Một bản phân tích từ Dự án giám sát Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins ở Washington mang tên 38 North cho thấy vẫn còn quá sớm để kết luận các dấu hiệu hơi nước bốc lên, băng tuyết tan chảy trên nóc lò phản ứng chính là dấu hiệu hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.
Dựa trên những hình ảnh vệ tinh từ 24/12/2014 đến 11/1/2015, bản phân tích trên dự đoán “Có thể Bắc Triều Tiên đang bắt đầu tái khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân sau khi “đóng băng” chúng suốt năm tháng trời".
Một nhà máy hạt nhân ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, bản phân tích cũng thừa nhận rằng quá trình giám sát lò phản ứng hạt nhân Yongbyon vừa mới được bắt đầu trong khoảng một vài tuần gần đây nên việc đưa ra kết luận cuối cùng về việc tái khởi động hạt nhân ở Bình Nhưỡng là vẫn còn quá sớm.
Có sự khác biệt giữa hình ảnh mới nhất của lò phản ứng hạt nhân Yongbyon hồi cuối 2014, đầu 2015 so với thời điểm một năm trước đó – khi lò hạt nhân này vẫn còn hoạt động.
Theo đó, hình ảnh lò phản ứng vào thời điểm tháng 12/2013 cho thấy tuyết trên tất cả các mái nhà có “dính líu” đến lò phản ứng hạt nhân đều tan chảy. Bọt nước xuất hiện ở đoạn cuối của các ống dẫn hơi nước và nước thải thuộc tòa nhà vận hành tua-bin. Việc bọt nước không còn xuất hiện trong những tấm hình gần đây rất có thể là do Triều Tiên đã cho lắp đặt đường ống mới.
Vào tháng 4/2013, Triều Tiên tuyên bố sẽ tái hoạt động lò phản ứng tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nhằm đạt được “sức mạnh răng đe” (với các nước khác – NBT). Động thái này ngay lập tức bị cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế lên án.
Viện cố vấn Khoa học và An ninh Quốc tế trụ sở tại Washington tuyên bố hình ảnh từ vệ tinh trong giai đoạn cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2014 cho thấy dường như một phần, hoặc hầu hết các lò phản ứng ngừng hoạt động.
Các nguồn tin dự đoán việc Bình Nhưỡng “dừng hoạt động” chỉ mang tính tạm thời nhằm tiếp thêm nhiên liệu, bảo trì hoặc cải tiến các lò phản ứng hạt nhân.
Hiện Triều Tiên đang hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với việc lặp đi lặp lại hoạt động thử nghiệm bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Đầu năm 2015, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tạm hoãn vụ thử nghiệm hạt nhân trong tháng này nếu Mỹ tạm hoãn diễn tập quân sự thường niên với Hàn Quốc. Tuy nhiên đề nghị của Bình Nhưỡng ngay lập tức bị chính quyền Washington bác bỏ.
Theo Pháp luật TP.HCM