Chất xúc tác từ phố đi bộ

Thứ hai, 01/06/2015, 10:19
Việc xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ và quảng trường trước tượng đài Bác Hồ đã bước đầu tạo nên chất xúc tác để thúc đẩy TP.HCM phát triển.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ và quảng trường trước tượng đài Bác Hồ (quận 1, TP.HCM) đã chính thức đưa vào sử dụng, phục vụ người dân nhân dịp kỷ niện 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết phố đi bộ Nguyễn Huệ còn có những công năng gì cũng như cách sử dụng nó.

160 ghế nghỉ chân làm từ cây bị đốn hạ

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết những ngày lễ, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ cấm tất cả các phương tiện lưu thông để phục vụ người dân tham quan; còn những ngày thường, một số phương tiện sẽ được tham gia giao thông 2 bên vỉa hè. Theo đó, xung quanh tuyến phố này sẽ có 24 bãi giữ xe. Hiện nay, ngoài một số bãi giữ xe đã hoàn thành, Sở Xây dựng TP đang tận dụng và quy hoạch lại các bãi giữ xe ở lân cận tuyến phố này để phục vụ người dân.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn còn nhiều hạng mục phải tiếp tục hoàn thiện Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Ngoài ra, trên toàn tuyến sẽ được đặt 160 chiếc ghế, tận dụng từ cây xanh bị đốn hạ trước đây, để người dân có thể nghỉ chân. Sau khi gửi xe tại các bãi xe, hệ thống xe điện sẽ đưa khách đi bộ vào quảng trường, phố đi bộ. Đặc biệt, nhà điều hành đặt dưới tầng hầm 2 bên tuyến phố sẽ được gắn hệ thống camera, màn hình tự động để theo dõi và vận hành toàn tuyến. Mọi hoạt động trên tuyến phố này đều được truyền trực tiếp về trung tâm quản lý.

Hệ thống cấp nước cho toàn tuyến được dự trữ trong bể ngầm dung tích 79m3, sau đó sử dụng ống D300 để cung cấp nước nhu cầu sinh hoạt, chữa cháy cho 2 nhà kỹ thuật ngầm, 2 hồ phun nước nghệ thuật và tưới tiêu cho hệ thống cây xanh nơi đây. Khu nhà vệ sinh công cộng cũng được mở 24/24 giờ để phục vụ người dân.

Đang tiếp tục hoàn thiện

Theo quy hoạch, toàn bộ không gian trước UBND TP.HCM và quảng trường được thiết kế bằng không gian mở. Điểm cuối phố đi bộ Nguyễn Huệ là công viên Bạch Đằng. Phía bên kia là quảng trường Thủ Thiêm (quận 2) được nối với đường Nguyễn Huệ bằng cây cầu đi bộ. Điểm nhấn của khu phố này là tượng đài Bác Hồ và trụ sở UBND TP. Để tạo dấu ấn, nhất là vào ban đêm, hệ thống ánh sáng tại đây sẽ được thiết kế với màu sắc đặc trưng riêng.

Một người sang đường nhưng không sử dụng đèn tín hiệu giao thông Ảnh: BẠCH ĐẰNG

Đường Nguyễn Huệ và quảng trường trước tượng đài Bác Hồ được xem là mốc khởi đầu cho việc hình thành một phố đi bộ rộng lớn trong tương lai. Theo các chuyên gia, hiện các dãy nhà dọc 2 bên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn còn lộn xộn và chưa kết nối tốt với không gian đi bộ.

Trước đó, để bảo đảm an toàn cho người đi bộ qua quãng trường Nguyễn Huệ, Sở GTVT TP.HCM đã lắp đặt nhiều hộp đèn tín hiệu. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn băng ngang đường mà không sử dụng đèn tín hiệu hoặc nhấn nút đèn tín hiệu nhưng không kiên nhẫn chờ sang đường khi đến lượt.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên viên Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM, cho biết khi người đi bộ nhấn nút, hộp đèn tín hiệu truyền tín hiệu muốn sang đường về bộ điều khiển đèn tín hiệu giao thông. Khi đó, tùy vào điều kiện giao thông mà đèn tín hiệu sẽ bật xanh cho người đi bộ qua đường hay không theo 2 cách: Trong giờ cao điểm (từ 16 giờ 30 phút đến 19 giờ), hệ thống được lập trình để ưu tiên giải phóng làn xe nên người đi bộ sẽ phải mất thời gian chờ lâu hơn.

Hiện tại, thời gian chờ tín hiệu để qua đường lúc cao điểm khoảng 60 giây. Trong các giờ còn lại, khi nhấn nút, người đi bộ chỉ phải chờ cho xe dừng hẳn (khoảng 3 giây đèn vàng và khoảng 2-3 giây đèn đỏ giải tỏa cho những xe không chịu dừng lúc đèn vàng) rồi lưu thông.

Sau khi hết thời gian cho người đi bộ băng qua đường (khoảng 15 giây), bộ điều khiển sẽ bật đèn tín hiệu xanh để giải tỏa dòng xe đang đợi. Trong thời gian này, nếu người đi bộ có nhấn thì cũng phải đợi (tối đa khoảng 40 giây) cho tới hết lượt xe. Việc lập trình các kịch bản đối với hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ có thể thay đổi tùy theo điều kiện giao thông.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn