Sáng 16/1, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2015. Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2014 được đánh giá là năm ngành VHTT&DL có sự đổi mới trong điều hành, quản lý với nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL phải có được cơ chế và chính sách để khơi dậy sáng tạo của các văn nghệ sỹ góp phần bồi đắp văn hóa dân tộc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhiều dấu ấn quan trọng
Các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ về công tác VHTT&DL đã được thể chế hóa, chuyển tải kịp thời, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em được bảo tồn và phát huy; nhiều di sản văn hoá được công nhận là di sản văn hoá quốc gia và thế giới với 3 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.
Các hoạt động văn hóa-nghệ thuật được tổ chức sôi nổi trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về gia đình được nâng cao. Đáng chú ý năm 2014 được chọn là "Năm Gia đình Việt Nam" và lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được tổ chức tại Việt Nam.
Thể thao Việt Nam thu được những kết quả nhất định trên các đấu trường quốc tế với hơn 1.000 huy chương các loại, tham dự đầy đủ các kỳ Đại hội Olympic, ASIAD, SEA Games; Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII được tổ chức với 57 kỷ lục quốc gia được xác lập.
Ngành Du lịch vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch tiếp tục được tăng cường. Tăng trưởng về lượng khách, tổng thu từ khách tiếp tục được duy trì, thể hiện chất lượng du lịch được cải thiện. Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng để du lịch Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển đột phá.
"Nếu dân tộc ta mấy nghìn năm trước không có bản sắc riêng tốt đẹp thì chúng ta không thể đứng vững trước thiên tai địch họa, không thể có những thành tựu ngày hôm nay" Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mà ngành cần phải nghiêm túc xem lại để khắc phục, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Cụ thể, hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao còn nhiều bất cập, nội dung hoạt động nghèo nàn, mang tính hình thức. Phong trào sáng tác văn hóa nghệ thuật phản ánh và cổ vũ sự nghiệp đổi mới đất nước chưa nhiều. Các tác giả, nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống dần mai một.
Những khó khăn cần được ngành Du lịch tiếp tục khắc phục trong thời gian tới là tình trạng thiếu chính sách đồng bộ để kết nối có hiệu qua giữa du lịch với các lĩnh vực khác và giữa các địa phương; tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải, tài nguyên du lịch bị khai thác, sử dụng sai mục đích; chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch chưa được kiểm soát hiệu quả; đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu còn thấp và rất khiêm tốn so với khu vực; hoạt động quảng bá, xúc tiến thiếu tập trung và chưa mang tính chuyên nghiệp cao.
Công tác quản lý Nhà nước có lúc có nơi có biểu hiện buông lỏng, lực lượng thanh tra, hậu kiểm còn mỏng, chế tài xử lý vi phạm hoặc còn thiếu hoặc hiệu quả răn đe chưa đủ mạnh, một số vi phạm vẫn tái diễn, kéo dài, khiến dư luận xã hội bức xúc...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Khơi dậy khả năng sáng tạo, bồi đắp văn hóa dân tộc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đóng góp của ngành VHTT&DL không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng về du khách, doanh thu ngành Du lịch hay việc tổ chức các ngày văn hóa, quảng bá di sản ra thế giới, phát động các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới mà còn mang đến bức tranh xã hội, đời sống tinh thần có nhiều điểm sáng, đa dạng, phong phú hơn, thể hiện vai trò nền tảng tinh thần của xã hội.
“Nhà có thể có nhiều tầng nhưng nền móng chỉ có một. Phát triển kinh tế đến mấy cũng là cho con người, nhưng nếu phát triển kinh tế mà không có văn hóa thì cũng không có ý nghĩa. Có những thói hư, tật xấu trong xã hội khi không lý giải được thì lại "quy trách nhiệm" cho văn hóa, nhưng nếu dân tộc ta mấy nghìn năm trước không có bản sắc riêng tốt đẹp thì chúng ta không thể đứng vững trước thiên tai địch họa, không thể có những thành tựu ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy, trong giai đoạn phát triển sắp tới, vai trò văn hóa ngày càng quan trọng song làm thế nào để phát huy, bồi đắp giá trị văn hóa được kế thừa từ truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc là câu hỏi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trước hàng trăm đại biểu là lãnh đạo Bộ VHTT&DL, các Sở VHTT&DL, các hội văn hóa, văn học nghệ thuật. Đây là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Trong đó, có vấn đề cần làm dài hơi, cần nghiên cứu kỹ nhưng có những việc có thể triển khai ngay, tạo chuyển biến, hiệu ứng tích cực.
Đơn cử, một trong những việc khó nhất, thách đố lớn nhất đối với ngành VHTT&DL là xây dựng cơ chế, chính sách khơi dậy động lực sáng tạo của các văn nghệ sỹ để có những tác phẩm chất lượng, góp phần gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của cha ông. Từ đó tạo xung lực cho việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ về văn hóa trong xây dựng con người trong thời kỳ mới.
Nhưng cũng có những việc nhỏ, có thể thực hiện ngay trong xây dựng nếp sống, hành vi văn hóa, văn minh hằng ngày như tôn trọng luật giao thông, ứng xử văn hóa trong công sở... Từ đó gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách.
Phó Thủ tướng tâm tư: "Làm sao để lúc 11 giờ đêm, người đi trên đường nhìn thấy đèn đỏ dù vắng vẫn dừng lại hay xây dựng văn hóa làm việc trong công sở đến được với từng công chức, viên chức... Những việc này chúng ta có thể thực hiện được ngay, mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ đối với từng người dân, môi trường xã hội mà còn xây dựng hình ảnh đất nước trong mắt các nhà đầu tư, du khách nước ngoài.
Bởi một nỗ lực nhặt mảnh rác hay không vứt mảnh rác trong tay ra đường, đi đúng luật giao thông hay đơn giản là thái độ thân thiện với một nụ cười của mỗi người dân cũng là tham gia phát triển văn hóa Việt Nam, qua đó phát triển du lịch".
Không thể coi nhẹ thiết chế văn hóa, thể thao
Lắng nghe nhiều ý kiến địa phương nói về những khó khăn trong công tác đầu tư, xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không thể coi nhẹ vai trò của các thiết chế này và cần chấn chỉnh những ảnh hưởng tiêu cực trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng cho rằng nếu không làm quy hoạch, không dành kinh phí, đất thì bẵng đi 1-2 năm, ở nhiều vùng sẽ không còn chỗ cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Tuy nhiên, việc vận hành các thiết chế này cần phải được xem xét, tính toán sao cho hiệu quả nhất.
Đơn cử như công tác tổ chức đại hội thể dục thể thao hiện nay cần phải phân định rõ giữa phong trào và chuyên nghiệp, số môn thi đấu cũng như thời điểm tổ chức; hay công tác quy hoạch, quản lý lễ hội cần điều chỉnh theo hướng hạn chế tối đa ngân sách, những lễ hội phục vụ du lịch, kinh doanh phải tự trang trải kinh phí.
“Sẽ rất lãng phí nếu không khai thác tốt những thiết chế văn hóa, thể thao đã được đầu tư song phải thật cầu thị, chuyên nghiệp khi xử lý những bất cập nảy sinh”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành VHTT&DL cần tập trung vào những việc trước hết thuộc về trách nhiệm của mình, không cần nguồn lực lớn nhưng tạo chuyển biến ngay như cải cách hành chính, ứng dụng CNTT...
Cùng với đó, chủ động cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các công việc dài hơi, cần kinh phí lớn và phối hợp liên ngành.
Theo VTC