Báo Nhật Bản Japan Times dẫn lời nhà phân tích các vấn đề quốc tế Nobuhiko Suto, cựu nghị sĩ Nhật Bản, cho rằng, từ sự việc lần này, những kẻ khủng bố rút ra bài học rằng, bắt người Nhật Bản là cầm được những con bài giá trị. “Những nước như Mỹ, Pháp và Anh luôn giữ quan điểm cứng rắn với chủ nghĩa khủng bố nên không đưa ra hứa hẹn gì…
Tuy nhiên, Nhật Bản phản ứng theo cách thức khá sợ và hoảng loạn”, ông Suto nói. Nhà phân tích này cũng cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Israel trước đây có thể đã khiến IS khó chịu. “Nhật Bản lâu nay vẫn duy trì quan điểm tương đối trung lập đối với nhóm IS, và do đó, những kẻ cực đoan không có ý định làm hại người Nhật. Nhưng khi ông Abe thông báo rõ ràng rằng, Tokyo sẽ ủng hộ những nước phản đối IS, Nhật Bản bỗng nằm trong tầm ngắm của những kẻ cực đoan”.
Trong cuộc họp của Quốc hội Nhật Bản hôm 28/1, ông Abe nói sẽ thực hiện những bước đi nhằm bảo vệ công dân Nhật Bản ở nước ngoài. “Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và trao đổi thông tin nhanh chóng để bảo đảm an toàn cho họ và chúng ta sẽ tăng cường biện pháp an ninh trong nước”, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Abe. Thủ tướng Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ “không nhân nhượng những kẻ khủng bố, và sẽ làm hết sức để đóng góp chủ động cho hòa bình và ổn định toàn cầu”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khuyến cáo công dân không đến Syria trong tình hình hiện nay, đồng thời thúc giục những công dân Nhật Bản đang ở Syria rời khỏi đó. Tuy nhiên, một nhà báo là bạn của con tin Kenji Goto nói rằng, sự việc lần này không bình thường, và rằng người Nhật không nên lo lắng về mối đe dọa mới.
Phóng viên chiến trường hoạt động tự do Jumpei Yasuda cho rằng, hai con tin Goto và Haruna Yukawa tự nguyện đến vùng chiến sự và họ là những trường hợp ngoại lệ, nghĩa là những người Nhật khác không phải đối diện nguy cơ lớn từ những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, nhà báo này cho rằng, người châu Á có khuôn mặt dễ nhận ra, nên dễ trở thành mục tiêu bị bắt cóc đòi tiền chuộc.
Theo Tiền Phong