Thành hoàng cũng… khóc!

Thứ bảy, 31/08/2013, 14:24
Hàng loạt các đình, chùa vốn cổ kính bình yên ở nhiều huyện khắp tỉnh Thái Nguyên mấy năm nay, bỗng nhiên gặp cảnh lao đao, khổ sở bởi có các vị tự xưng là cán bộ Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch về… lập hồ sơ di tích.

Bà con nháo nhác chạy vạy tiền nong, đóng góp từng chục nghìn một trong hàng trăm hộ dân, có khi phải đi vay lãi ngày với giá cắt cổ lấy vài chục triệu đồng để “nộp tiền” cho vị ấy. Nộp, chả hóa đơn chứng từ gì, có cụm di tích nộp tới cả trăm triệu đồng những mong “mở mày mở mặt” được đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

di tich

Đạo sắc phong ở đình Thượng Đình.

Chờ mỏi mòn, oán thán, nghi kỵ nhau, rồi đôn đáo đi kêu cầu kiến nghị, quyên góp cả tiền cử đại diện đi xe bus lên tỉnh, đưa cả ra họp hội đồng nhân dân “tranh luận nảy lửa”, trong khi vị cán bộ kia ôm tiền đi rồi, cứ mất hút con mẹ hàng lươn. Gọi không thèm nghe máy điện thoại, có nghe thì cũng chỉ biết hứa và hứa mãi. Các cụ họp nhau lại thở dài: “Đến thành hoàng cũng phải khóc!”.

Đi vay lãi ngày để… góp công “mở mày mở mặt” nhà Phật, nhà Thánh

Ánh điện lom dom vàng vọt, khiến ngụm nước sôi rót nhầm cả ra… sổ tay của khách. Tôi phải nhờ người quen biết các cụ giới thiệu trước rồi dẫn đến tận nhà. Vậy nhưng cả 7 cụ trong Ban Hộ tự cụm đình - chùa Thượng Đình (xã Thượng Đình, huyện Phú Bình) vẫn dò xét, nghi ngại nhìn tôi như… kẻ gian.

Mãi rồi ông Dương Tiến Hưng, 61 tuổi - “trưởng ban” phụ trách việc nhà Thánh bên đình Thượng Đình - mới ra nhời: “Xin hỏi chú từ đâu đến, cho tôi xem giấy tờ đã!”.

Xoay dọc xoay ngang, xoay đủ vòng quanh bàn nước tối thui cho lần lượt 6 cụ bên đình bên chùa cùng ngó; rồi ông Hưng mới cầm “Thẻ nhà báo” đỏ chót của tôi giơ lên cái bóng đèn compac lờ mờ treo ở góc tường đầy mạng nhện.

Đọc kỹ, trịnh trọng đưa bằng hai tay trả thẻ cho tôi, cụ mới xuýt xoa: “Chim sợ cành cong, từ ngày bị dính cái vụ đưa tiền cho anh cán bộ Phòng Di sản văn hóa của tỉnh mấy chục triệu đồng, cả Ban hộ tự chúng tôi, cả bên đình lẫn bên chùa, cụ nào cũng nơm nớp lo sợ. Chả dám tin ai nữa anh ạ”.

“Chùa làng tôi đẹp nổi tiếng ở cái Tổng Thượng Đình văn hiến này. Đình làng tôi có tới 6 đạo sắc phong thờ 5 vị nhân thần, hương ước, thần tích, thần phả, bia đá, chuông khánh cổ đủ cả. Những báu vật ấy vẫn được giữ gìn đến tận bây giờ.

Chúng tôi không dại gì mà đi chạy chọt kiểu… cửa sau đâu nhá! Rõ ràng bà con làm đề nghị lên xã, lên huyện rồi tỉnh cử cán bộ về khảo sát. Họ tìm hiểu từng tấm bia, từng bức tượng, từng quả chuông, cái khánh, từng bản sắc phong để trong ống quyển tuyệt đẹp kia.

