Sự linh ứng khó lý giải về những hiện tượng lạ bên gốc đa cổ thụ

Thứ năm, 29/08/2013, 08:15
Gốc đa La Tiến, gốc đa căm thù, gốc đa kỳ lạ… là những tên gọi hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng nhất mà người ta dành để nói về gốc đa trăm năm tuổi thuộc địa bàn xóm 1 thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, Hưng Yên.

Không chỉ là nhân chứng lịch sử, tại gốc đa này, người ta đã từng chứng kiến những chuyện kỳ thú, lạ lùng vẫn lưu truyền râm ran đến ngày nay.

Khúc ca bi tráng bên “gốc đa căm thù”

Theo quốc lộ 39B, chúng tôi tìm về xã Nguyên Hòa với địa danh từng gắn liền với những chiến tích lịch sử - bốt La Tiến. Cách Hà Nội hơn 80km về phía Nam, La Tiến nói riêng và Nguyên Hòa nói chung giờ đã đổi khác nhiều. Song, những con đường trải nhựa chạy thẳng qua làng hiện tại cũng không thể xóa nhòa ký ức về La Tiến của một thời “dây thép gai đâm nát trời chiều”.

Hung Yen

Chính diện cây đa và ngôi điện thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ ngã xuống.

Trong chuyến đi hôm ấy, chúng tôi đã có dịp gặp một số cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại bốt La Tiến. Theo lời kể, La Tiến là địa giới rất quan trọng giáp ranh với tỉnh Thái Bình nằm trong vòng kìm kẹp bao vây nhiều phía của các bốt và gác canh chiến lược của Pháp nhằm đàn áp và cắt liên lạc với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta.

Bên kia sông Luộc có bốt Duyên Hà, bốt Quỳnh Lang, có "lò cắt tiết và hang chôn người". Vào cuối năm 1949, thực dân Pháp mở chiến dịch càn quét hòng chiếm tỉnh Hưng Yên. Ngay khi chiếm bốt La Tiến, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo, người dân La Tiến phải đối mặt trực tiếp với quân thù, chịu đựng bao đau thương tổn thất.

Năm 1954, Trung đoàn 42 với sự giúp sức của nhân dân địa phương lân cận đã đánh tan quân giặc, giải phóng bốt La Tiến. Tuy nhiên, để làm nên chiến thắng đó, quân và dân ta phải chứng kiến sự ngã xuống của hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào.

Đến nay, tại cây đa La Tiến, trên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ còn ghi tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã giết hại 1.145 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bằng nhiều hình thức cực kỳ dã man, như cắt cổ, mổ bụng, chích điện, bêu xác trên ngọn đa..., riêng ở xã Nguyên Hoà có 121 người bị giết hại.

Vũng Quạ trên dòng sông Luộc trở thành nơi chôn thây biết bao người con cảm tử của quê hương. Không ai dám vớt xác đem chôn bởi lính Pháp thường xuyên đi canô lùng sục. Nhiều người dân La Tiến và người lính từng tham gia trận chiến năm ấy đều không thể quên được tội ác của kẻ thù, khi những người con anh hùng của La Tiến như Phạm Thị Tị, Đinh Thị Mùi bị giặc bắt và giết khi tham gia công tác giao liên địch vận.

Hung Yen

Dòng sông Luộc, chứng nhân cho tội ác của giặc.

Theo cựu chiến binh Phạm Văn Ngôn (thôn 1, làng La Tiến) - người từng tham gia giai đoạn sau của cuộc kháng chiến - trong số hơn 1.000 người bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại ở La Tiến có nữ Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Khang - chỉ huy Đội du kích Hoàng Ngân. Rơi vào tay giặc, song chị cương quyết không tiết lộ bất cứ thông tin nào cho kẻ thù.

Giặc đã dụ dỗ, rồi dùng cực hình tra tấn hết sức dã man hòng khuất phục ý chí chị. Chúng treo ngược chị lên cành đa, tra tấn và dùng kìm rút hết móng tay, cắm kim lên cơ thể... Không thu được kết quả, giặc đã treo chị lên cây đa, cắt cổ rồi vứt xác chị xuống sông Luộc.

Để ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bị sát hại tại bốt La Tiến, năm 2009, huyện Phù Cừ đã chỉ đạo cho xây dựng đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bên cạnh cây đa La Tiến bên dòng sông Luộc.

Công trình khánh thành vào dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2010). Hằng năm, đến ngày 27/7, chính quyền địa phương và người dân các vùng đều về bên gốc đa để làm làm lễ cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ và người dân vô tội đã ngã xuống tại La Tiến.

Sự linh ứng khó lý giải về cây nấm lạ bên gốc đa

Sự việc gây xôn xao dư luận về cây đa La Tiến cũng bắt đầu vào đúng dịp khánh thành đền tưởng niệm, khi một số người dân đến thắp hương vô tình phát hiện ra những khóm thực vật nhỏ có hình dạng rất giống với nải chuối, hoặc đài sen… mọc lên từ hai bên gốc đa.

