Hậu quả nhãn tiền
Cách đây hơn nửa năm, báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh tình trạng nạo hút cát bất thường ở cửa sông Nhật Lệ. Đây là dự án thông luồng cho tàu bè qua lại trên sông Nhật Lệ, do Cục Đường thủy Nội địa cấp phép cho Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Kim Việt thực hiện.
Tại thời điểm đó, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án nạo hút cát “núp bóng thông luồng” để xuất khẩu cát này. Các nhà khoa học khuyến cáo chỉ nên nạo hút cát ở cửa sông Nhật Lệ với khối lượng 280 nghìn m3 để đảm bảo tính bền vững cho bãi biển Nhật Lệ.
Tuy nhiên, Cục Đường thủy nội địa đã cấp phép cho Công ty Hoàng Kim Việt nạo vét lên đến 2,2 triệu m3, vượt gần 10 lần so với khuyến cáo của các nhà khoa học. Thời điểm đó, các nhà khoa học cảnh báo, nếu nạo hút đúng 2,2 triệu m3 cát như quyết định cấp phép của Cục Đường thủy Nội địa, một phần phố xá của phường Hải Thành và bán đảo Bảo Ninh sẽ bị sập xuống biển.
Việc nạo hút của Cty Hoàng Kim Việt đã phải tạm ngưng do gió mùa Đông Bắc, khi đã xuất khẩu được nửa triệu mét khối cát. Bãi biển Nhật Lệ liên tục bị sạt lở.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tình trạng sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng trong bán kính của khu vực nạo vét, kéo dài hàng cây số ở 2 bãi biển là Nhật Lệ và Bảo Ninh. Trước khi bị nạo hút cát, đây là những bãi tắm lý tưởng của Quảng Bình. Cát thoai thoải từ bờ ra đến biển, du khách có thể ra xa bờ 50m vẫn không bị ngập đầu. Hiện nay, 2 bãi biển bị xâm thực vào bờ hàng chục mét, tạo nên những vách cát ngăn bờ và biển. Người dân muốn ra tắm biển phải tụt xuống những vách cát sâu hoắm và chỉ cần xuống nước chừng 5m là ngập đầu.
Anh Nguyên Thanh Phong, cư dân thành phố Đồng Hới thường xuyên tắm ở biển Nhật Lệ, cho biết, ngày xưa chỉ cần đi bộ thong dong là ra đến biển, nay phải trèo lên, tụt xuống rất vất vả. Đặc biệt, đáy biển có những vũng sâu, vùng nước xoáy rất nguy hiểm. “Tôi cứ tưởng chỉ có bãi biển Nhật Lệ bị sạt lở, nên chạy sang bãi biển Bảo Ninh để tắm nhưng cũng thế. Tắm biển là niềm đam mê của tôi vào những buổi chiều hè, nhưng nay phải hạn chế vì quá nguy hiểm”, anh Phong nói.
Cam kết của Cục trưởng còn giá trị?
Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển thành phố Đồng Hới, cho biết, sau khi người ta nạo hút cát ở cửa biển Nhật Lệ, các bãi tắm của Đồng Hới bị sạt lở nghiêm trọng. Đội cứu hộ cứu nạn đã phải di dời phao báo hiệu nguy hiểm mấy lần từ ngoài xa vào đến gần bờ. Có những nơi ngày xưa tắm bình thường thì nay phải cấm du khách xuống đó vì có những dòng xoáy ngầm.
Theo ông Tiến, đây là hậu quả của việc hút cát vô tội vạ, bất chấp cảnh báo của các nhà khoa học. Cát từ bờ đã bị tụt xuống để lấp đầy những hố sâu dưới lòng biển mà việc nạo hút tạo nên. So với trước, đội cứu hộ cứu nạn ở các bãi biển phải làm việc gấp đôi, gấp ba để bảo vệ tính mạng người tắm biển. Ông Tiến yêu cầu phải dừng ngay việc nạo hút cát ở cửa Nhật Lệ để bảo vệ các bãi tắm của Đồng Hới, nếu không, thành phố khó mà phát triển du lịch.
Trở lại thời điểm Cty Hoàng Kim Việt nạo hút cát ở cửa biển Nhật Lệ. Sau loạt bài phản ánh của Tiền Phong về những bất thường trong quá trình cấp phép cho dự án này, phóng viên Tiền Phong cũng đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa. Ông Cừu khẳng định việc cấp phép nạo hút cát ở cửa sông Nhật Lệ là đúng quy trình và ông cam kết, nếu xảy ra sạt lở, ông sẽ chịu trách nhiệm, kể cả khi về hưu.
Nay, hâu quả đã và đang xảy ra, những người dân Quảng Bình mà phóng viên Tiền Phong tiếp xúc đều đặt câu hỏi: Liệu cam kết chịu trách nhiệm của ông Cục trưởng có còn giá trị hay chỉ là lời nói gió bay? Nếu còn nhớ lời mình nói thì ông Cục trưởng hãy vào đền bãi biển Nhật Lệ cho người dân Quảng Bình.