Rồi họ bảo, nộp 20 triệu đồng để khảo sát, nghiên cứu, làm hồ sơ gì đó. Thấy mọi thứ chính quy quá, chúng tôi rất tin tưởng. Chúng tôi huy động các gia đình, mỗi nhà vài nghìn đến vài chục nghìn, quyên góp đủ 300 hộ mới đủ ngần ấy tiền. Vài hôm sau, anh ấy lại gọi lên, bảo nộp thêm 8 triệu đồng nữa. Không kiếm đâu ra tiền.

Vừa thu mỗi cụ vãi 50 nghìn đồng rồi, không lẽ giờ lại đè ra thu tiếp? Chúng tôi phải bàn nhau đi vay lãi 10 triệu đồng ngoài chợ đen với mức lãi suất 2% để kịp công việc lớn của nhà Phật, nhà Thánh.

di tich
di tich

Khánh và chuông ở chùa Thượng Đình.

Khi nộp, thì cũng không có hóa đơn chứng từ gì. Anh L.C.L ấy chỉ viết cho chúng tôi một vài dòng vào sổ của ban hộ tự chùa Thượng Đình, rằng: ngày này tôi là L.C.L, có nhận 20 triệu đồng rồi ký loằng ngoằng vào dưới. Chữ viết tay, không dấu triện gì, không nói tiền ấy sẽ đi đâu. Ngày 1.12.2011, nhận thêm 8 triệu đồng thì anh ấy viết “nhận tiếp…” rồi ký” - ông Hưng kể.

Các cụ vãi thi nhau bày tỏ niềm bức xúc: “Chúng tôi chờ hết năm 2011, chờ trọn vẹn cả năm 2012, chờ gần hết năm 2013. Lên tận tỉnh để hỏi. Gọi điện thoại cho anh ấy suốt, tuần nào cũng gọi, anh ấy không nghe, có khi tắt máy “ò í e”, có khi gọi lại bảo bận họp, có khi hứa “yên tâm”, cháu sẽ đi qua làm việc… rồi không đến.

Chúng tôi thường xuyên phải chờ anh ấy cả ngày ròng. Có khi anh ấy bảo, tháng sau, gần Tết nguyên đán năm 2012 sẽ có bằng công nhận di tích cấp tỉnh, bà con chuẩn bị đón nhận nhé.

Ôi trời, chúng tôi lại đi quyên góp tiền của Phật tử, các vãi, dân thôn, đẵn cây, nhổ cỏ để thuê dựng rạp, san nền đất mênh mông, cờ hoa lộng lẫy để chuẩn bị làm lễ tôn vinh nghìn năm có một cho di tích Đình Chùa của tổ tiên mình. Nhưng ôi thôi, chờ cả năm mà… chưa thấy quyết định gửi về. Chúng tôi không còn cách nào là phải làm đơn kiến nghị, kêu kiện khắp nơi”.

Bà Dương Thị Luận, 61 tuổi - người thuộc hàng ngũ lãnh đạo trong “Ban Hộ tự” - bức xúc quá, mới đứng lên kiến nghị trong kỳ họp hội đồng nhân dân mới đây. Có cả cán bộ cấp trên dự, rất oai. Bà bảo, đề nghị HĐND tỉnh, huyện, xã, xem giúp chúng tôi, tôi phải trả lời thế nào với 300 cụ ông cụ bà đang thắc mắc ở cửa chùa, cửa đình, rằng anh L.C.L, cán bộ Sở VHTTDL ấy - cầm của chúng tôi 28 triệu đồng, đi đâu mất, tiền ấy ra sao, bao giờ đình chùa chúng tôi được công nhận di tích cấp tỉnh?

Có cán bộ giải thích loanh quanh, bà Luận bảo “để yên để tôi nói nốt. Chúng tôi phải giải thích thế nào khi người ta nói rất nặng nề, tiền của cả làng giờ ban hộ tự chúng tôi mang đi đâu mấy năm qua? Miệng thế gian chúng tôi vẫn phải gánh chịu tất? Nhưng, tiền của chúng tôi không mất được đâu, chúng tôi sẽ vác cuốn sổ có chữ ký biên nhận kia đi kiện đến cùng”.

