Việc phương Tây can thiệp vào Syria hợp pháp hay không?

Thứ tư, 28/08/2013, 10:15
Mỹ và các đồng minh đang thực hiện những động thái cho thấy họ sẽ can thiệp quân sự vào Syria trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về tính hợp pháp của việc can thiệp bằng vũ lực vào một nước có chủ quyền.

Cụm từ “luật quốc tế" dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng có một bộ quy tắc định sẵn, được các nước đồng ý và tuân theo. Thực tế không phải vậy. Về cơ bản, thiết lập những quy tắc chắc chắn về luật pháp quốc tế liên quan tới can thiệp quân sự là việc rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Không toà án nào trên thế giới ra phán quyết và bật đèn xanh cho việc can thiệp quân sự vào các quốc gia.

Syria
Hai chiến binh thuộc phe đối lập tại Syria di chuyển ở vùng ngoại ô của thành phố Aleppo hôm18/8. Ảnh: AFP.

Tuy vậy, can thiệp quân sự dựa trên cơ sở nhân đạo được cho là hợp pháp dựa trên khung pháp lý mang tên Trách nhiệm Bảo vệ (R2P). Khung pháp lý này ra đời sau thảm hoạ nhân đạo ở Kosovo và Rwanda hồi thập niên 90. Nó được chấp nhận rộng rãi và bao gồm ba điểm chính.

  • Một quốc gia phải phải bảo vệ dân chúng của chính họ khỏi nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người. Cùng lúc đó, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm giúp đỡ quốc gia này ngăn chặn các tội ác kể trên.

  • Khi một quốc gia có bằng chứng chắc chắn về những tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người nhưng không thể hoặc không muốn chấm dứt chúng, cộng đồng quốc tế nên vận dụng tối đa các phương tiện hoà bình để đặt dấu chấm hết cho tội ác.

  • Trong trường hợp cộng đồng quốc tế và quốc gia liên quan đã thực hiện mọi biện pháp hòa bình và thất bại, cộng đồng quốc tế mới có thể can thiệp quân sự.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần thông qua quyết định can thiệp quân sự. Cơ quan này đóng vai trò là trọng tài phân xử trong việc sử dụng vũ lực. Trong trường hợp Syria, một hoặc vài nước trong Hội đồng Bảo an có thể phản đối can thiệp quân sự. Trong tình huống trên, R2P cung cấp một cơ sở pháp lý cho cộng đồng quốc tế để sử dụng vũ lực, thông qua liên minh khu vực hoặc "liên minh đồng lòng".

R2P cũng có một loạt các tiêu chí:

  • Bằng chứng rõ ràng về tình trạng tội ác diễn ra phải rõ ràng

  • Các nước đã áp dụng những biện pháp hoà bình như ngoại giao và cấm vận

  • Mục tiêu của việc sử dụng vũ lực là chấm dứt tội ác và bảo vệ dân thường

Nói cách khác, nó cung cấp cho liên minh một quyền lực hạn chế. Tất nhiên, việc can thiệp quân sự trong trường hợp tương tự phụ thuộc vào chính phủ, hơn là các luật sư. Chính họ phải chứng minh rằng tất cả các tiêu chí để can thiệp quân sự đã rõ ràng.

Trong trường hợp của Syria, các nước này sẽ phải chứng tỏ rằng, tình trạng tội ác đang diễn ra, tất cả các biện pháp hoà bình đều đã được thực hiện và việc đưa ra hành động quân sự sẽ đạt được mục đích kép là chấm dứt tội ác và bảo vệ thường dân.

Theo Tri thức

Các tin cũ hơn