Chuyên gia Mỹ lật tẩy chiến lược nguy hiểm trên Biển Đông của Trung Quốc

Thứ hai, 03/08/2015, 07:50
Nếu không có một đối trọng đủ mạnh để khiến Trung Quốc phải thận trọng, đảm bảo sự ổn định và tự do hàng hải, Bắc Kinh sẽ dần trở thành bá quyền trong khu vực sau khi quân sự hóa Biển Đông, các học giả quốc tế cảnh báo.

“Chiến lược cải bắp”

Phát biểu mở màn phiên điều trần trước Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc ở Hà Lan hồi tháng 7, ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã vạch trần chiến lược “gặm nhấm” Biển Đông mà giới chức Trung Quốc đang theo đuổi.

Trung Quốc rầm rộ xây dựng đảo nhân tạo trái phép khắp Biển Đông (Ảnh: DigitalGlobe)

Với các nhà quan sát quốc tế, chiến lược này còn được gọi là “cắt lát cây xúc xích”, tức là có những bước đi nhỏ lẻ trong thời gian dài, mà không bước đi nào quá mạnh đến mức kích động một cuộc khủng hoảng, ông Del Rosario được tờ Philstar trích dẫn. Nhưng khi kết hợp hết những bước nhỏ này lại, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm từng bước củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông là rõ ràng.

Các quan chức quân sự Trung Quốc vẫn gọi kế hoạch xâm chiếm từng phần này là “chiến lược cải bắp”, với mục tiêu bị chiếm đóng giống như một cây cải bắp, với từng lớp lá bao quanh cứ dày dần lên, ông Del Rosario khẳng định.

Theo học giả Peter Dutton, đến từ Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, thời gian tới Bắc Kinh sẽ tiếp tục với chiến lược này, bằng cách triển khai các lực lượng tuần tra bờ biển cũng như các lực lượng bán quân sự khác tới vây quanh các bãi đá, đảo nhân tạo. Hành động này sẽ thách thức các bên, trong đó có quân đội Mỹ, trong việc sử dụng vũ lực với các lực lượng phi quân sự của Bắc Kinh.

Dù vậy, các lực lượng bán quân sự đó sẽ được bảo vệ bởi lực lượng răn đe ở phía sau, bao gồm cả hải quân Trung Quốc và các lực lượng chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2/AD), hoặc lực lượng “chống can thiệp”, những lực lượng đang triển khai kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn nhất thế giới.

Theo phó giáo sư Andrew S. Erickson, đến từ Đại học chiến tranh hải quân Mỹ, trên bình diện rộng hơn, hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tăng cường hiện diện trên Biển Đông cùng những tuyên bố chính thức kèm theo của nước này, là minh chứng cho những quan ngại của quốc tế rằng, một khi Trung Quốc thấy mình đủ mạnh, họ sẽ những hành động quyết liệt và nguy hiểm hơn.

Bắc Kinh có thể từ bỏ những tuyên bố và hành động kiềm chế trước đây, bắt nạt những nước láng giềng nhỏ hơn, công khai hoặc bí mật đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, và tìm cách thay đổi hoặc phớt lờ các quy tắc quốc tế.

Đó là lý do vì sao Mỹ cần điều chỉnh cách nghĩ và chính sách để ổn định tình hình và đối trọng trước khả năng Trung Quốc có những cư xử và ảnh hưởng tiêu cực, ông Erickson khẳng định trong buổi điều trần trước tiểu ban Châu Á và Thái Bình Dương, của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 27/7. Nội dung phát biểu được đăng tải trong bài viết ngày 28/7 trên tờ National Interest.

“Bẫy Thucydides” và “Quan hệ cường quốc kiểu mới”

Ông Erickson cho rằng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, sức mạnh cũng như quyết tâm của Mỹ, có lẽ giới chức Mỹ sẽ phải chấp nhận một khu vực với những đối đầu và mâu thuẫn chiến lược nhưng có kiểm soát.

Mọi bước đi của Trung Quốc trên Biển Đông đều có tính toán kỹ lưỡng (Ảnh: NI)

Điều này sẽ bao gồm việc phải chấp nhận thực tế căn bản rằng Mỹ sẽ không thể đẩy Trung Quốc ra khỏi các vị trí chiếm đóng hiện nay, cũng như không chấp nhận việc vị trí các bên khác đang kiểm soát trên Biển Đông bị thay đổi. Điều cốt lõi nhất đó là Mỹ phải gìn giữ hòa bình và ổn định của hiện trạng trong một khu vực trọng yếu nhưng dễ tổn thương này.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cần tránh chấp thuận những khái niệm về chính sách hay cách diễn giải của Trung Quốc mà khiến Mỹ có vẻ sợ căng thẳng gia tăng. Bởi giới chức Trung Quốc từ lâu hiểu rằng “lời lẽ có vai trò quan trọng”, Erickson khẳng định, trước khi chỉ ra hai cách diễn giải mù mờ nhưng được Bắc Kinh rất ưa thích gần đây đó là “Bẫy Thucydides” và “Quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc”

“Bẫy Thucydides” là thuật ngữ được giáo sư Graham Allison đến từ trường Harvard Kennedy dùng để giải thích khả năng xảy ra xung đột giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc hiện hữu. Thuật ngữ dựa trên một tuyên bố nổi tiếng của nhà sử học kiêm triết học của Athens cổ đại Thucydides rằng: “Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi lo sợ về điều này ở phía các chiến binh Sparta khiến chiến tranh là không thể tránh khỏi”.