Một cụ thở dài: Tiền của Phật, của Thánh đố ai dám lấy, nếu tơ hào gì thì cứ là lụi đến ba đời. Lúc nộp tiền, có người bảo “muốn nhanh thì mảng “kinh tế” mình phải lo sớm, thế là chúng tôi đi chạy tiền”.

Bà Trịnh Thị Yên - Trưởng Ban Hộ tự chùa Thượng Đình - buồn bã nói: “Lúc bị ngâm hồ sơ, tiền đưa cho anh ấy như đưa vào chỗ… không biết đi đằng nào, ban hộ tự 7 người chúng tôi lo lắm. Đêm nào cũng ngồi với nhau bàn kế, nhưng tuyệt nhiên không nói cho 300 cụ biết, chứ họ biết thì chết, thì “vỡ trận”. Đến lúc giải quyết ổn thỏa rồi, chúng tôi mới dám tiết lộ dần dần”.

Mọi việc rối như canh hẹ, cái điện thoại rẻ tiền của ông Hưng suốt ngày chỉ dùng để gọi cho ông cán bộ Phòng di sản kia, gọi không được, ông lại thất thểu lầu bầu đá thúng đụng nia. Đang bí bách, thì có ông cán bộ tỉnh nghỉ hưu, là người làng dạo này năng về “sinh hoạt các cụ” tại chùa, là ông Nguyện vốn làm ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Ông ấy bảo, đưa hồ sơ ông ấy lên tỉnh hỏi xem, chứ thế này thì gay quá. Lãnh đạo xã bảo, nộp mấy chục triệu mà không có hóa đơn, các cụ đuối lý rồi. Thế lại càng lo.

Ông Nguyện lại gọi thêm ông Thăng là cán bộ Công đoàn của tỉnh đi sang Sở Văn hóa dò la tin tức. Đến nơi thì mới ngã ngửa, ông L.C.L mà tuần nào ông Hưng cũng bấm máy “kêu cầu” giờ chuyển rồi. Ông “lên” làm Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Ôi thôi, thế bác ấy không làm di sản, không lập hồ sơ công nhận di tích nữa thì làng tôi mất oan tiền vừa của cửa Phật, vừa của cửa Thánh rồi à?

Các cụ tá hỏa góp tiền cho ông Hưng đi xe bus từ huyện Phú Bình lên tận tỉnh quyết hỏi cho ra nhẽ. Cán bộ tiếp các cụ hỏi: Các cụ có văn bản chứng từ gì về việc anh kia nhận tiền không? Có mỗi chữ ký ở sổ thôi. Các cụ có đơn đề nghị giải quyết không? Chúng tôi hôm nay lên để dò la tình hình, về nhà sẽ có đơn ngay ạ. Đơn phô tô làm 8 bản, kèm theo giấy tờ hồ sơ, chúng tôi gửi đi khắp nơi. Vừa gửi vừa nghiến răng tức giận.

Sau đó, Sở VHTTDL cho gọi anh L.C.L về, đề nghị nộp lại tiền đã thu của các cụ, bàn giao hồ sơ vụ việc công nhận di tích cho đình, chùa Thượng Đình, giao công việc này cho người kế nhiệm tiếp tục “thi công”.

Lại về làm hồ sơ từ đầu, cán bộ ấy còn bảo, chúng cháu không tin được cái hồ sơ trước. Lần này họ đưa ra văn bản của Sở Tài chính Thái Nguyên, có dấu có triện (ký tháng 7 năm 2013), rằng chi phí cho vụ làm hồ sơ, thủ tục, công nhận di tích kiểu như nhà các cụ giờ đội giá lên là những 34 triệu 130 nghìn đồng.

Thôi chết, mất 3 năm bị cho “leo cây”, giờ lại mất thêm 6 triệu 130 nghìn đồng nữa mới đủ. Có lẽ phải đi vay lãi ngày của “chợ đen” để lo cho nhà Thánh nữa thôi! Mà nộp thêm ngần ấy tiền, chắc gì đã không phải mất ăn mất ngủ, không bị dè bỉu kêu ca, không phải “leo cây” hồi hộp và buồn bã… vài năm nữa (như hồi làm với ông L.C.L)?

Theo Laodong

Các tin cũ hơn