Hung Yen

Một số hình ảnh nấm có hình nải chuối mọc lên từ gốc đa được lưu giữ tại đền.

Ông Lê Thanh Chiền - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Hòa - cho biết, sau đó, người dân từ nhiều tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương cũng kéo về khu di tích để được ngắm nhìn những “nải chuối”, “đài sen” mọc từ gốc cây đa của làng.

Còn theo ông Ngôn - cựu chiến binh phụ trách việc trông coi ngôi đền - nhớ lại, theo kế hoạch, sau khi khánh thành đền tưởng niệm, ngày 7/5 sẽ làm lễ rước các vong linh chiến sĩ và đồng bào bị địch sát hại vào đền thờ. Tuy nhiên, trước thời điểm đó ít lâu thì người dân phát hiện sự lạ.

“Có người thì tò mò xem thực hư ra sao, nhưng cũng nhiều người tin rằng, đây là sự thiêng mà linh hồn các chiến sĩ cách mạng bị giặc giết về báo mộng” - ông Ngôn cho biết. Tất thảy người dân đến xem sự lạ đều tin rằng, đây là điềm báo tốt lành, nên tất cả đều giữ thái độ thành kính, chứ không có biểu hiện mê tín, dị đoan.

Trao đổi với chúng tôi, đại đức Thích Minh Thông - trụ trì chùa Hoàng Xá (xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên) - cho biết, hướng tới mùa lễ Vu Lan năm nay, ngày 17/7 âm lịch (tức 23/8), nhà chùa sẽ tiến hành làm lễ cầu siêu cho vong linh các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống tại chiến trường La Tiến. “Đây là hoạt động tri ân thường niên của nhà chùa với các anh hùng liệt sĩ. Cầu cho linh hồn các anh yên nghỉ” – thầy Thông cho biết.

Cũng trong 2 ngày 18-19/9, tại chùa Hoàng Xá sẽ tổ chức các hoạt động ngày lễ Vu Lan với sự tham gia của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã. Tại đây, nhà chùa sẽ thực hiện các nghi lễ quy y cho 2.000 anh hùng liệt sĩ, trong số đó có các liệt sĩ hy sinh tại La Tiến.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích, ông Ngôn còn kể cho chúng tôi nghe về cây đa đại thụ. Theo ông, không ai biết được cây đa có từ thời nào, chỉ biết rằng, các sách còn lưu giữ được nói cây có khoảng 200 năm trước.

Nhiều câu chuyện kỳ lạ, theo ông Ngôn, cũng từng xảy ra với cây đa. Sự việc rõ nhất là năm 2008, khi trận bão lịch sử đã cuốn phăng nhiều mái nhà và đốn ngã nhiều thân cây lớn trong làng thì chỉ duy có cây đa La Tiến vẫn vững chãi, bao bọc lấy những mái nhà ven đó.

“Có lần, một cành cây bị mục rơi xuống, nhưng rất lạ là đám trẻ nhỏ chơi gần đó mà không đứa nào bị cành cây rơi trúng” - ông Ngôn nhớ lại. Đang trò chuyện, một phụ nữ trung tuổi đi qua nghe thế liền thêm lời: “Cả người lớn, trẻ nhỏ trong làng đều ý thức rằng không ai dám phóng uế bừa bãi tại khu này đâu, các anh thiêng lắm”.

Hung Yen

Cựu chiến binh Phạm Văn Ngôn.

Trở lại với câu chuyện liên quan đến sự hiện diện của những cây nấm có hình nải chuối, đài sen mọc quanh gốc đa, dù đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên lý giải chỉ là một loại nấm, thường gọi là nấm đùi gà, mọc lên do lá cây, vỏ cây già rơi xuống phân hủy thành mùn, và nấm phát triển từ đó.

“Nấm ở đây có hình thù lạ, bởi vì các bụi nấm mọc từ dưới các rễ cây, bị các rễ cây chèn ngang nên chỉ phát triển theo một chiều có hình thù giống như nải chuối” - Phó Chủ tịch xã Lê Thanh Chiền lý giải.

Tuy nhiên, với nhiều người dân, việc xuất hiện của những cây nấm có nhiều điểm kỳ lạ và trùng hợp một cách khó tin. Bởi, trước hết, cây nấm không mọc lên vào một thời điểm khác trong năm mà chỉ mọc vào đúng dịp 27/7.

Thứ hai, hình thù những cây nấm đều khá lạ mà hầu hết mọi người đều chưa thấy bao giờ. Thứ ba, nấm mọc lên đúng với dịp chuẩn bị xây dựng lại bia căm thù ghi lại tội ác giặc Pháp giết gần 1.500 đồng bào ta ngay tại gốc đa cổ thụ. Dù đã có độ lùi thời gian nhất định để xem xét nhưng những nghi vấn trên đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn