Ý kiến của ông Schroeder được đưa ra trong một buổi phỏng vấn với báo điện tử của tờ Rheinische Post (Đức). Theo ông, cả Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo phương Tây đều phạm “một loạt sai lầm chính trị khi xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Vì thế, ông Schroeder cho rằng Nga phải được tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Canada, Đức) sắp tới để đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận đa chiều. Cựu thủ tướng Đức đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác với Moscow. “Nga có thể tìm một đối tác khác thay thế châu Âu, nhưng điều ngược lại thì không thể” – ông Schroeder nhận định.
Vị cựu lãnh đạo 71 tuổi còn khẳng định về mối quan hệ tốt giữa ông với Tổng thống Putin, và cho biết ông thỉnh thoảng cũng liên lạc với ông chủ Điện Kremlin.
Cựu Ngoại trưởng Đức Willy Wimmer cũng lập luận Tổng thống Putin nên có mặt tại hội nghị G7 sắp tới. “Khi các nhà lãnh đạo G7 họp tại bang Bavaria, tất cả chúng ta cảm thấy rằng Tổng thống Nga cần phải có mặt. Nếu không, đó là tín hiệu cho thấy sự đối đầu, thậm chí là chiến tranh giữa G7 và Moscow” – ông Wimmer nói với trang tin Sputnik.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của báo Welt am Sonntag (Đức) ngày 31-5, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế miền Đông nước Đức, ông Eckhard Cordes, đã chỉ trích quyết định loại bỏ Nga khỏi hội nghị G7. Theo ông Cordes, hội nghị G7 + Nga có thể đóng góp vào việc giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy Moscow chuyển sang hành động mang tính xây dựng trong cuộc xung đột Ukraine.
Liên quan đến vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố không ai loại Nga khỏi nhóm G8, bởi nhóm G8 chỉ đơn thuần là nơi tập hợp lãnh đạo các nước lớn để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, chứ không phải là một cấu trúc nào đó và trên thực tế không hề tồn tại thủ tục khai trừ nào.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 7-6 ở bang Bavaria - Đức. Chương trình nghị sự chính tập trung vào tình hình Ukraine, nỗ lực tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cùng với các biện pháp đối phó đại dịch Ebola.
Kể từ tháng 3-2014, hội nghị G8 đã không còn tồn tại do Nga bị đình chỉ tư cách thành viên vô thời hạn sau khi sáp nhập bán đảo Crimea.
Trong một diễn biến khác, Vụ phó Vụ Thông tin và Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow có thể mở rộng "danh sách đen" hạn chế công dân của Liên minh châu Âu (EU) nếu Mỹ và EU mở rộng trừng phạt Nga.
Vi phạm nhân quyền tiếp diễn ở Đông Ukraine Báo cáo lần thứ 10 của Ủy ban giám sát Liên Hiệp Quốc công bố ngày 1-6 cho biết ở Ukraine vẫn ghi nhận các trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng - như bắn phá khu dân cư, tử hình, giam giữ người tùy tiện và bất hợp pháp, ngược đãi và tước đoạt quyền kinh tế -xã hội của người dân... - bất chấp lệnh ngừng bắn. Từ giữa tháng 4-2014 đến ngày 30-5-2015, đã có ít nhất 6.417 người thiệt mạng và 15.962 người khác bị thương ở miền Đông Ukraine song ủy ban này cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Theo báo cáo, phái bộ của Liên Hiệp Quốc vẫn nhận được các thông tin về hành động tra tấn tù nhân từ phía lực lượng an ninh Ukraine cũng như sự "mất tích" của những người bị chính quyền Kiev nghi ngờ liên quan đến chủ nghĩa ly khai hoặc khủng bố. Báo cáo còn cho biết chiến sự ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi của hơn 5 triệu người trong khu vực xung đột và khiến 1,2 triệu người phải di dời. Ngoài ra, báo Vzglyad đưa tin Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền tuyên bố ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy sự hiện diện của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. |