"Vỗ béo" bắp chuối chỉ mất ba ngày
Bắp chuối là phần hoa chuối chưa trổ buồng hoặc đã trổ buồng nhưng chưa trổ hết. Đây là một món rau dân dã rất được người Việt ưa chuộng với vị chát, ngọt đặc trưng.
Hưng, một nông dân ở Đức Linh, Bình Thuận, kể trong một lần đi bẫy chim ở đê bao, anh vô tình phát hiện một người trồng chuối đang sử dụng công nghệ này nên đã lén nhặt vỏ bao thuốc mang về tìm hiểu và sử dụng thử.
"Đây là dạng viên sủi bọt, chỉ cần bỏ một viên vào bình xịt cầm tay với khoảng một lít nước là đủ dùng cho khoảng hơn một chục bắp chuối", Hưng cho biết.
"Thần dược" dùng để vỗ béo bắp chuối. |
Tại một cửa hàng bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi dễ dàng mua được một viên “thần dược” mà nông dân gọi nôm na là viên độc Ga4 với giá 15.000 đồng.
Bên dưới nhãn hiệu ProGibb T98 là dòng chữ Gibberellic Acid 1g.96%. Tên của nhà sản xuất được ghi trên vỏ bao bì là “BIOCHEMICAL PRODUCTS”. Thành phần của thuốc được in “Ga4 - A7 + 6BA”, ngày sản xuất tháng 1-2010, hạn sử dụng đến tháng 1-2013.
Muốn sử dụng thuốc này, bắp chuối phải còn sống trên cây. Dùng viên độc Ga4 hòa tan với nước phun đều lên khắp bề mặt bắp chuối. Sau đó dùng rơm quấn chặt lại rồi dùng bao trùm kín.
Khoảng ba ngày sau, mở “niêm phong” là có ngay quả bắp chuối to đùng, láng mượt, căng tròn nhìn rất bắt mắt.
Xài "thần dược", một vốn bốn lời
Thông thường người bán bắp chuối thường bán bắp chuối nhỏ giá 10.000 đồng, bắp lớn giá gấp đôi. “Một viên Ga4 có thể dùng cho hơn chục bắp chuối, sau khi trừ tiền thuốc 15.000 đồng thì vẫn còn lời chán” - Hưng tính toán.
Cũng theo Hưng, viên độc Ga4 xứng danh là “thần dược” bởi ngoài việc “vỗ béo” bắp chuối, nhiều người trồng rau còn dùng để xịt lên rau muống, rau cải trước khi thu hoạch hai ngày.
Nhờ đó, cọng rau muống dài và to hơn còn lá rau cải rộng hơn lại xanh mượt nhìn rất bắt mắt.
Xịt "thần dược" để thúc bắp chuối lớn siêu tốc |
Đặc biệt, Hưng cho biết trong một lần xịt thử vạt rau muống sau nhà để xem thử công dụng của viên độc Ga4, còn dư một ít thuốc trong bình anh tạt đại lên đám rau má mọc dại cạnh đó.
“Hai ngày sau, những lá rau má nhỏ xíu trước đây giờ có lá to bằng cả… lá sen” - Hưng rùng mình kể.
Theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22-2-2012 của Bộ NN&PTNT, ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam hoàn toàn không có hoạt chất Ga4 trong danh mục được lưu hành.
Trong phần danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng chỉ có hoạt chất Gibberellic acid (Ga3) được phép lưu hành để kích thích sinh trưởng các loại cà phê, lúa, bôngvải….
Tuy nhiên, theo kỹ sư Trần Minh Tân, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, dù hoạt chất Ga3 được phép lưu hành nhưng người sử dụng luôn được khuyến cáo sử dụng đúng liều lượng (không vượt 0,15 mg/kg đối với trái cây) và phải cách ly 5-7 ngày mới được đưa đi tiêu thụ.
Đây là hoạt chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào hoạt chất độc hại cấp 3, tuy chứa ít chất độc nhưng sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu dùng quá liều, vô tội vạ.
Riêng đối với viên độc Ga4 mà phóng viên phản ánh thì đây là hàng trôi nổi, cần phải có xét nghiệm mới có thể kết luận được. Ông Tân cho hay.
“Dú ép” chuối, mít bằng hóa chất kích thích mủ cao su
Sản phẩm làm chín trái với giá 38.000 đồng/bình 500 ml do Viện Sinh học nhiệt đới và Công ty TNHH Sinh học HPH ở 327/37 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM sản xuất hiện đang được bán công khai và tràn lan trên thị trường.
Đây là loại thuốc dạng lỏng, sệt, có màu vàng như dầu ăn, mùi rất khó chịu. Theo một người dân, chỉ cần pha một nắp hóa chất này với một lít nước rồi “tắm” đều cho buồng chuối non rồi mang đi ủ.
Khi được "tắm" thuốc này chuối sẽ chín siêu tốc chỉ sau một đêm. |
Đối với mít, chỉ cần đục một lỗ ngay cuống, sau đó tiêm thẳng vào khoảng 5cc thuốc , hôm sau sẽ có một trái mít chín với màu sắc rất đẹp.
Do mít non có vị nhạt những thương lái luôn chọn mít già để tiêm thuốc làm cho mít chín nhanh, đều mà người ăn vẫn cảm nhận được độ ngọt, thơm của mít.
Trong thành phần của bình thuốc này có ghi rõ được sản xuất từ chất Ethephon, là chất dùng để kích thích mủ cao su.
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng, có 12 công ty đăng ký dùng Ethephon để kích thích cây cao su nhưng hoàn toàn không có tên Công ty HPH hay Viện Sinh học nhiệt đới.
Đặc biệt, hóa chất này cũng không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4-4-1998 của Bộ Y tế. Ông Trần Minh Tân khẳng định đây là thuốc lưu hành lậu.
Theo Pháp Luật