Bấy lâu nay, câu chuyện "Người Việt xấu xí ở nước ngoài" vốn đã âm ỉ và tạo ra những luồng quan điểm khá trái ngược nhau. Tuy nhiên, có một thực trạng là chuyện "hình ảnh người Việt" ngày càng trở nên quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Có thể nói, hình ảnh, hành động, cách cư xử... của mỗi cá nhân người Việt khi ra nước ngoài có phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Báo điện tử Infonet bắt đầu cho đăng tải loạt bài "Người Việt xấu xí ở nước ngoài" không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tạo ra cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại "điểm xấu" của chính mình và cùng nhau tìm ra giải pháp hạn chế, thay đổi, với tinh thần xây dựng hình ảnh chung.
Chen chân đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng từng gây xôn xao dư luận. |
Thưa ông, chuyện người Việt "xấu xí" ở nước ngoài là một vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Họ sẵn sàng đổ lỗi và coi một số tính xấu là "tính cách đặc trưng" với những lời cảnh báo bằng tiếng Việt ở các nơi từ Nhật Bản, Thái Lan cho đến đất nước Thụy Sỹ. Quan điểm của ông về câu chuyện này thế nào?
Giáo sư Ngô Đức Thịnh:Tôi cũng theo dõi thời sự nghe qua câu chuyện hai thanh niên lấy cắp kính ở Thụy Sỹ. Nhưng phải nói rằng ăn cắp thì không phải chỉ người Việt và ở Việt Nam mới có nạn này.
Ăn trộm, ăn cắp thì ở đâu cũng có, ai cũng biết điểm nóng của móc túi là ở xung quanh khu vực tháp Eiffel ở Pháp. Cảnh sát còn ken dày đặc ở đó để chống lại nạn móc túi, trộm cắp. Vì thế, chúng ta cũng thấy rằng việc ăn cắp xảy ra ở bất cứ đâu, đó là do con người. Có những người ăn cắp quen thành thói quen, họ có thể lấy những đồ rẻ tiền nhất.
Tôi cũng từng mất cái áo da thượng hạng ở Mỹ, sau đó họ đưa tôi ra cửa hàng để mua đền cái khác nhưng tôi không thấy cái nào ưng như cái bị mất nên tôi không chọn cái khác. Khi tôi nói chuyện mất cắp ở Mỹ không ai tin nhưng đi nhiều nơi, tôi thấy chuyện ăn cắp xảy ra ở các nơi. Và nơi đâu họ cũng có cách chống lại nạn này.
Ở Nga có cái hay để chống lại nạn “cầm nhầm” đó là khi vào các nhà hàng hay các khách sạn nếu mùa đông họ có chỗ gửi áo khoác. Có người giữ cho và họ phát thẻ. Mình đưa thẻ thì họ trả áo cho mình.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh:Nếu gặp đồ mình thích, ai cũng muốn lấy nó, sở hữu nó thì nguy. Tôi cũng từng dùng kính của hãng ấy và tôi thấy rất thích. Nhưng không phải thích là được phép lấy. Lúc ấy mình phải có sĩ diện của mình. Tôi đã từng thích nhiều thứ và từng đấu tranh không thể lấy nó được.
Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này, có lần, tôi đi tham gia hội thảo ở Mỹ, tôi đến sống ở một gia đình. Ông bà chủ bố trí cho tôi nằm ở chỗ thư viện của ông bà ấy. Trong thư viện ấy có cuốn sách tôi rất thích. Cả đêm tôi cứ nghĩ đến cuốn sách băn khoăn không ngủ. Nhưng cuối cùng mình cũng có sĩ diện của mình, tôi cũng phải đấu tranh bản thân và bỏ nó ra. Hôm sau, tôi nói với họ rằng thư viện của họ có cuốn sách rất hay và họ đã tặng nó cho tôi.
Tuy nhiên, có những người họ không bỏ qua cám dỗ được dù đồ vật đó chẳng có giá trị nhiều. Tôi có quen một anh bạn sinh viên rất đẹp trai, ăn mặc sáng sủa. Khi lên miền núi công tác, quay đi quay lại anh ta đã lấy một cái đèn pin của ông chủ tịch tỉnh. Tôi biết trước đó, anh ta cũng dính vài vụ ăn cắp vặt. Có lẽ, nó trở thành bản tính. Nhiều người khi lỡ “cầm nhầm” họ tự nhủ sẽ rút kinh nghiệm lần sau không như thế nhưng có những người họ thấy không lấy không được.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh:Tôi không biết nói thế nào nhưng thực sự người Việt nhiều cái xấu lắm. Tôi nghĩ cái xấu của người Việt là từ sinh hoạt. Đây là vấn đề của môi trường xã hội này sang xã hội khác có những chênh lệch khiến con người chưa thích ứng được. Đây là một thứ nó xấu xí không lý giải được, có tính chất hình như theo gene. Từ tác phong đi lại cho đến cái ăn.
Ở Phương Tây, người ta ăn vừa phải nhất là ăn buffet. Họ chỉ lấy vừa ăn còn người Việt mình thì lấy đầy ụ cả lên, có khi không ăn hết đã bỏ đó, đi lấy cái khác gây lãng phí tạo ra ác cảm cho người ta. Nhiều người Việt cho rằng phải thừa bứa, ăn phải thừa, đổ đi mới là sang, là văn minh. Có lẽ đây là do tâm lý no trong bụng, đói con mắt.
Không chỉ lãng phí trong sinh hoạt, khi đi ra nước ngoài, tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh người Việt đi theo đoàn, hỏi giá hết cái này đến cái kia, hỏi rất kỹ nhưng không mua. Ở nước ngoài cũng có chuyện họ xem hàng và không mua nhưng chuyện hỏi giá nhiều họ rất ít, chỉ khi nào họ thực sự thích họ mới hỏi kỹ người bán. Còn ở Việt Nam thì thích hay không cũng hỏi kỳ cùng và rồi lại kết luận “có rẻ cũng không mua”.
Có lúc, đi cùng nhiều người Việt Nam đến các địa điểm du lịch khi biết là người Việt Nam người ta xua luôn, nhất là khách Việt đi từng đoàn. Người mình đi đến đâu nói to, cười đùa gây ồn ào, họ không thích nữa. Thực ra cái kiểu đi đâu đi theo đoàn cũng có thể để cho đỡ lạc, để dễ quản lý tuy nhiên nhiều nơi họ lại không thích cả đoàn vài chục người. Nhất là khi cả đoàn vào người này hỏi, người kia hỏi khiến người ta rất khó chịu. Mình còn thấy khó chịu nữa là người khác. Nên ở nhiều nơi họ ác cảm với người Việt lắm.
Ông có thể lý giải rõ điều này hơn được không? Theo ông làm thế nào mới có thể thay đổi được những hành động xấu xí này?
Giáo sư Ngô Đức Thịnh:Người Việt không trung thực với chính bản thân mình cũng như với người khác. Ngay cả nhiều nhà khoa học, cái cần trung thực nhất họ cũng không trung thực. Tôi không nói đến chuyện đạo văn, xào luận án. Đạo văn ở nước ta thì ghê rồi. Tôi kể ra trường hợp thế này: có cuộc hội thảo bên ngoài hành lang thì họ nói rất trung thực phải phát biểu cái này, phát biểu cái kia nhưng khi vào trong hội thảo thì họ lại nói cái khác.
Nhiều lần tôi chất vấn lại, sao ở ngoài anh nói thế này mà vào trong lại khác, họ bảo nói thật sợ làm ảnh hưởng đến các chuyện abc. ...
Tôi cũng từng nói các vấn đề “đụng trời” nhưng may được mọi người tán thành. Ở mọi lĩnh vực, tôi đều thấy con người sống hai mặt. Ai cũng biết sự thật nhưng không ai nói. Tôi nghĩ, nếu mình được nói nên thành thật, không nói thì thôi.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Infonet