Theo tờ The Diplomat, thuật ngữ này từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới với khẳng định: “Chúng ta cần hợp tác với nhau để tránh bẫy Thucydides – những căng thẳng mang tính hủy diệt giữa một cường quốc đang trỗi dậy và các cường quốc hiện hữu…Mục đích của chúng tôi là ủng hộ cho một mô hình mới trong quan hệ giữa các nước lớn”.

Dù vậy, theo ông Erickson, dù không bị ai khác khiêu khích, Trung Quốc đang gây áp lực với Mỹ, ý tưởng về việc phải tránh “bẫy Thucydides” bằng mọi giá đã áp dụng sai bài học lịch sử. Nó đã ám chỉ một cách sai lầm rằng, chỉ bằng cách có những biện pháp quyết liệt, Mỹ và Trung Quốc mới tránh được một cuộc xung đột tàn khốc giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc hiện hữu.

Washington và Bắc Kinh chắc chắn có những mâu thuẫn, căng thẳng, và thậm chí có khả năng rơi vào khủng hoảng ở mức độ nào đó trong tương lai. Nhưng việc có nhiều lợi ích chung to lớn – bao gồm kinh tế và nhiều lợi ích khác – cộng với việc cùng lệ thuộc vào một hệ thống quốc tế năng động và răn đe lẫn nhau, sẽ giúp cả hai tránh được chiến tranh.

Bởi vậy, các nhà lập pháp Mỹ cần tránh công nhận những phép loại suy lịch sử sai lầm có thể dẫn tới những kỳ vọng không thực tế ở Bắc Kinh, chuyên gia Erickson nhấn mạnh.

Tương tự, việc Trung Quốc đưa ra cái gọi là “Quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc” cũng chỉ nhằm ngụ ý rằng Mỹ cần tôn trọng các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (bao gồm cả Biển Đông) trong khi không bắt Bắc Kinh phải có những hành động tương tự. Thay vào đó, Mỹ cần tích cực và kiên trì thúc đẩy các chính sách của mình.

Tóm lại, Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được chiến tranh và hai bên sẽ tìm cách tránh giao chiến với nhau. Thay vào đó, điều quan trọng là duy trì sự răn đe mạnh mẽ trong thời bình, cũng như khi xảy ra bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Mỹ cần răn đe để khiến Bắc Kinh từ bỏ việc tìm cách giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo bằng vũ lực, thậm chí là việc đe dọa sử dụng vũ lực. Các hệ thống vũ khí của Mỹ, đã được triển khai hiệu quả, có thể liên tục nhắc nhở lãnh đạo Trung Quốc rằng họ không thể đạt được mục tiêu nếu sử dụng lực lượng quân sự hoặc bán quân sự, để chiếm thêm các cấu trúc và vùng biển xung quanh, hoặc ngăn lực lượng Mỹ hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế gần kề.

Trung Quốc và ý đồ “bẻ cong” luật pháp quốc tế

Cũng trong buổi điều trần hôm 27/7, ông Erickson còn đề cập tới một động thái nguy hiểm mới của Trung Quốc đó là ý đồ “bẻ cong” luật pháp quốc tế, nhằm diễn giải các luật, chuẩn mực theo hướng có lợi cho mình.

“Tôi có thể chứng thực từ kinh nghiệm cá nhân quy mô của việc Trung Quốc đã xây dựng được một thế chuyên gia luật pháp hàng hải mới, sắc bén và kiên định, những người năng động trên trường quốc tế”, vị phó giáo sư đại học chiến tranh hải quân Mỹ cho biết.

Ông tin rằng các nỗ lực nhịp nhàng của Trung Quốc theo thời gian có thể tạo ra khác biệt, một sự khác biệt mà theo ông sẽ “làm tổn hại tới hiệu lực quản lý của những nguyên tắc hàng hải chung theo hướng bất lợi cho chúng ta”.

Do đó các nhà lập pháp Mỹ cần có nhiều biện pháp ứng phó, bao gồm phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, duy trì một cấu trúc lực lượng toàn diện và đủ năng lực trong khu vực, và duy trì sự hiện diện tên lửa đáng tin cậy để đối phó với kho vũ khí ngày một phình to của Trung Quốc

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn