Đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải
Tầm nhìn chung Mỹ - Ấn về châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương trở thành chính thức trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chỉ 4 tháng sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama được cho là thông điệp gửi Trung Quốc rằng, nếu cần thiết, Mỹ - Ấn có thể sẽ bắt tay để cùng đối phó nước này.
Theo New York Times, Tổng thống Obama nêu ra một loạt vấn đề như tăng tốc kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế kết nối Nam Á và Trung Á, thúc đẩy lĩnh vực năng lượng, thương mại, quốc phòng… để cùng bàn thảo với đối tác Ấn Độ.
Nhưng 45 phút đầu tiên trên bàn đàm phán chỉ dành để nói về một chủ đề duy nhất: Trung Quốc. Thủ tướng Modi không giấu quan ngại về sự trỗi dậy cũng như mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trước những vấn đề chiến lược tại khu vực Đông Á, tương tự quan điểm Mỹ. Ông Modi đồng thời quan tâm các cách tiếp cận mới để đối phó Trung Quốc.
Tổng thống Obama và ông Modi ký tuyên bố chung, theo đó hai nhà lãnh đạo tái khẳng định “tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không”, đặc biệt là ở biển Đông, nơi Trung Quốc thường xuyên gây căng thẳng và bị cáo buộc gây hấn với nhiều quốc gia trong khu vực.
“Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải và tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp QUốc về Luật Biển”, tuyên bố nêu rõ.
Thủ tướng Modi còn đề nghị xây dựng lại Đối thoại An ninh Bốn bên - một mạng lưới có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, được khởi xướng năm 2007 và bị Trung Quốc chỉ trích.
Tam giác quyền lực
New York Times đánh giá, Ấn Độ từ lâu vẫn duy trì vị thế độc lập trên trường quốc tế, không bắt tay với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Modi, ông không những sẵn sàng mà còn khao khát định hình lại quan hệ Mỹ - Ấn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng vươn lên cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Giới chức Mỹ hy vọng hai nước sẽ tích cực hợp tác hơn nữa để kìm hãm tham vọng của Trung Quốc và bảo đảm trật tự khu vực.
Thủ tướng Modi cũng biểu lộ quyết tâm Ấn Độ sẽ giữ một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại châu Á với chính sách mang tên “hành động Phương Đông” tương đồng với chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ. Một trong những vấn đề Ấn Độ lo ngại là việc Trung Quốc điều các tàu ngầm hạt nhân tới tuần tra tại vịnh Bengal - khu vực vốn được coi là sân sau chiến lược của New Delhi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Chúng tôi biết Ấn Độ không muốn trở thành một phần của chính sách ngăn chặn Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng, trò chơi một mất một còn đã thuộc về thế kỷ trước”.
Bà Hoa nhấn mạnh, cải thiện quan hệ Mỹ-Ấn “nên tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác trong khu vực”. Tuy nhiên, hãng thông tấn Xinhua cho rằng, chuyến công du của ông Obama chỉ “có giá trị biểu tượng hơn là thực tế”, vì Mỹ - Ấn vẫn có sự chia rẽ lâu dài và khoảng cách lớn.
Trang tin Đài Loan Want China Times dẫn lời chuyên gia về Nam Á Ashley Tellis tại Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế cho rằng, ông Modi đang dùng “trò chơi tay ba” với Mỹ và Trung Quốc. Một mặt đề phòng Bắc Kinh, mặt khác muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, đặc biệt là tiếp cận công nghệ, kỹ năng chuyên môn và hợp tác quân sự với Mỹ. Chuyên gia Michael Kugelman ở Trung tâm Wilson (Mỹ) lại cho rằng, Ấn Độ dường như không muốn liên minh với Mỹ hay nước nào khác để chống Trung Quốc. Một số nhà phân tích tin rằng, trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Modi, Bắc Kinh sẽ phải tìm cách cải thiện quan hệ với New Delhi. |
Theo Tiền Phong