chị Thủy cho bé Linh Chi đi học. Nhiều người khuyên nên cho bé vào trường trẻ em khuyết tật hoặc vào lớp dự thính nhưng chị muốn Linh Chi được hòa đồng, được phấn đấu với các bạn đồng trang lứa nên năm nay, Linh Chi đã vào lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái.

Những bức tranh thơ ngây Linh Chi đang vẽ, những nét chữ non nớt nguệch ngoạc mà khó khăn lắm bé mới viết được luôn thấm mồ hôi và cả máu trên tờ giấy trắng.

Thấy con đau, mẹ cũng đau nhưng tương lai của con là tất cả những gì mẹ có nên Linh Chi phải tập đứng vững trên đôi chân chỉ có một mẩu và nhoài người đè bút vào má cùng mẩu thịt ở cánh tay để viết cho thành chữ. Nhưng một lần nữa chị nghẹn lòng da diết khi nét chữ đầu tiên Linh Chi viết: "Con muốn có chân tay như các bạn!".

khuyet tat

Chị Thủy, mẹ bé Linh Chi.

Lo không dám ốm

Ngược lại thời gian khi bé Linh Chi vừa chào đời với dị tật bẩm sinh, chân tay đều chỉ có một mẩu khiến gia đình không khỏi buồn lòng. Ông nội bé Linh Chi, đại tá Nguyễn Đình Xanh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã mất cách đây vài năm. Khi còn sống, ông rất khổ đau vì chất độc da cam đã truyền lại cho con cháu.

Anh Nguyễn Đình Nam, bố bé Linh Chi sau rất nhiều xét nghiệm mới phát hiện ra mình bị nhiễm chất độc da cam từ cha. Bao nhiêu năm qua, anh phải truyền thuốc chống dị ứng, vì mỗi lần chất độc hành hạ cơ thể anh nóng như lửa đến độ phát cuồng.

Rồi đến bé Linh Chi, đứa con thứ hai là bé Nguyễn Đình Dũng. Các bác sĩ cho biết, phải theo dõi Dũng cho đến năm 18 tuổi. Vì hiện giờ, cả bé Dũng và Linh Chi đều có biểu hiện mẩn ngứa và nóng trong người ở mức độ cao.

Chị Thủy cho biết: "Có những đợt chất độc phát tác vào mùa đông mà hai đứa cứ thích ngâm mình trong nước lạnh. Chúng bảo trong người nóng lắm, như có lửa đốt. Thương con nhưng sợ con bị thiêu đốt thì cũng đành cắn răng cho chúng ngâm dưới nước lạnh buốt".

Hiện tại, bé Linh Chi đang hưởng chế độ dành cho người khuyết tật với số tiền 360.000đ/tháng. Chị Thủy đã nhiều lần đến các cơ quan ban ngành làm thủ tục để con được hưởng chế độ chất độc da cam. "Nhưng buồn thay, tôi đi hỏi thì họ bảo ở Yên Bái chưa áp dụng chế độ chất độc da cam với đối tượng ở đời thứ ba. Tôi lo đến nỗi không dám ốm. Vì mình ốm thì biết lấy ai chăm sóc các con", chị Thủy nghẹn ngào.

Thấy mẹ khóc, Linh Chi mắt cũng ầng ậc nước, em dùng mẩu thịt được gọi là tay cọ nhẹ vào mẹ nức nở: "Mẹ ơi đừng khóc, Linh Chi biết lỗi rồi".

Hãy cho em một "đôi cánh"

Trao đổi với phóng viên, cô Bùi Thị Hồng Như, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Thái Học cho biết: Bé Linh Chi tuy bị khuyết tật nhưng học rất giỏi. Lúc đầu mới vào học thì còn sợ sệt mọi thứ nhưng đến nay đã hoà đồng cùng các bạn.

Những hoàn cảnh như bé Linh Chi rất đáng thương, nhà trường chưa đủ để cho các em động lực. Phải có sự chung tay góp sức của cả xã hội để giúp các em niềm tin hoặc chí ít hãy cho em một "đôi cánh" để giấc mơ của các em được bay xa.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn