Thực hư Dấu mốc miệt thị ngàn đời
Khuất lặng sau cuộc sống ồn ã, khu mộ cổ được cho là có từ thời nhà Nguyễn, tọa lạc trên gò đất hoang cùng cây cỏ rậm rạp thuộc xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Những người biết đến mộ thường bị thu hút bởi sự cổ kính, trầm mặc của mộ phần một nhân vật có tiếng tăm trong vùng và hai cây thị thuộc hàng cổ thụ mang trong mình những giai thoại, chuyện kể ly kỳ. Mặc cho còn nhiều tranh cãi, sự tồn tại của hai cây thị cổ thụ cùng những chuyện kể về nó đã trở thành một phần văn hóa của vùng đất này.
Sừng sững bên khu mộ bằng đá tổ ong khổng lồ, hai cây thị thuộc hàng đại thọ vẫn xanh tốt, um tùm, sum suê hoa lá. Sự cổ thụ của cây thể hiện rõ ở bộ rễ xù xì, chai sạn oằn lên mặt đất với những đường cong, hình thù kỳ dị. Tán lá đồ sộ của hai cây thị được nhận định là cao tuổi nhất ở khu vực Nam Bộ này che mát một khuôn viên rộng đến hàng chục mét vuông đất hoang.
Các bậc cao niên nơi đây khẳng định: "Hiện tại chưa ai xác định được tuổi đời của thị ông, thị bà. Tuy nhiên, ai cũng khẳng định là chúng có tuổi đời ngoài mấy trăm năm. Xuất thân của cây cũng còn nhiều ý kiến tranh cãi".
Trong nhiều câu chuyện người ta khẳng định, thị ông, thị bà là cây cổ thụ cuối cùng còn sót lại trong những cây ăn trái được trồng làm hàng rào xung quanh khuôn viên khu mộ trước đây. Theo giả thuyết của người dân xứ Cai Lậy, ngôi mộ này vốn là của một đại phú hào, có tiếng tăm.
Khi người này mất đi, con cháu trong gia tộc đã xây dựng khu mộ như một lăng tẩm với nhiều cây cảnh và những loại cây ăn trái dành cho giới quý tộc. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, mưa nắng, lụt lội đã bào mòn quy mô khu mộ cũng như làm ngập chết các loại cây còn lại. Sở dĩ, hai cây thị trên còn sống sót là do nó gắn liền với những oan khuất của người quá cố.
Một góc phế tích của mộ ông Tang.
Tuy nhiên, các bậc cao niên thông thuộc kinh sử của vùng lại khẳng định ngôi mộ bằng đá tổ ong nay đã hoang phế vốn là mộ phần của ông Lê Phước Tang, người đứng đầu, dẫn đoàn người từ Đàng ngoài vào Nam khai khẩn đất hoang, lập làng lập ấp và khai sinh ra làng Hòa Thuận thuộc xã Long Khánh, huyện Cai Lậy ngày nay.
Người này có tài làm ăn nhưng sau khi mất, gia đình ông đã phạm tội với vua Gia Long nên bị tru di tam tộc tạo nên huyền thoại xiềng mả. Được biết, trong khuôn viên mộ cổ, trước kia vốn chỉ có độc nhất một cây thị. Cây thị này được chính vua Gia Long đích thân hạ chỉ trồng trong khuôn viên với ngụ ý ngàn đời khinh miệt tội khi quân của ông Phước Tang.
Thị ông thị bà - nỗi oan của người đã khuất?
Bị xiềng mả vì tội dưỡng bất giáo
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết: "Dòng họ Lê Phước là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn Ánh, vì vậy việc ông ghé nhà ông Tang lúc bôn tẩu rất có thể xảy ra. Còn Khâm sai Cai cơ là chức vụ "đặc tấn". Riêng việc ông Tang bị tội có thể là do hai người con trai về sau thân Tây Sơn. Năm 1785, sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã làm chủ nhiều làng dọc theo sông Ba Rài, nên có thể hai ông này đã hỗ trợ hoặc cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn. Đến năm Đinh Mùi (1788), quân của chúa Nguyễn trở lại đánh đuổi quân của Ngự úy nhà Tây Sơn đóng tại vàm Ba Rài, ra lệnh cho Tiền quân Tôn Thất Hội đắp đồn Mỹ Trang và Thanh Sơn (nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy). Việc làm của hai người con ông Tang đối với chúa Nguyễn Ánh là hành động "bất trung". Vì thế nên ông Tang bị vua Gia Long kết tội "dưỡng bất giáo", ra lệnh xiềng mả và tịch thu ruộng đất cấp lại cho con cháu Tiền quân Tôn Thất Hội. |
Ông Nguyễn Văn Tìm (50 tuổi, ngụ xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), người làm vườn cạnh khu mộ cổ, cho biết: "Trước đây, các cụ trong xã đều khẳng định khu mộ chỉ được trồng một cây thị duy nhất ngay cạnh cửa vào. Về sau, một cây thị khác được "đẻ" ra từ thân cây thị ban đầu.
