Sao phải liều mạng để được... tắm miễn phí?

Thứ hai, 20/04/2015, 12:18
Người Hà Nội thanh lịch, Hà Nội có hàng ngàn năm văn hiến nhưng giờ sao lại thế này? Đó là trăn trở của nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động sau khi đọc thông tin về vụ nhiều người dân leo rào vào Công viên nước hồ Tây (thuộc Q. Tây Hồ, Hà Nội) để được vào... tắm miễn phí.

Do lượng người đến tắm quá đông, công viên trên không thể đáp ứng đủ nên đóng cửa, không nhận thêm khách. Tuy nhiên, nhiều người, đa phần là giới trẻ, không ngại leo hàng rào có cọc nhọn để vào tắm cho bằng được. Hành động không đẹp mắt này mang đến một sự hỗn loạn kỳ lạ chỉ vì chuyện tắm rửa khiến cho hình ảnh một Hà Nội thanh lịch bị xấu đi.

Bạn đọc Trần Sơn xót xa bình luận: “Niềm tin yêu, hy vọng..." là đây sao?". “Lâu lắm rồi không tắm, nghe tắm miễn phí kéo nhau đi ào ào” – bạn đọc Huu Nhat viết. Bạn đọc Tư Nổ cảm thán: “Đi tắm mà phải cực khổ như thế sao? Về quê tôi tắm sông miễn phí cả ngày lẫn đêm, rất thoải mái”. “Cái giá của "free" (miễn phí) thường là như vậy thôi mà. May mà không có em nào té gãy cổ” – bạn đọc Nguyễn Tuấn nhận định.

Thi nhau leo rào để vào tắm miễn phí. Ảnh: theo Quang Thế (Tuổi Trẻ)

Thi nhau leo rào để vào tắm miễn phí. Ảnh: theo Quang Thế (Tuổi Trẻ)

Một số bạn đọc khác cho rằng đây là hành động đáng xấu hổ, chỉ có chuyện tắm mà sao phải làm như thế. Trong đó, bạn đọc Mr Phan viết: “Có tắm thôi sao phải khổ vậy? Về nhà tắm có thoải mái hơn không? Có miễn phí thì cũng phải đàng hoàng chứ, nếu đã đông quá rồi thì đi về, ai lại làm vậy, quả thật là nhục!”. “Mình cảm thấy xấu hổ cho một nền văn hóa ứng xử, văn hóa của người Việt...!” – bạn đọc manhha viết.

“Miếng ăn là miếng tồi tàn nhưng nếu "miễn phí" thì cũng chịu là người tồi tàn để có chút xíu đồ ăn bỏ vô miệng. Trời nóng thì chấp nhận chịu khổ chứ không tắm nhưng nếu có nơi tắm "miễn phí" thì chấp nhận nguy hiểm tính mạng để trèo rào... quyết không bỏ sót một xuất miễn phí nào. Có lẽ nghèo quá không có tiền nên gặp miễn phí thì phải đi một lần cho mãn nguyện nếu không thì tiếc lắm?” – một bạn đọc cay đắng viết.

Ôm con cũng ráng leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Bế trẻ em cũng ráng leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Bắc thang leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Bắc thang leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Một tay bế trẻ, một tay leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Một tay bế trẻ, một tay leo rào. Ảnh: Afamily.vn

Không chỉ trên các báo, vụ việc leo rào tắm miễn phí này xuất hiện dày đặc trên Facebook, các diễn đàn, nhiều cư dân mạng còn viết tâm thư dài thể hiện sự bức xúc, chỉ trích những người tham gia leo rào. Một số hình ảnh không đẹp như bị rách quần do leo qua cọc nhọn, bế con nhỏ cũng cố leo rào vào tắm… bị chỉ trích dữ dội. Do quá đông đúc, khuôn viên công viên nước đầy người và đã có một số bạn nữ trẻ ngất xỉu, số khác còn bị chọc ghẹo, sàm sỡ… rồi đấu tố nhau trên Facebook.

Đây không phải lần đầu tiên những hình ảnh “ngứa mắt” về văn hóa ứng xử tràn ngập trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, báo mạng. Trước đó, nhiều người bức xúc trước hình ảnh hàng ngàn người dân đội nắng nhận thức ăn nhanh, giành giật đồ chơi tại cửa hàng thức ăn nhanh lớn ở quận 1, TP HCM. Nhiều bạn đọc khác không chỉ lên án những người đội nắng, hít khói xe chờ nhận phần ăn trưa mà còn chỉ trích cách làm của ban tổ chức.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng từng sốc nặng khi bức ảnh nhiều bạn trẻ xô nhau, chen lấn để giành phần ăn sushi miễn phí ở Hà Nội lan tràn. Nhiều người bức xúc thốt lên “không chấp nhận được”, “không còn lời nào để diễn tả”… Nhưng rồi sự việc vẫn tái diễn mỗi khi nơi nào đó thông báo có miễn phí.

Không biết du khách nước ngoài nhìn cảnh người người chạy rầm rầm rồi leo rào vào công viên nước chỉ để tắm miễn phí sẽ nghĩ thế nào về hình ảnh Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung? Một số người có con nhỏ vẫn cố bồng bế trẻ leo qua cọc nhọn có nghĩ đến nguy hiểm đôi khi đến tính mạng con mình chỉ vì một suất tắm miễn phí, cái giá đó có đắt quá không?... Những người lớn cứ phô diễn những hành động không đẹp trước mắt con em mình, làm gương xấu thì văn hóa ứng xử tệ hại này bao giờ mới thay đổi, sửa chữa?...

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn