Nguyễn Quang Đạt (1991) đang là cơ trưởng của hãng hàng không Jetstar Pacific. Đạt mới nhận quyết định thăng chức từ 1/7 vừa qua, trở thành cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam khi mới 24 tuổi.
Để trở thành cơ trưởng, Đạt có 6 năm kinh nghiệm kể từ những ngày bay huấn luyện đầu tiên. |
Chàng trai 9x gây ấn tượng cho người đối diện bởi vẻ ngoài điển trai, cao gần 1m80, có má lúm đồng tiền. Đạt là cựu học sinh lớp chất lượng cao tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Có ba làm phi công, mẹ là công chức nhà nước, ngay từ nhỏ Đạt đã "mê mẩn" bầu trời và những chuyến bay qua chuyện ba kể. Với Đạt, ba là người truyền cảm hứng, cũng là người chia sẻ cho con trai rất nhiều kinh nghiệm bổ ích sau này khi thực hiện những chuyến bay.
Năm 2009, trước khi đi học làm phi công, Đạt là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Theo học được 3 tháng, cậu trúng tuyển vào khóa đào tạo phi công của một hãng hàng không nên quyết định bỏ ngoại thương và tham gia khóa học 2 năm ở New Zealand. "Cuộc sống mang đến nhiều cơ hội, nếu bạn không nắm bắt thì sẽ thấy hối tiếc. Ba mẹ cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định ấy và tôi thấy mình may mắn vì đã đưa ra lựa chọn đúng lúc", Đạt chia sẻ.
Trong 2 năm du học, dù được tài trợ 90% kinh phí đào tạo nhưng để nuôi ước mơ, cậu có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thi cử, áp lực về tài chính. Mỗi lần gặp việc khó, chàng trai trẻ nghĩ lại lý do vì sao mình bắt đầu để tiếp tục cố gắng.
Bốn tháng đầu tiên, Đạt phải học những kiến thức cơ bản về máy bay rồi thử nghiệm bay thật, như cất cánh, hạ cánh, xử lý tình huống khẩn cấp, khí tượng, luật hàng không. Một năm tiếp theo, cậu được làm bạn với những chiếc máy bay thật, từ máy bay hạng nhẹ như Diamond đến Airbus, học lấy giờ bay kinh nghiệm. Bốn tháng cuối cùng, cậu quay về TP.HCM, ứng dụng tất cả những gì được học vào điều khiển bay thật với các thành viên của phi hành đoàn. Cậu thường đùa, cuộc đời gắn bó với con số 6: lúc bắt đầu học phải vượt qua 6 vòng của đợt thi tuyển và một bài kiểm tra sức khỏe. Trước khi bay thật cũng phải kiểm tra 6 vòng, lên vị trí cơ phó, rồi cơ trưởng sau này cũng vậy.
Đạt chia sẻ, cậu chưa bao giờ hối hận và còn cảm thấy may mắn vì quyết định đi học để trở thành phi công. |
Tháng 9/2011, lần đầu tiên Quang Đạt được điều khiển chiếc A320 chặng bay từ TP.HCM đến Huế, cảm giác choáng ngợp khi làm bạn với cỗ máy to lớn và thấy có trách nhiệm với những người ngồi trên chuyến bay. Đạt trở thành cơ phó của hãng từ năm 2011. Sau 4 năm gắn bó với vị trí này, chàng trai 9x có tổng cộng 3.500 giờ bay, cả thử nghiệm và thực tế. Từ đầu tháng 7, Đạt được bổ nhiệm vị trí cơ trưởng - vị trí cao nhất của mỗi chuyến bay. Từ lúc giữ vị trí mới đến nay, cậu bị sút từ 73 kg xuống còn 70 kg.
Chuyến bay đáng nhớ với Đạt từ khi trở thành cơ trưởng là chặng Bangkok - Hà Nội vào ngày 21/7. Trước đó, dự báo cho biết thời tiết ổn, nhưng khi máy bay về đến Hà Nội thì có mưa giông mù mịt. Dù nhìn rõ đường băng, nhưng Đạt quyết định không hạ cánh mà chọn giải pháp "go around" (bay vòng). Khi đó, máy bay đang ở độ cao 60 m so với mặt đất, cơ trưởng 9x cho máy bay lên cao trở lại, chờ khi thời tiết ổn định rồi mới hạ cánh. Hành khách rất lo lắng, mọi người trấn an nhau. Khi máy bay lăn trên đường băng Nội Bài thì cả trăm hành khách vỗ tay vì hạ cánh an toàn.
Quang Đạt (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong giờ huấn luyện bay hồi còn học ở New Zealand. |
Đạt chia sẻ, nhiều người nghĩ làm phi công, tiếp viên thì cuộc sống rất sung sướng nhưng sự thực thì không phải vậy. Khi ngồi trong buồng lái, bạn phải gạt hết mọi cảm xúc, chỉ nhớ rằng mình đang điều khiển bay, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng trăm người và cỗ máy cả trăm triệu đô. Trước mỗi chuyến bay, phi hành đoàn đều được kiểm tra sức khỏe và tâm lý.
Sau mỗi chuyến bay, Đạt chơi thể thao và làm bạn với phòng gyms vì công việc đòi hỏi sức khỏe. Đó cũng là cách để cậu giải tỏa căng thẳng. Mỗi ngày, nếu có thời gian, cậu sẽ tranh thủ ngủ nướng một chút vì đặc thù công việc phải thức nhiều, kiêng nước đá, không bia rượu, chỉ uống toàn nước lọc. Hiện nay, mỗi tháng cơ trưởng trẻ bay tối đa 100 giờ, trung bình khoảng 50 chuyến Hà Nội - TP.HCM.
Đi về giữa hai miền Nam - Bắc nhưng Đạt ít ghé nhà vì công việc bận rộn, ba mẹ cũng đi làm. Những dịp lễ Tết, người người háo hức hoàn thành công việc để về nhà thì đó lại là thời gian cao điểm của phi công, tiếp viên. Vậy nên, mỗi năm cậu thường sắp xếp 1-2 kỳ nghỉ để du lịch cùng gia đình. Dù công việc bận rộn, Đạt vẫn tranh thủ hoàn thành khóa học Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương TP.HCM.
Phi công trẻ cho hay, trở thành cơ trưởng khi mới 24 tuổi cũng không có gì đặc biệt vì trong ngành có nhiều người tuổi trẻ tài năng. "Tuổi trẻ là một lợi thế, nhưng cũng là trở ngại. Nhiều người nghi ngại trẻ thế này thì liệu có đảm bảo an toàn cho hành khách không nên lúc nào tôi cũng phải cố gắng, vừa để đảm bảo an toàn trên những chuyến bay và để có thêm kinh nghiệm, hoàn thiện mình", Đạt nói.
Theo VnExpress