Hai cây thị cổ thụ không chênh nhau mấy về tuổi tác cũng như kích thước. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, cả hai cây thị thân hướng ra phía đường mòn nhưng rễ lại nhất nhất đâm vào phía mộ phần. Trông từ xa, người quan sát cứ ngỡ chúng được mọc ra từ chân huyệt mộ.
Các cụ sống gần khu mộ cổ cho biết cây thị cổ thụ thứ hai mọc lên từ thân cây thứ nhất và đứng tách ra xa, vươn cao song song với thân cây mẹ. Đây được xem là một chuyện vô cùng hy hữu ở loại cây ăn trái này.
Vì vào mùa ra hoa, kết trái, hai cây thị cũng chi chít quả và rụng đầy xuống gốc thế nhưng trái đều thối rữa, tuyệt nhiên không có trái nào nảy mầm, mọc thành cây.
Với sự lạ đó, người dân nơi đây cho rằng, hồn oan khuất bị xiềng xích của ông Tang đã gửi vào thân cây thị cổ thụ thứ nhất, còn cây thứ hai chính là hương hồn vợ của ông. Do vậy, người dân nơi đây kính trọng gọi hai cây thị cổ thụ trên là thị ông thị bà.
Sức sống kiên cường đến khó tin của hai cây thị lại càng củng cố thêm niềm tin vào giả thuyết trên. Ông Tìm kể: "Cây thị thiêng lắm. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, vẫn song song tồn tại và cho trái đều đặn.
Vào mùa khô, hai cây rụng đến không còn một chiếc lá, người người không biết tưởng như nó đã chết khô nhưng sau những trận mưa, cây lại trổ lá lụa xanh non mơn mởn.
Vào trận lụt lịch sử năm Mậu Ngọ (năm 1978) cả vùng này ngập sâu trong nước, khu mộ ông Tang và hai cây thị cổ cũng trầm mình trong cảnh lụt lội mấy tháng trời. Những cây khác đều úa lá, rụng lá rồi thối rễ mà chết. Vậy mà, thị ông thị bà vẫn xanh tươi hoa lá vẫn ra trái thơm nức".
Trong những năm khói lửa đạn bom, sự thiêng liêng đến khó lý giải của thị ông thị bà một lần nữa được khẳng định khi toàn vẹn bước qua hai cuộc chiến mà không có bất kỳ vết thương nào. Ông Tìm kể: "Khi địch biết, quân ta đóng tại đây, chúng cho pháo bắn từ tàu vào, cho máy bay thả bom xuống xã, cày xới đất đai nhưng không một trái bom nào trúng mộ và làm hư hại hai cây thị.
Dù rằng, những cây dừa xung quanh đều bị băm nát, thân găm đầy mảnh pháo. Khó hiểu hơn, khi quả bom rơi xuống và phát nổ trước cửa của khu mộ cách hai cây thị cổ thụ khoảng 2m khiến mảnh đạn găm trên tường bao quanh khu mộ mà hai cây thị vẫn không hề bị ảnh hưởng gì. Hiện giờ, nơi bom nổ chính là hố sâu trước cửa chính khu mộ. Từ đó về sau, dân trong xã cũng chưa bao giờ thấy thị ông thị bà bị trúng đạn, trúng sét dù cành lá um tùm".
Cây thị đôi có sức sống mãnh liệt, mang tuổi đời cổ thụ với những chùm rễ có nhiều hình thù bắt mắt. Hơn thế, cây quý gắn bó với những câu chuyện huyền thoại ly kỳ khiến thị ông thị bà trở nên vô cùng giá trị trong mắt bọn "kiểng tặc".
Ghi nhận từ người dân nơi đây, việc quật mộ tìm của, tìm cách đào thị ông, thị bà về làm kiểng thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, sau lần một nhóm quật mộ thành công và nhặt nhạnh được chiếc ống ngoáy bằng đồng, một chiếc lược sừng, vài ba cái cúc áo bằng đồng và một chiếc sọ thì những lần sau đều bất thành. Riêng việc nhiều kiểng tặc tìm cách bứng hai cây thị cổ thì chưa một lần thành công.
Ông Tìm cho biết: "Đã có nhiều lần tôi bắt gặp một số người đem dao, cuốc máy móc đến tính chuyện bứng cây về trồng làm kiểng. Không hiểu sao, lúc đầu họ rất hào hứng, rôm rả nhưng về sau lại tiu nghỉu ra về.
Nghe nói, nhiều người được thuê khi về nằm mơ đều thấy người đã khuất về quở trách. Từ đó, không ai dám phạm đến cây nữa. Không biết thực hư thế nào nhưng từ trước người xưa đã căn dặn không nên phạm đến cây, nếu làm trái sẽ bị quở gặp tai ương".
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm, muôn ngàn biến cố, hiện nay, hai cây thị cổ thụ vẫn um tùm che bóng mát, tỏa hương ngào ngạt một góc khu mộ cổ kính.
Theo Nguoiduatin