ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Phó đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu quan điểm tại phiên thảo luận sáng nay 4/6 tại nghị trường về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đánh giá cao bản báo cáo chi tiết, đầy đủ của Chính phủ về dự án xây dựng sân bay Long Thành, nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lưu ý về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư. Chính phủ cần nghiên cứu nên đưa ra nhiều phương án để cho ý kiến, cũng như tính toán yếu tố tác động hàng năm và phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.
"Trước sau cũng phải làm một sân bay mới. Tôi đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng" – ĐB Vinh nói.
Về huy động vốn đầu tư, ông Vinh nhấn mạnh, phải đảm bảo tiết kiệm, vì lãng phí là có tội với dân, phải làm cử tri tin tưởng rằng vốn vay về là để đầu tư có hiệu quả.
ĐBQH Dương Trung Quốc: Đảng đã bàn rồi thì Quốc hội quyết làm gì, bàn không đi đến đâu cả |
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì cho rằng, thời điểm chúng ta đang bàn về sân bay Long Thành thì xã hội đang mất lòng tin từ vụ Vinashine, Vinalines. Vì vậy vấn đề là tầm nhìn. Theo ông Quốc, bản thân sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay lớn nhất của khu vực, nhưng trong mấy chục năm qua chúng ta lấn đất của nó như thế nào? đến nay quá chật chội nên phải xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng điều mà ông Quốc băn khoăn chính là việc dự án sân bay Long Thành chỉ là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam Bộ.
“Qua 2 đời Thủ tướng, các dự án thành phần khác đã triển khai rồi mà bây giờ chúng ta mới bàn từ đầu là làm hay không làm sân bay Long Thành. Nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ lãng phí như thế nào? Sau 10 năm triển khai giờ đưa ra bàn rất khó xử. Đảng đã bàn rồi thì Quốc hội quyết làm gì, bàn không đi đến đâu cả”- ông Quốc chỉ rõ.
Từ đó, ĐB Quốc đề nghị, cần phân tích cho kỹ để an lòng dân, để lòng dân tin tưởng. Vì vậy, cần đẩy mạnh minh bạch hóa, thu hút ý kiến của của dân và nhà khoa học để người dân tin tưởng chứ còn hiện nay cách tiếp thu khiến cho mọi người chưa yên lòng.
Ông quả quyết: “Cần phải thay đổi cách làm, không chỉ với dự án Long Thành để đại biểu không cảm thấy được đặt vào tình thế đã rồi, quyết trong hoàn cảnh không còn con đường nào khác. Người dân luôn bất an trước quá khứ đau xót từ Vinashine, Vinalies. Đừng đặt ra việc đã rồi. Các nhà khoa học có đóng góp ý kiến nhưng chúng ta tiếp thu làm mọi người cảm thấy chưa yên lòng”.
Nhắc lại quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi giải trình, thẩm tra dự án xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là khó khả thi do theo quy hoạch vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh thì không có quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất. Ông Lịch cũng nêu 3 lý do nên ủng hộ việc xây dựng sân bay Long Thành: giải quyết quá tải Tân Sơn Nhất vì nếu mở rộng công suất sân bay này lên 25 triệu hành khách/năm thì cũng quá tải rất nhanh. Trong khi đó cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế động lực của cả nước.
Hơn nữa, vấn đề của Tân Sơn Nhất là đã quá tải về không lưu, đây là lý do khách quan nên “muốn mở rộng cũng không thể”. Đồng thời, khó kéo dài thời gian để máy bay cất hạ cánh trong khu dân cư từ 0-5h sáng thêm nữa.
“Nếu làm chậm thì sẽ không kịp trở tay khi Tân Sơn Nhất quá tải, thậm chí có thể làm giai đoạn 1 của Long Thành sớm hơn”- ĐB Trần Du Lịch cương quyết.
Thậm chí theo ông, kế hoạch xây dựng giai đoạn 1 của dự án này là hoàn thành vào năm 2025, nhưng có lẽ sẽ phải khẩn trương hoàn thiện trước thời điểm này, để “giải quyết nhu cầu bức xúc lắm rồi của TP. Hồ Chí Minh”. Còn giai đoạn 2 và 3 hay sân bay Long Thành có trở thành sân bay trung chuyển hay không thì tính tiếp.
“Quốc hội khóa 16, 17 chúng ta sẽ tính tiếp về tính khả thi; còn khóa 13 này là giải quyết giai đoạn 1 để có sân bay chia tải cho Tân Sơn Nhất” – ông tiếp lời.
Phó trưởng đoàn ĐB TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra, trong quy hoạch kinh tế vùng thì mọi con đường để “đổ dồn” về Long Thành rồi lan tỏa ra cả vùng. Nếu giờ bàn lại quy hoạch, thay đổi quy hoạch thì phải làm lại toàn bộ quy hoạch ngay từ đầu. “Không phải khi làm quy hoạch chúng ta không bàn, không nói ngay từ đầu, mà do thời điểm đó chưa có Luật quy hoạch”- ông cắt nghĩa và khẳng định, “tôi ủng hộ chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Chỉ có điều cần lưu ý làm rõ cơ cấu nguồn vốn giữa ngân sách Nhà nước và tư nhân để tính toán tác động tới nợ công là thấp nhất”.
Cũng đồng tình với chủ trương cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lập luận, việc điều chỉnh dự án vừa qua là cần thiết để phù hợp hơn nhu cầu hiện tại và tương lại. Quan trọng hơn là tiết kiệm đầu tư.
Đại biểu Cương đề nghị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để hợp lý hơn, làm suốt trong triển khai dự án. Kinh nghiệm từ triển khai các dự án lớn trước đây làm chậm dẫn đến bị đội vốn, cần tính toán để tránh tình trạng này.
Theo Infonet