“Thần dược”?
Thời gian gần đây, thông tin ăn thịt và lục phụ ngũ tạng cóc vàng có thể chữa trị ung thư nở rộ tại các tỉnh miền Trung. Lời đồn cứ tăng dần theo cấp số nhân. Cũng vì điều này, những người bán cóc vàng xuất hiện nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thị Vân (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) cho biết, cha chồng bị mắc bệnh ung thư trực tràng, đang được điều trị tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Gia đình tiêu tốn khá nhiều chi phí nhưng sức khỏe của ông vẫn chưa có gì tiến triển.
Chị nghe một vài người nhà bệnh nhân chia sẻ, thông tin cóc vàng có thể chữa được bệnh ung thư. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chị vẫn nghe mọi người bảo không được ăn cóc vì có thể gây tử vong. Do đó, chị vẫn còn khá lưỡng lự.
|
Đây là cảnh tượng quen thuộc |
Trong khi đó, chị Mai Thị Thương (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết làm nghề bán cóc gần 5 năm. Cóc chị lấy từ quê rồi mang vào Đà Nẵng bán. Mỗi ngày, chị dậy từ 6 giờ, đạp xe khắp thành phố bán.
Khi được hỏi về việc, có thông tin cho rằng, ăn cóc có thể chữa trị ung thư? Chị Thương thật thà cho biết, đúng là có nghe đến thông tin này nhưng không biết thực hư như thế nào. Dù thời gian bán hàng khá lâu nhưng chị chưa chứng kiến trường hợp nào khỏi bệnh nhờ ăn thịt cóc trong thực tế.
Chị chia sẻ thêm, cóc mang chất độc trong các nốt sần trên da, tuyến sau mang tai hoặc trong gan, trứng. Nếu không biết cách làm thịt thì chất độc có thể sẽ bị xì ra ngoài, Khi đó, người ăn vào sẽ bị trúng độc và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. “Do độc ở cóc có trong gan và trứng nên khi nghe thông tin chữa ung thư bằng ăn lục phủ ngũ tạng thì tôi không tin được”, chị nói.
Khi làm thịt, chị mổ, cắt bỏ đầu, da, chân, lòng…, chỉ lấy riêng phần thịt rồi rửa sạch và bóp muối, giấm. Nếu khách muốn nấu cháo thì có thể lấy nguyên con để nấu. Nếu khách muốn làm mắm ruốc, dăm bông… thì chị sẽ hấp mềm khoảng chừng nửa tiếng. Sau đó, chị mang giã cùng một ít muối hoặc bột nêm. Khi đã nhuyễn, cho thịt cóc lên chảo sao đều cho đến khi vàng giòn.
Một kg thịt cóc khô có giá từ 800 đến 1 triệu đồng. Khách hàng chủ yếu của chị là các bậc cha mẹ có con nhỏ. Họ mua thịt cóc để cho con ăn với mong muốn tăng chất dinh dưỡng, chống còi xương. “Khách hàng chỉ tin khi mình làm trực tiếp ngay tại nhà. Đây cũng chính là một trong những lý do giá thịt cóc có giá cao”, chị nói.
Coi chừng mất mạng
Chiều 28/5/2015, bác sĩ Trịnh Quang Diệu (trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi) cho biết, bệnh nhân Ngô Thanh Vinh (40 tuổi, huyện Sơn Tịnh) đã tử vong vì ăn thịt cóc. Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 24/5, khi đi làm về, ông bắt được một con cóc và trò chuyện với người thân, ăn cóc có thể chữa bệnh.
Người thân tìm cách thuyết phục, can ngăn nhưng ông Vinh vẫn một mực cho rằng mình biết cách làm thịt cóc sẽ lấy hết chất độc. Khi ăn xong, ông có dấu hiệu nôn ói, mặt mày choáng váng, toàn thân tím tái… Ngay lập tức, người thân đưa ông đến trạm y tế xã Tịnh Giang. Nhận thấy bệnh nhân nguy kịch, trạm y tế chuyển ông lên bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng do độc tính quá cao nên nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng.
Dù được đội ngũ y bác sĩ tận tình chăm sóc, nhưng do độc tính quá cao, ông Vĩnh đã tử vong |
Đây không phải là trường hợp đầu tiên tử vong vì ăn thịt cóc. Thỉnh thoảng, báo chí vẫn đưa tin về các nạn nhân của “cậu ông trời”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin lời đồn loại thịt này chữa được các loại ung thư. Ngoài ra, mọi người vẫn truyền tai nhau, đối với trẻ em, nếu ăn thịt cóc có thể chống bị còi xương, suy dinh dưỡng, trị bệnh rịn mồ hôi tay… Và, nhiều phụ huynh chọn thịt cóc làm thức ăn cho con em của mình.
Tiến sĩ Trần Bá Thoại (bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho biết, cóc có chứa độc tố cóc, thành phần chính xác thay đổi tùy theo từng loại cóc. Chất độc này có thể gây độc cho hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp có khả năng gây tử vong cao.
Thịt cóc có chứa nhiều đạm, vitamin A, D3, kẽm và nhiều chất vi lượng khác. Do đó, khi ăn thịt cóc có thể giúp chuyển hóa phốt pho tốt và chống còi xương. Đây là thức ăn tốt cho trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng. Đó là trường hợp thịt cóc “sạch”, không chứa độc. Nếu để lẫn độc tố của cóc thì đây là loại thức ăn đặc biệt nguy hiểm, có độc tố tương đương với cá nóc. Riêng thông tin thịt, lục phủ ngũ tạng của cóc có thể chữa bệnh ung thư thì chưa có bất kỳ tài liệu nào nhắc đến.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên (Viện dinh dưỡng quốc gia) cũng đồng quan điểm với tiến sĩ Trần Bá Thoại. Bà cho rằng, đúng là trong thịt cóc có chứa một số chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cóc chứa độc tố nhiều. Độc tố này dù được đun sôi ở nhiệt độ cao thì vẫn không khử hết được. Những người ăn phải độc cóc đa số đều tử vong. Do đó, không nên mạo hiểm sử dụng loại thức ăn này.
Theo Khám Phá