|
Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng "Mô hình chính quyền đô thị" sẽ như chiếc áo mới, rộng hơn giúp thành phố có điều kiện để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Ảnh: Hữu Công. |
Mục tiêu chính của mô hình chính quyền đô thị được cho là nâng cao quyền tự chủ; phát huy tính năng động, sáng tạo của thành phố thông qua các thiết kế mới về bộ máy tổ chức; tái bố trí địa giới hành chính; thay đổi phương thức phân cấp nhằm củng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân; đồng thời thay đổi tư duy, phương thức điều hành của cán bộ, công chức.
Tại hội nghị góp ý cho đề án ngày 26/8, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - đại diện tổ soạn thảo cho biết quá trình triển khai sẽ tác động đến nhiều mặt của xã hội. Vì thế, các trở ngại trong ngắn hạn và đối tượng chịu ảnh hưởng cần được nhận diện để có chiến lược chuẩn bị phù hợp.
Những tác động có thể nhìn thấy trước như xáo trộn do tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính; tiêu cực xuất hiện khi đón đầu sự thay đổi; bất tiện ban đầu của người dân, phải thích nghi với các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, về địa giới hành chính và những quy định về chính sách.
Ngoài ra, nếu một số đề xuất về các khoản thu và điều tiết đặc thù đối với đô thị lớn như TP.HCM được chấp nhận, khả năng người dân sinh sống trên địa bàn TP sẽ phải tăng các khoản đóng góp hợp lý (phí, lệ phí, một số sắc thuế liên quan đến bất động sản).
Tuy nhiên theo ông Lắm, về dài hạn, người dân sẽ được hưởng dịch vụ công ích của đô thị tốt hơn. "Bản chất của chính quyền địa phương là phục vụ người dân. Mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ dân tốt hơn theo hướng tăng cường quyền làm chủ của người dân, tăng sự hài lòng của người dân", ông Lắm khẳng định.
Cũng theo ông Lắm, sau khi tiếp thu các ý kiến, lần này đề án đã bỏ tên gọi thị trưởng đối với người đứng đầu 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc trực thuộc chính quyền TP.HCM. Nếu cấp chính quyền nào có tổ chức HĐND thì người đứng đầu chính quyền được gọi là Chủ tịch UBND; cấp chính quyền không có tổ chức HĐND thì người đứng đầu được gọi là Chủ tịch Ủy ban hành chính.
Lập tòa thị chính với thị trưởng đứng đầu là một trong ba mô hình tổ chức chính quyền đô thị mà Bộ Nội vụ trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 năm nay.
|
Đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân đề nghị nên chia thành phố lớn TP.HCM thành 7 thành phố nhỏ và 3 huyện để dễ quản lý. Ảnh: Hữu Công. |
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng nếu đã xác định chính quyền đô thị là tốt và cần thiết để phát triển, thành phố nên "mạnh dạn triển khai mô hình này ở ngay các quận trung tâm".
Ngoài việc thành lập 4 thành phố mới Đông, Tây, Nam, Bắc gồm các địa bàn đang đô thị hóa (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè), theo ông Quân, nên chia 13 quận nội thành cũ thành 3 thành phố trung tâm là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định.
“Khi đó, thành phố lớn TP.HCM sẽ có 3 thành phố nhỏ ở trung tâm đã đô thị hóa, 4 thành phố nhỏ ở vòng ngoài đang đô thị hóa cùng với 3 huyện ngoại thành. Mô hình này có ưu điểm là tương thích với hệ thống hiện hữu, không phải sửa luật nhiều và cũng tương thích với hệ thống chính quyền hiện hữu”, đại biểu Quân nói.
Ông kỳ vọng, với hệ thống này thành phố lớn sẽ giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, quy hoạch giao thông, môi trường và phân bổ ngân sách. Cấp quận - huyện sẽ chịu trách nhiệm về hành chính công và dịch vụ công như văn hóa, giáo dục. Còn chính quyền cấp phường, xã chỉ tập trung giải quyết thủ tục hành chính công.
Cũng theo ông Quân, không nên bỏ HĐND cấp quận huyện vì chính quyền cấp này có vai trò quyết định các vấn đề lớn và giám sát việc tuân thủ pháp luật ở địa phương, nếu bỏ sẽ làm “gãy” chức năng giám sát tại quận. Thay vào đó, nên bỏ HĐND cấp phường, xã vì cấp này thường không phải quyết các vấn đề lớn và cũng phù hợp với xu thế của thế giới là không có HĐND cấp phường.
Tại hội nghị, trước ý kiến lo lắng của các đại biểu HĐND vì thấy TP.HCM đang phải "tự bơi" với đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết sẽ xin Trung ương và các Bộ, ngành giúp đỡ.
“Thành phố đề xuất mô hình chính quyền đô thị xuất phát từ thực tiễn đặc thù, từ nhu cầu phát triển của thành phố. Nếu có mô hình, cơ chế phù hợp để phát triển mạnh hơn nữa thì thành phố cũng sẽ đóng góp cho ngân sách cả nước nhiều hơn nữa, cùng cả nước đi lên”, ông Quân khẳng định.
Sắp tới, chính quyền TP.HCM sẽ tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện đề án "Xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM" trước khi trình cấp Trung ương phê duyệt.
Theo đề án Xây dựng chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình "Chùm đô thị" - Thành phố trong thành phố. Ngoài 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) và 3 huyện ngoại thành. TP.HCM sẽ lập 4 thành phố mới là TP Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai (đường vành đai 2). Thành phố này sẽ có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. TP Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 (phần phía nam Kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Khu vực này sẽ phát triển dựa trên sông Nhà Bè và Xoài Rạp. Nòng cốt để phát triển là khu đô thị Nam Sài Gòn, thị trấn Nhà Bè và khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Cơ sở kinh tế để phát triển là dịch vụ cảng, gắn liền với các thương mại khác. TP Bắc sẽ gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. Chức năng kinh tế của khu đô thị này là phát triển dịch vụ, sinh thái gắn với nông nghiệp kỹ thuật cao (cây cảnh, hoa, cá cảnh...), phát triển các khu dân cư phục vụ cho việc giãn dân, chỉnh trang đô thị khu vực Gò Vấp, Tân Bình. TP Tây gồm quận Bình Tân hiện nay, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh. Theo quy hoạch đây sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế với đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và phát triển khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, 6, Tân Bình. |
Theo VNE