Báo Mỹ: Sau 40 năm, vì sao ngưỡi Mỹ không đến Việt Nam?

Thứ hai, 01/06/2015, 09:25
Laura Merriam, cựu giám đốc điều hành và là thành viên hội đồng quản trị tổ chức phi chính phủ Minnesota International Center. Cô chia sẻ những cảm nhận về Việt Nam sau khi có chuyến làm việc dài ngày

Ngày 29/5, tờ Minnesota Post đã đăng tải bài viết: Việt Nam 40 năm sau - Vì sao người Mỹ nên đến thăm Việt Nam? của Laura Merriam. Dưới đây là nội dung bài viết.

Ảnh: Reuters

Khi nhắc đến Việt Nam rất nhiều người  Mỹ ở mọi độ tuổi băn khoăn về việc “không hiểu người Việt có ghét chúng ta không” hay như “tại sao lại muốn tới đó”, sau cuộc chiến tranh gây nhiều đau thương trước kia.

Tôi cũng là một người con nước Mỹ, sinh ra trong những năm 70. Tôi luôn hình dung về cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam, nó ăn sâu trong trí óc. Lớn lên, tôi càng bị lôi cuốn, hấp dẫn và luôn tò mò, cũng như mong muốn sẽ đến Việt Nam trong một thời gian nào đó.

Do vậy, tháng 3/2015 vừa qua,  vợ chồng tôi đã quyết định tới thăm Việt Nam trong 2 tuần, đồng thời tham gia vào một chương trình dạy tiếng Anh tình nguyện ở đây.

Chồng tôi, Peter, đăng ký dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 6 vô cùng hiếu động, nghịch ngợm. Một công việc rất phù hợp với kiểu người năng động, tràn đầy năng lượng nhưng kiên trì như anh.

Còn tôi, đăng ký tham gia vào tổ chức phi lợi nhuận Blind Link (một tổ chức giúp đỡ người mù học việc massage ). Tại đây, tôi cũng dạy tiếng Anh cho những người khuyết tật, giúp đỡ họ học tiếng để tăng cường khả năng giao tiếp với khách hàng người nước ngoài ngày một gia tăng.

Theo tôi, đó là một thách thức không hề nhỏ. Việc dạy tiếng nước ngoài mà không dùng bất cứ dấu hiệu, hành động nào, thực sự không dễ. Tuy nhiên, tôi rất hạnh phúc khi có thể giúp đỡ họ, kết nối với những học viên đáng yêu đó. Tôi mong muốn hỗ trợ họ vượt qua rào cản thị giác.

Trái với những suy nghĩ hiện nay của nhiều người Mỹ, tôi thấy Việt Nam là một đất nước trẻ trung và sôi động. Khoảng hơn 80% người Việt sinh ra sau năn 1975. Họ tràn đầy năng lượng và vô cùng thân thiện. Đất nước đang trên đà vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Tất cả những người dân mà tôi gặp, đều rất hân hoan chào đón chúng tôi và rất nhiệt tình, hăng hái trong việc học tiếng Anh.

Bản thân Hà Nội, thành phố nghìn năm tuổi, trước đây từng  chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, Pháp, nay đã chuyển mình, thay đổi, trở thành một thành phố hiện đại hơn rất nhiều. Phần lớn người dân địa phương đi lại bằng xe máy hoặc xe bus công cộng, thay vì đi xe hơi riêng. Lưu lượng giao thông lớn, khiến việc hỗn loạn là không thể tránh khỏi.

Sự chuyển động liên tục, không ngừng nghỉ của giao thông nơi đây, khiến tôi hiểu thêm về người dân nơi đây. Họ lạc quan, luôn giữ thái độ cầu tiến,  quá khứ chỉ là dĩ vãng, hướng tới tương lai. Một thái độ tích cực đáng khen mà tôi thấy rõ sự khác biệt so với người Mỹ.

Thật không quá ngạc nhiên, trong những ngày ở Việt Nam, chúng tôi gặp rất ít người Mỹ. Hầu hết khách nước ngoài  chúng tôi gặp đều là người châu Á hoặc châu Âu.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều người Mỹ gốc Việt trở lại quê hương sau khi rời đi năm 1975. Những người khiến tôi vô cùng ấn tượng, khi họ luôn kiên trì, lao động hết mình để xây dựng cuộc sống ở đất nước mới. Họ rời đi cách đây 40 năm và thực hiện giấc mơ Mỹ, rồi họ quay trở về. Họ luôn nói với chúng tôi rằng: “Người Mỹ chưa hiểu hết về chúng tôi, về những gì tốt đẹp mà chúng tôi có”. Và giờ đây, tôi hoàn toàn đồng  ý với họ.

Việt Nam là một đất nước thân thiện, an toàn. Tỷ lệ tội phạm cực thấp, đường phố sạch sẽ, an toàn. Một phụ nữ có thể đi bộ một mình đêm khuya mà không phải cảm thấy lo sợ. Trẻ em  vô cùng đáng yêu, dễ gần. Rác thải được thu dọn hàng ngày.

Vậy tại sao, không quá nhiều người Mỹ đến du lịch ở Việt Nam? Tôi nghĩ rằng do nhiều người vẫn còn giữ quan niệm, thái độ e dè khi nhắc về lịch sử mà khó có thể vượt qua được. Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi theo cách nghĩ của người Việt: Quá khứ hãy để nó đi qua và bước tới tương lai.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn