Phương Tây ráo riết chuẩn bị chiến dịch không kích Syria

Thứ tư, 28/08/2013, 17:21
Những ngày vừa qua là giai đoạn căng thẳng nhất với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, khi Mỹ và đồng minh ráo riết chuẩn bị kế hoạch tấn công Syria vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Mỹ điều tàu chiến áp sát, phát hàng loạt thông điệp cứng rắn

Trong mấy ngày gần đây, Mỹ liên tiếp đưa ra những thông điệp cứng rắn, thể hiện khả năng sẵn sàng tấn công vào Syria nhằm trừng phạt chính phủ của Tổng thống Assad. Thậm chí, đích thân Tổng thống Barack Obama yêu cầu Lầu Năm Góc phải sẵn sàng các phương án để chờ lệnh can thiệp bằng vũ lực vào Syria.

Syria
Tàu khu trục USS Barry của Mũ.

Cụ thể, 5 tàu khu trục tên lửa của Mỹ đã có mặt ở vùng biển quốc tế gần hải phận Syria để sẵn sàng thực thi mệnh lệnh tấn công. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Stout vừa tiến vào Địa Trung Hải sẽ không tham gia không kích bằng tên lửa hành trình (nếu Obama quyết định tấn công) bởi cơ số tên lửa mà 4 tàu USS Barry, USS Mahan, USS Ramage và USS Gravely mang theo là “quá đủ”.

Mang theo tên lửa hành trình Tomahawk, các tàu khu trục của Mỹ có thể phá hủy chính xác các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria. Chiến lược này phù hợp với tuyên bố “không cố lật đổ chính phủ Syria” của Mỹ. Jay Carney, thư ký báo chí của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, thay đổi chế độ tại Syria không phải là mục tiêu lớn nhất của Mỹ.

Anh triển khai tàu sân bay, xác định mục tiêu

Song song với các hoạt động tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ, Hải quân Hoàng gia Anh cũng tăng cường hoạt động tại những căn cứ gần lãnh thổ Syria. Tính tới thời điểm hiện tại, hải quân Hoàng gia Anh cử soái hạm HMS Bulwark, một tàu sân bay trực thăng và 2 tàu khu trục nhỏ tới hải phận Syria để sẵn sàng tham chiến.

Syria
Soái hạm HMS Bulwark của Hải quân Hoàng gia Anh.

Ngoài ra, một số người dân sống gần căn cứ không quân Akrotiri của Anh trên Quốc đảo Síp, nằm cách biên giới Syria 16 0km cho biết, mật độ các chuyến bay tới và đi từ căn cứ này tăng đột biến trong những ngày qua. Trong khi đó, các phi công dân sự đã nhận thấy sự hiện diện của máy bay vận tải C-130 và các chiến đấu cơ châu Âu trên màn hình radar.

Trong khi đó, tướng Nick Houghton, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, cho biết, Anh sẽ phác thảo một loạt phương án tấn công, nhằm xác định các mục tiêu cần bị vô hiệu hóa trên đất Syria. Theo dự kiến, danh sách mục tiêu sẽ được đưa ra ngày hôm nay, sau cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Anh.

Hạ viện Anh sẽ thông qua quyết định sử dụng vũ lực tại Syria hay không trong cuộc họp ngày mai. Tuy nhiên, 74% người dân phản đối Anh tham chiến trên đất Syria trong khi 50% số người được hỏi tỏ ra không đồng ý với việc tấn công các mục tiêu từ xa bằng tên lửa. Chỉ 25% người dân Anh ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình Syria.

Pháp tăng cường chiến đấu cơ

Syria
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp.

Tính tới thời điểm hiện tại, Pháp cũng đã đưa hàng loạt chiến đấu cơ Rafale và Mirage tới căn cứ quân sự của họ ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Máy bay từ các căn cứ này đều có khả năng tiến hành không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, vị trí đặt chiến đấu cơ của Pháp không thuận lợi bằng các sân bay quân sự Incirlik và Izmir của Mỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và căn cứ Akrotiri của Anh trên đảo Síp.

Phát biểu trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng, đối ngoại và các tướng lĩnh hàng đầu ở Paris, Tổng thống François Hollande khẳng định: “Pháp sẵn sàng trừng trị những kẻ ra lệnh tấn công thường dân bằng khí độc hóa học. Pháp sẽ không trốn tránh nghĩa vụ”.

Liên đoàn Ả Rập ủng hộ tấn công

Khi các thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc tiếp tục cần thêm một tuần để xác định thực trạng sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria, Mỹ và các đồng mình đã cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí bị cấm. Thậm chí, Mỹ và đồng minh sẽ đơn phương tấn công Syria mà không cần chờ tới kết quả thanh sát của Liên Hiệp Quốc.

Không lâu sau hàng loạt cáo buộc của Mỹ, Liên đoàn Ả rập cũng chính thức đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Assad về các vụ tấn công thường dân bằng vũ khí hóa học và bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động quân sự của phương Tây nhằm chống lại nhà lãnh đạo Syria.

Sau cuộc họp khẩn tại Cairo, Ai Cập, Liên đoàn Ả Rập cáo buộc chính phủ Syria “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tội ác đê hèn” và yêu cầu luật pháp quốc tế trừng trị thủ phạm.

Theo Tri Thức

Các tin cũ hơn