Thông tin đáng chú ý trên vừa được tờ báo Bloomberg tiết lộ vào ngày 14/5/2015. Theo nguồn tin này, hơn chục công ty quốc phòng Mỹ, bao gồm cả Boeing Co, BAE Systems Plc, Lockheed Martin Corp, và Honeywell International Inc đã được mời tới tham dự sự kiện chương trình nghị sự ngày 22/4.
Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam Lisa Wishman cũng đã xác nhận qua email rằng, đây là “Hội nghị chuyên đề nhằm tìm cách thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam”.
Hãng quốc phòng Mỹ chào hàng những gì?
Trong khi đó, ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Việt Nam cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, người đã tham dự hội nghị cho biết, “trong những tháng tới sẽ có nhiều cuộc đầm phán, hội họp và các chuyến thăm qua lại giữa các công ty Mỹ và khách hàng Việt Nam. Trong đó có một sự quan tâm đột biến đối từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ”.
Máy bay V-22 Osprey của Boeing được cho là phù hợp với nhu cầu của quân đội Việt Nam.
Bằng chứng, qua các bài thuyết trình bằng PowerPoint của các công ty Mỹ đã trình bày rất nhiều về các loại trực thăng, tàu thuyền và các hệ thống thông tin liên lạc, ông Thành nói.
“Bất kỳ mua sắm quốc phòng nào có liên quan đến Việt Nam sẽ thực hiện theo sự phát triển của chính sách chính phủ Mỹ đối với Việt Nam. Chúng tôi tin Boeing có những khả năng về các nền tảng trinh sát, do thám tình báo và di động có thể đáp ứng các nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam”, người phát ngôn hãng Boeing Jay Krishnan cho biết trong một e-mail gửi cho Bloomberg.
Đồng thời, theo tính toán của Karen Adams, Giám đốc phụ trách Phát triển thương mại quốc tế của hãng Exelis Inc chuyên cung cấp về các công nghệ nhìn ban đêm, thì hội nghị tại Việt Nam lần này có sự tham dự của “một loạt công ty quốc phòng hàng đầu” của Mỹ. “Các thị trường mới đầy cơ hội được mở ra. Trước đó vốn đã có rất nhiều thứ được quan tâm từ cả phía Mỹ và Việt Nam”, Adams nói.
Những thiết bị Việt Nam có thể quan tâm
Theo dự đoán của Phó Giáo sư Tuong Vu chuyên nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Oregon Mỹ cho biết, quân đội Việt Nam có khả năng đang muốn mua các phụ tùng thay thế cho các máy bay quân sự Mỹ còn lại sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Việt Nam có thể sẽ bỏ ra một hoặc hai năm để đánh giá về những gì mà phía Mỹ chào hàng để có thể tích hợp vào hệ thống quốc phòng hiện tại của đất nước.
“Mỹ đã gỡ bỏ lệnh cấm vận về mua bán vũ khí cho Việt Nam. Quân đội Việt Nam đã rất vui mừng về quyết định này”, Phó Giáo sư Tuong Vu trả lời với Bloomberg qua điện thoại.
Máy bay trinh sát P-3C Orion của Lockheed có khả năng đang được Việt Nam quan tâm.
Mỹ cũng đang triển khai cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra thuộc một phần trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 18 triệu USD cho Việt Nam.
Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Stockholm Siemon Wezeman còn cho biết, Việt Nam nhiều khả năng đang rất quan tâm tới các công nghệ trinh sát tiên tiến từ Mỹ.
“Việt Nam có các hệ thống trinh sát tầm ngắn trên bờ biển. Chúng có thể phát hiện ra các mục tiêu lớn, có thể là một máy bay hoặc một tàu chở dầu”, nhà nghiên cứu Siemon Wezeman nói.
Theo ông Vũ Tú Thành, đại diện các công ty quốc phòng Mỹ và một số quan chức từ Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có một cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, nhiều chi tiết thảo luận vẫn chưa được tiết lộ. Dẫu vậy, thông qua cuộc gặp này phía Mỹ cũng được cho là đã có những hiểu biết hơn về quá trình đấu thầu ở Việt Nam.