Sản phụ Lê Thị Oanh (SN 1992, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Thanh Hóa rạng sáng 23/8 để chờ sinh. Tại đây, các bác sĩ đã đưa chị đi khám, lấy các mẫu xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm máu. Khi chị vừa hạ sinh mẹ tròn con vuông thì gia đình nhận được kết quả xét nghiệm chị Oanh bị nghi nhiễm HIV.
Bác sĩ xa lánh sản phụ nghi nhiễm HIV
"Cầm kết quả trong tay, tôi không thể tin vào mắt mình, chân tay rụng rời, bủn rủn. Không hiểu sao con tôi lại bị chẩn đoán như vậy?" - bà Phạm Thị Hương, mẹ của sản phụ Lê Thị Oanh, nói.
Ông Lê Tiến Toàn trao đổi với phóng viên về trường hợp sản phụ Oanh bị chẩn đoán nhầm nhiễm HIV
Gia đình bà Hương không dám báo tin cho con gái biết vì sợ con mới sinh sẽ bị sốc. Trong khi đó, các y, bác sĩ lại bàn tán khắp nơi về trường hợp của sản phụ Oanh, khiến những người bệnh khác ở cùng phòng đều xa lánh, chuyển đi nơi khác vì sợ lây nhiễm.
"Lúc này, con gái tôi biết chuyện, cứ đòi cắn lưỡi tự tử. Tôi phải động viên, khuyên ngăn mãi cháu nó mới bình tâm" - bà Hương cho biết. Điều khiến gia đình sản phụ bất bình là các y, bác sĩ ở đây không hề động viên, khuyên nhủ chị Oanh mà còn xa lánh, ghẻ lạnh. Thậm chí, họ còn yêu cầu gia đình mang nhau thai của sản phụ Oanh về nhà chôn.
Trước tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu ra nhiều máu, sức khỏe xấu đi, gia đình đã chuyển chị Oanh lên BV Phụ sản Thanh Hóa để được theo dõi, cách ly đồng thời lấy máu đi xét nghiệm lại. Ở BV Phụ sản Thanh Hóa, xét nghiệm bước đầu cho thấy bệnh nhân âm tính với HIV, bệnh viện này đã lấy mẫu máu thêm một lần nữa. Quá trình xét nghiệm lần hai cũng cho kết quả âm tính.
"Chỉ là sai sót nhỏ!"
Chiều 27/8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Tiến Toàn, Giám đốc BV Đa khoa TP Thanh Hóa, cho rằng đây là sơ suất nhỏ đáng tiếc của BV. Theo nguyên tắc, khi chưa chắc chắn hoặc dù kết quả chính thức nhiễm HIV thì các y, bác sĩ không được cho người nhà hoặc nhiều người biết mà phải báo cáo cấp trên để có hướng xử lý. "Nếu người ta có bị nhiễm HIV đi chăng nữa cũng không được nói mà phải lựa thời điểm để thông báo cho hợp lý" - ông Toàn khẳng định.
Theo ông Toàn, nữ y tá Võ Anh Tú là người trực và làm xét nghiệm cho chị Oanh. Y tá này khẳng định không đưa kết quả cho người nhà mà người nhà bệnh nhân vào trong ngồi và nhìn thấy. Về việc này, ông Toàn cho hay do y tá Tú còn trẻ, mới vào làm ở BV nên thiếu kinh nghiệm, để xảy ra sự việc đáng tiếc.
Bởi kết quả ban đầu vẫn có tỉ lệ sai sót, BV không có máy móc hiện đại nên những trường hợp như vậy phải báo cáo cấp trên hoặc gửi mẫu lên tuyến trên, khi nào có kết quả chính thức mới báo cho gia đình người bệnh. Đằng này y tá Tú lại tự ý đưa ngay kết quả cho gia đình người bệnh.
Sáng 27/8, ông Toàn đã yêu cầu Khoa Xét nghiệm, Khoa Sản làm bản báo cáo sự việc, sau đó sẽ họp và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
Nhiều thai phụ tử vong Tại tỉnh Thanh Hóa, tính từ đầu năm đến nay đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sản phụ chết bất thường tại các BV. Gần đây nhất là vào ngày 19/8, tại BV Phụ sản Thanh Hóa, sản phụ Nguyễn Thị Hiếu (SN 1980, ngụ xã Định Hòa, huyện Yên Định) đã tử vong sau gần 5 giờ mổ thai lưu. Người nhà nạn nhân phản ánh rằng chị Hiếu được chuyển từ tuyến huyện lên trong tình trạng nguy kịch nhưng phải 1 giờ sau, sản phụ này mới được mổ. Trước đó, ngày 22/7, sản phụ Nguyễn Thị Hoàn (SN 1973, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) cũng chết trên bàn sinh tại BV Đa khoa huyện Quảng Xương. Vào ngày 16/7, thai phụ Thiều Thị Nga (SN 1979, ở Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) cũng tử vong cùng với thai nhi sau 2 mũi tiêm của y tá trạm y tế xã Thạch Sơn. |
Theo Khampha