ĐBQH Đinh Xuân Thảo: Phạt tù không phân biệt già trẻ, trai gái, giàu nghèo (Ảnh: ND) |
Theo Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành, hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, BLHS sửa đổi có xu hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng, thậm chí cả tội rất nghiêm trọng với các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm môi trường…
Nội dung này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. PV Infonet đã trao đổi với ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Quốc hội xoay quanh chủ trương thay phạt tù bằng nộp tiền với một số hành vi vi phạm.
Khi thảo luận về BLHS sửa đổi, vấn đề thay hình phạt tù bằng nộp tiền một lần nữa lại được đặt ra. Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào xoay quanh đề xuất này?
Cá nhân tôi chưa nắm được thông tin này. Nhưng từ khá lâu rồi, tôi nhớ không nhầm thì vào những năm 1995 – 1996 đã có một số hội thảo khoa học liên quan đến tội phạm kinh tế. Trong đó có đặt ra kinh nghiệm từ một số nước đang áp dụng. Đã là tội phạm thì phải trừng trị kết hợp với cải tạo, giáo dục nhưng đối với tội phạm kinh tế, mục đích quan trọng là phải thu hồi được tài sản.
Thực tế ở Việt Nam, vào thời điểm bây giờ, tội phạm kinh tế, tham nhũng tài sản rất lớn nhưng việc thu hồi lại rất ít. Vì Việt Nam chi tiêu bằng tiền mặt, nên số tiền chiếm dụng được biến thành vàng, đất đai, nên tài sản không thu hồi được. Chính vì thế mà chúng ta thường có câu “hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Họ chiếm dụng tài sản rồi cất giấu, để cho con cháu thừa hưởng, còn mình sẵn sàng ngồi tù.
Việc đề xuất này trước tiên được xuất phát từ kinh nghiệm của nước ngoài liên quan đến thực tế phải thu hồi được tài sản. Trong khi đó ở Việt Nam lâu nay cũng có nhiều tội phạm về kinh tế, nhưng không thu hồi được tài sản, hoặc thu hồi được rất ít.
Thu hồi tài sản có được xem ra một giải pháp răn đe không? Cá nhân ông có ủng hộ phương án này?
Một người tham ô, tham nhũng phải nộp lại tiền cũng là một hình thức răn đe. Thực tế có nhiều người tài sản rất lớn, chiếm dụng rất nhiều nhưng lại không dám ăn, không mua sắm mà chỉ cất giữ, nhưng họ vẫn còn tài sản đó. Nếu phải nộp lại tài sản kể cả trong trường hợp tài sản đó bị vợ con tiêu hết rồi, phải huy động trả lại cũng có mặt tích cực của nó.
Chủ trương này nên ủng hộ!
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nến áp dụng nộp tiền thay phạt tù sẽ là thiên vị cho người giàu?
Nếu nói về xâm phạm tài sản, không nên nói người giàu, người nghèo đối với tội phạm. Tội phạm kinh tế chủ yếu là những người quản lý, kiểm soát tài sản, vì thế không nên đặt ra vấn đề giàu nghèo.
Về mặt nguyên tắc, phạt tù không phân biệt già trẻ, trai gái, giàu nghèo… Quyền con người, quyền cơ bản của công dân chỉ bảo vệ người làm ăn chính đáng, còn nếu công dân phạm tội, quyền con người sẽ bị hạn chế.
Dù là tội phạm giàu hay nghèo thì vẫn phải thực hiện nghiêm luật như nhau. Trường hợp gây thiệt hại tài sản do hành vi vô ý lại là chuyện khác. Còn tội phạm kinh tế, cố tình xâm phạm tài sản thì áp dụng hình thức này là hướng tốt.
Tuy nhiên phải kết hợp giữa phạt tiền với phạt tù. Đề xuất này là biện pháp thay thế, nhưng anh vẫn phải bị mang án tù. Ví dụ anh bị án tù 10 năm, nhưng thay vì ngồi tù 10 năm thì anh thay bằng tiền. Đổi lại anh được ra ngoài, nhưng anh vẫn bị án phạt 10 năm tù trong lý lịch tư pháp. Đó gọi là hình thức thay thế, hình thức thực thi hình phạt.
Với tội phạm kinh tế có thể phương án này khả thi, nhưng còn đối với với các loại hình tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác mà cũng phạt tiền thay ở tù, theo ông có hiệu quả?
Cái này đúng là phải nghiên cứu, vì các nước không áp dụng với tội giết người, buôn ma túy. Ví dụ với tội phạm nghiêm trọng, người ta chỉ áp dụng nộp tiền thay cho số ngày ngồi trong tù thôi. Chẳng hạn người ta quy định mỗi ngày, mỗi tháng trong tù là bao nhiêu tiền, hay nếu chịu mức án 10 năm tù, tối thiểu anh phải ngồi tù 5 năm, hay 1/3 thời gian đó. Hoặc với tội ít nghiêm trọng như dưới mức 1 tỷ đồng thì người ta sẽ cho nộp bảo lãnh, sau đó đưa ra xét xử sẽ trừ tiền nộp đó.
Riêng đối với tội phạm nghiêm trọng như tội giết người, buôn bán ma túy thì phải tính khi áp dụng nộp tiền thay ngồi tù. Vì đối với loại hình tội phạm hình sự phải xử nghiêm theo hướng trừng trị, kết hợp giáo dục, cải tạo. Nếu áp dụng hình thức thay thế với mọi đối tượng thì phải đảm bảo yếu tố răn đe. Vì đối tượng nhiều tiền, gây án sau đó nộp tiền ra tù rồi lại dễ gây án tiếp. Vì thế nhiều khả năng nếu có tiền, tội phạm sẽ không sợ khi phạm tội.
Vì thế việc nộp tiền phạt thay thế ở tù chỉ nên áp dụng đối với tội phạm lần đầu, còn tội phạm nhiều lần nếu áp dụng sẽ không đảm bảo tính giáo dục, răn đe.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet