Theo trình bày của 12 hộ dân, năm 1983, người dân cùng nhau khai hoang khoảng 4ha đất ở Gò Trọc (thôn Lộc Giang, nay thuộc khoảnh 1, Tiểu khu 139B, thôn Lộc Giang) để trồng trọt, sản xuất nhằm cải thiện đời sống.
Đến năm 1991, ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường lúc bấy giờ, trực tiếp đến 12 hộ dân yêu cầu thu dọn cây, hoa màu để huyện và xã thu hồi, thực hiện chủ trương sử dụng đất trống, đồi trọc theo quy định của nhà nước.
Cuối năm 2014, sau khi biết đất mình đang canh tác bị UBND huyện Hoài Ân lấy giao cho ông Nguyễn Văn Sửu từ tháng 8-1994 với thời hạn 50 năm để trồng rừng nhưng không bồi thường theo quy định, 12 hộ dân gửi đơn khiếu nại lên huyện đòi lại đất.
Ngày 15-1-2015, UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định không công nhận nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân. Lý do: 4ha đất tại Gò Trọc đã được UBND huyện giao cho ông Sửu sản xuất lâm nghiệp; tại thời điểm được giao đất không có người dân nào phản đối. Ngoài ra, thời gian qua ông Sửu đã sử dụng đất ổn định, đúng mục đích.
Không đồng tình với quyết định này, vừa qua, các hộ dân tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định khiếu nại. “Thời điểm huyện giao đất cho ông Sửu, chúng tôi biết gì đâu mà bảo sao không phản đối. Bây giờ biết sự thật, chúng tôi đi khiếu nại, huyện phải xử lý sao cho ổn thỏa, làm vậy coi sao được?” - ông Liễu Xuân Ninh, 1 trong 12 hộ dân, bức xúc.
Giải thích về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Sửu cho biết sau khi nhận đất, ông vẫn để lại một phần cho các hộ dân canh tác trên đất họ khai hoang. Đến năm 2004, ông sang nhượng lại diện tích đất rừng đó cho người khác nên không còn liên can nữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người mà ông Sửu sang nhượng là ông Nguyễn Văn Ái, em ruột ông Sửu, hiện giữ chức phó chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông. Trước đó, ngày 16-6-1994, đích thân ông Sửu viết đơn gửi UBND huyện xin giao đất và cũng chính ông là người đại diện chính quyền địa phương với chức danh chủ tịch xã ký xác nhận đơn xin đất của ông.
Ông Huỳnh Văn Việt, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Ân, cho biết việc ông Sửu trực tiếp viết đơn xin đất rồi tự ký, đóng dấu xác nhận với chức danh chủ tịch xã là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Ông Việt cũng thừa nhận diện tích đất UBND huyện giao cho ông Sửu trồng rừng có nguồn gốc từ việc người dân địa phương khai hoang, canh tác.
Hiện vụ việc đã được chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, báo cáo đề xuất hướng giải quyết.
Theo NLĐ