Nơi nào cho những thai nhi dưới 6 tháng tuổi?
Không theo lịch đã được hẹn với vị bác sĩ tại phòng khám phá thai nằm trên đường Giải Phóng (Hà Nội), tôi theo chân một người đàn ông trong một nhóm thiện nguyện chuyên đi thu gom xác thai nhi để tiếp cận gần hơn với các phòng khám ấy, để được tận mắt chứng kiến những “tội ác” đang ngày ngày phơi bày xung quanh mình.
Căn phòng rộng chừng 4m2 nằm im ắng trên tầng hai với những thiết bị thô sơ hỗ trợ công việc nạo phá thai của vị bác sĩ có “đôi bàn tay vàng”: một chiếc giường, một chiếc bát đựng thai nhi và một số đồ dùng phá thai... Có những thứ đã hoen gỉ và vệ sinh trong căn phòng không mấy sạch sẽ. Không gian yên ắng như để tiễn đi một sinh linh vô tội.
Những hài nhi được "tắm rửa" sạch sẽ trước khi mang đi chôn cất
Thấy nhóm thiện nguyện bước vào để làm công việc thường ngày của mình, những người từ trực phòng khám tới bác sĩ đều rất hồ hởi. Hồ hởi như khi họ tiếp một người đang có ý định vứt bỏ đi khúc ruột vẫn đang nhẹ nhàng thở từng nhịp trong bụng mẹ. “Ở đây chỉ được lấy các thai nhi từ 6 tháng tuổi trở lên mà thôi”, vị bác sĩ này thẳng thắn trả lời.
Bất chợt trong tôi lúc này là câu hỏi: “Vậy những em bé khoảng từ dưới 6 tháng tuổi, cơ thể các em sẽ đi đâu khi chúng tôi không được mang các em đi, khi bố mẹ các em cũng đang tâm bỏ mặc các em ở lại phòng khám sau ca nạo phá thành công!?”.
Tự đặt ra cho mình câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời. Tôi lại chợt nhớ và chợt liên tưởng tới câu chuyện cho thai nhi vào bồn cầu rồi giật nước của bác sĩ C. ở phòng khám phụ sản nằm trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) mà báo chí đã thông tin trước đó.
Trong căn phòng ở tầng 2, một chiếc bát với những giọt máu đỏ tươi được đặt ngay dưới chân giường nằm - nơi một sản phụ vừa bước ra khỏi. Một mùi ngai ngái, tanh tanh vẫn còn lẩn quất trong không gian.
Những giọt máu ấy, lẽ ra sau này sẽ mang dáng hình của một con người. Và qua câu chuyện của y tá của phòng khám, tôi cũng không thể hình dung hết được là đã có bao nhiêu ca nạo, phá thai được thực hiện tại nơi đây.
Sự thật bên trong những túi nilon màu đen
Trở lại công việc mà nhóm thiện nguyện sẽ làm khi bước chân vào những phòng khám phá thai như thế này, đó là mang đi những xác thai nhi từ 6 tháng tuổi trở lên tới một nơi mà với các em sẽ là “thiên đường”, tôi tiếp tục được đi từ hết cái rùng mình này tới sự ghê rợn khác.
Nhấc lên những túi nilon màu đen và nhẹ nhàng mở bên trong ra xem, một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt chúng tôi. Vẫn còn nguyên trong đó là hình hài của một đứa trẻ đã đủ các bộ phận trên cơ thể, trộn lẫn cũng một mớ bùng nhùng nhau thai… mùi tanh nồng nặc bốc lên đến nghẹt thở.
Thế nhưng xót xa thay, khi hình hài các em không còn nguyên vẹn, đã bị cắt ra thành từng phần. Một người trong nhóm ngồi lặng ở đó để phân loại riêng phần máu, nhau thai và xác các thai nhi. Ước chừng cũng phải gần chục túi.
Không dám đối diện quá lâu cảnh tượng “thê lương” ấy, tôi quay đi.
Bên trong những túi nilon màu đen là những thai nhi xấu số bị bố mẹ đang tâm bỏ đi
Khi chúng tôi trở về trên con đường mà xung quanh được phủ kín bởi những tấm biển nạo phá thai, một nhân viên ở phòng khám gần bệnh viện Bạch Mai giơ tay vẫy. Một túi nilon màu đen nặng chừng 2kg đã được để sẵn trong khu nhà vệ sinh của phòng khám. Nhún vai, hai anh em cùng nhặt lên và lại rảo bước trở lại phía ngoài đường.
Vị bác sĩ của phòng khám ngồi ngay cửa ra vào hỏi: “Em có thể để lại số điện thoại được không?”. Thoáng đoán được ý định của người đàn ông này, tôi trả lại cũng bằng câu hỏi: “Chú xin số điện thoại của anh em cháu để làm gì ạ?”.
Vị bác sĩ im lặng.
Rời khỏi phòng khám, trên đường mang xác thai nhi về chôn cất, có một điều gì đó khiến chúng tôi chột dạ. Hai anh em vội vã dừng xe lại, mở túi ra thì lạnh người khi thấy hình hài một em bé đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng.
Thoáng nhìn về phía những tấm biển hút thai vẫn đang “phơi” rất lộ liễu trên đường Giải Phóng, chúng tôi thầm mong sẽ không bao giờ còn phải bước chân vào những phòng khám khủng khiếp như thế.
Theo Soha