Sập cẩu đường sắt trên cao: Chưa chết người thì chưa nhận lỗi

Thứ sáu, 15/05/2015, 10:36
Thần chết treo lơ lửng trên cao, sẵn sàng rơi xuống đầu người dân bất cứ lúc nào. Vậy mà người có trách nhiệm không chịu đứng ra nhận lỗi mà chỉ biết đổ thừa cho anh công nhân gò lưng cẩu thép.

Nguyên nhân ban đầu của vụ sập cẩu ở dự án tuyến đường sắt Nhổn- ga Hà Nội vào chiều 12.5, được xác định là do nhà thầu không lường trước hết lực ma sát giữa ống vách thép và vách các lớp đất. Đó là lời ông Lê Huy Hoàng- Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Ô hay, một công trình trọng điểm, đâu phải công trình của làng, của xã mà thiếu vắng bóng kỹ sư tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế để cho anh công nhân, cứ gò lưng cẩu một ống thép có đường kính 1 mét, chôn sâu những 9 mét, để rồi đổ nguyên nhân là không lường trước hết lực ma sát.

Chả nhẽ bất cứ sự cố nào cũng đổ lỗi do bất cẩn của người công nhân?

Tất nhiên, anh thợ cẩu không thể nào hiểu được nguyên lý đòn bẩy, nên mới cố kéo ống thép lên. Cẩu kéo không được thì việc cẩu bị vặn xoáy, quật ngang, đổ xuống nhà dân là lẽ tất yếu.

Những người liên quan đến việc để cần cẩu đổ ắt sẽ bị xử lý, theo như lời của ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội- chủ đầu tư dự án này.

Nhưng, người dân vẫn chưa thấy ai đó có trách nhiệm đứng ra nhận lỗi về phần mình, hay vì vụ tai nạn này để lại hậu quả quá nhỏ, hai nhà dân chỉ bị sập không đáng kể, hai người cũng bị thương tích nhẹ?

Đâu có tử vong mà làm lớn chuyện

Sáng cùng ngày vụ sập cần cẩu, tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông cũng có sự cố rơi chiếc xà beng xuống chiếc ô tô đang lưu thông phía dưới công trình.

May thay, chiếc ôtô chỉ bị xây xước nhẹ, nên dư luận cũng chẳng ầm ĩ làm gì. Tuyệt nhiên không thấy một lời xin lỗi của những người có trách nhiệm. Phải chăng, vì không gây hậu quả nghiêm trọng nên không cần phải xin lỗi, nhận trách nhiệm? Một ngày xảy ra hai vụ tai nạn của dự án đường sắt, chẳng lẽ không lớn?

Tại dự án này đã từng một người chết, ba người bị thương bởi bó sắt dài 7 mét, bị đứt cẩu, rơi xuống dòng người phía dưới. Một chiếc ôtô taxi chở ba người cũng đã bị khối bê tông đổ ụp xuống, may mà bê tông đang đổ, chưa có độ kết dính, nên không xảy ra thương vong.

Thanh sắt dài 9 mét, nặng 630kg ở độ cao 10 mét, bỗng dưng rơi thẳng xuống phần đường dành cho người tham gia giao thông. May mắn cho hai thanh niên đã vội đạp thắng, xe chỉ cách thanh sắt rơi trong gang tấc.

Sau những vụ tai nạn hy hữu từ trên trời rơi xuống, tại sao người cần đứng ra chịu trách nhiệm lại không nhận lỗi?

Lỗi lại thuộc về công nhân phụ trách phần treo móc cọc vào cẩu, thấy móc bị nứt mà vẫn treo nên mới xảy ra sự cố. Chẳng lẽ, mọi công việc cứ “khoán trắng” cho công nhân là xong việc. Vẫn không thấy đâu giám sát tư vấn, giám sát thiết kế?

Có còn là....lỗi thuộc về công nhân?

“Mất bò mới lo làm chuồng”, bắt đầu từ ngày 15.5, dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội sẽ ngừng sử dụng cần cẩu tháp có bán kính ngoài công trình, chỉ cho phép hoạt động từ 22h đến 6h sáng hôm sau, phải có người cảnh giới. Tổ công tác liên ngành lại kiểm tra “an toàn” của dự án.

Quyết tâm an toàn là vậy trong khi người dân thì càng gia tăng nỗi lo sợ khi phải tham gia giao thông tại những tuyến đường có dự án này? Thần chết vẫn treo lơ lửng trên đầu, sẵn sàng đổ ụp xuống bất kể lúc nào.

Cũng đã có những cán bộ bị cảnh cáo, bị giáng chức vì để xảy ra tai nạn ở dự án này, tuy nhiên, dư luận chờ đợi việc nhận trách nhiệm ở những người có trách nhiệm cao nhất của dự án mà chẳng thấy ai đứng ra nói một lời để an lòng dân. Nhưng người dân cũng tự an ủi rằng, nếu cứ xử lý hết thì lấy đâu cán bộ để mà làm việc?

Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, bởi lời xin lỗi, nhận trách nhiệm…là những lời đâu phải dễ ai cũng có thể nói được. Dù rằng, chỉ “nhận” thôi chứ đâu có ai bị mất chức mà phải sợ, phải lo mà không dám nhận trách nhiệm thuộc về mình?

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn