TP.HCM: Cung đường lừa đảo người lao động nghèo

Thứ tư, 28/01/2015, 18:06
Với chiêu trò "nổ" công việc nhẹ nhàng, lương cao, ổn định, các trung tâm giới thiệu việc này dụ người tìm việc ký hợp đồng để lấy hơn 400.000 đồng môi giới, sau đó bỏ mặc.

Dọc QL1A đoạn qua ngã tư An Sương (giáp ranh quận 12 với huyện Hóc Môn, TP.HCM) có hàng chục trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) mọc lên hai bên đường, hoạt động theo kiểu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tìm việc.

Các cơ sở này chỉ trương bảng giới thiệu việc làm, không có tên, số đăng ký hoạt động, địa chỉ cụ thể. Ở mỗi bảng hiệu đều in chữ “miễn phí” to đùng và bên trong “văn phòng” của các trung tâm này dán hai chữ “giấy phép” ở bàn làm việc để đánh lừa người lao động.

saigon, lừa đảo, tìm việc làm, môi giới việc làm, người lao động
Một góc khu vực ngã tư An Sương.

Theo tìm hiểu, ngoài quảng cáo bằng tờ rơi, các trung tâm này còn “phủ sóng” thông tin việc làm trên các trang web với mức lương, thưởng hấp dẫn để mồi chài người tìm việc. Ngoài ra, mỗi trung tâm đều có đội ngũ xe ôm riêng đón người lao động ở các tỉnh lẻ về TP.HCM.

Do cần việc làm nên anh Nguyễn Hùng Nghĩa (49 tuổi, quê Kon Tum) nhờ con gái lên mạng để tìm việc giùm. Thấy công việc bốc vác hàng hoá, lương cao lại bao ăn ở nên anh Nghĩa liền gọi vào số điện thoại 0128.3795.910 để xin làm thì được nam thanh niên tên Nhân hướng dẫn photocoppy 2 giấy CMND rồi xuống TP HCM để đi làm.

Ngày 3/1, anh Nghĩa bắt xe khách xuống bến xe Miền Đông và được Nhân chỉ cách đón xe buýt đến ngã tư An Sương. Đến đây, anh Nghĩa được nam thanh niên chở vào một TTGTVL cách đó khoảng 100m để làm thủ tục nhận việc.

Sau khi thoả thuận công việc bốc hàng (từ 5 đến 25kg) với mức lương 5,8 triệu đồng/tháng, nhân viên trung tâm này nói anh Nghĩa ký tên vào hợp đồng, đóng 320.000 đồng tiền lệ phí. Đóng tiền xong, trung tâm nói anh Nghĩa liên lạc với người đàn ông tên Cường qua số điện thoại 0968.047.721 để được đi làm ở khu công nghiệp Sóng Thần (TX Dĩ An, Bình Dương). Tuy nhiên, sau khi nói chuyện điện thoại với người này, anh Nghĩa được đưa vào căn nhà hai tầng ở gần chợ Xóm Mới, KP Thống Nhất, TX Dĩ An, Bình Dương.

“Tôi tưởng đóng tiền xong là nhận việc liền, ai ngờ phải gọi điện cho người khác nữa. Nhưng lỡ đóng tiền rồi làm sao đòi lại được, mà họ chẳng đưa một bản hợp đồng, biên lai thu tiền hay giấy biên nhận gì hết”, anh Nghĩa bức xúc.

Theo lời kể của anh Nghĩa, TTGTVL này dùng căn nhà trên cho người lao động ở tạm, những ai được đưa vào đây đều phải đóng 70.000 đồng tiền đăng ký tạm trú và chụp ảnh thẻ.

“Lúc tôi đến, có 3 thanh niên khác chờ nhiều ngày rồi vẫn chưa được đưa đi làm. Khi được hỏi thì nam thanh niên thu tiền nói là chưa có việc thích hợp”, anh Nghĩa cho biết thêm.

Chờ mãi không có việc làm, nóng ruột, số tiền ít ỏi mang theo ăn uống, sinh hoạt đã hết, người tìm việc buộc phải tự đi tìm việc khác và đương nhiên số tiền hơn 400.000 đồng đã đóng không lấy lại được.

Một thủ đoạn "dã man" hơn của các TTGTVL nơi đây là sau khi ký hợp đồng, thu tiền, họ liên kết với các kho hàng để bốc vác, trả lương theo tuần. Sau một tuần làm việc vất vả, khi người lao động yêu cầu trả lương thì chúng khất lần. Nếu ai đó bức xúc la lối, lập tức bọn giang hồ xăm trổ đầy mình xuất hiện. Đến lúc này thì những người lao động nghèo tỉnh lẻ, thân cô thế cô chỉ còn cách ôm quần áo bỏ đi nơi khác với hai bàn tay trắng.

Sáng 23/1, khi chúng tôi vừa dừng xe dưới gầm cầu vượt An Sương, một gã đàn ông đi xe máy BS: 72N2 – 9653 phóng tới hỏi: “Anh đi xin việc phải không?”. Sau khi nhận cái lắc đầu của tôi, gã quẹo xe cái rẹt, tiếp cận hai thanh đang ngồi uống nước bên đường.

Sau hồi nói chuyện, hai thanh niên đồng ý đi theo người đàn ông đến một TTGTVL gần đó. Lúc hai thanh niên này trở ra, chúng tôi đến hỏi thăm thì người tên Phúc (24 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, do nghi ngờ trung tâm này lừa đảo nên anh và người bạn đi cùng không ký hợp đồng. Ghi nhận, chưa đầy 2 tiếng có mặt nơi đây, chúng tôi ghi nhận có 6 người tìm việc được người đàn ông này chở vào TTGTVL trên.

Thực trạng các TTGTVL lừa đảo người lao động tồn tại đã lâu, hàng ngàn trường hợp bị gạt lấy tiền, nhưng không hiểu sao đến nay các trung tâm này vẫn hoạt động tấp nập? Đó là câu hỏi mà người lao động nghèo chờ cơ quan chức năng trả lời.

Theo Công an TP.HCM

Các tin cũ hơn