13 công nhân và thời khắc sinh tử khi giải cứu mỏ than Mông Dương

Thứ hai, 03/08/2015, 08:58
“Bất ngờ nước dâng nhanh trong hầm lò, 10 phút dâng đến 15 – 20cm, được lệnh, 13 anh em công nhân chúng tôi chạy thục lên phía trên, tôi chốt cuối cùng, vừa ngóc lên nước ập đến ngập tới cổ”, Bùi Duy Tân kể khoảnh khắc thoát chết trong nỗ lực giải cứu mỏ than 

13 công nhân thoát chết trong gang tấc khi thực thi "mệnh lệnh thần tốc"

Theo lời kể của anh Bùi Duy Tân, Trưởng phòng kỹ thuật khai thác mỏ, Cty CP Mông Dương- Vinacomin, mỏ hầm lò than Mông Dương khai thác ở hai mức chính là – 250 và - 97,5 (khai thác ở độ sâu âm 250m và độ sâu âm 97,5m so với mực nước biển). Ở mỗi độ sâu của hầm lò đều có hệ thống bơm thoát nước.

Những người hùng vẫn miệt mài cứu mỏ than Mông Dương.

Trong trận lũ lịch sử lớn nhất trong 40 năm qua, Bùi Duy Tân cùng 12 anh em công nhân khác có mặt dưới hầm lò mỏ than Mông Dương đến tận phút cuối cùng vào tối ngày 28/7. Đến giờ họ vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những diễn biến dồn dập, sinh tử hôm ấy. Mạng sống của 13 anh em công nhân ngắn lại theo mỗi phút nước dâng trong hầm lò.

Tân kể, để xuống được hầm lò than Mông Dương ở độ sâu - 250m, chỉ có một lối đi duy nhất và mất quãng thời gian khoảng 25 phút. Từ những ngày 25, 26/7, trời Quảng Ninh bắt đầu xuất hiện những trận mưa lớn. Đến ngày 28/7, mỏ than Mông Dương bắt đầu bị nước tràn vào, nước cứ dâng lên từng phút, từng phút. Tất cả cán bộ, công nhân của mỏ phải căng mình làm việc, quan sát và phán đoán nỗ lực cứu mỏ Mông Dương.

Thời điểm ngày 28/7, trạm bơm ở - 250m Bắc Mông Dương đã bị ngập nên anh em được lệnh phải “cố thủ” ở trạm bơm - 250m khu Trung tâm và - 97,5m khu Trung tâm.

Khi đó 2 trạm này vận hành 6 bơm, có 4 bơm ở mức - 97,5m và 2 bơm ở - 250m với tổng công suất là hơn 6 ngàn m3/giờ. Tuy nhiên, lưu lượng nước chảy vào mỏ vẫn tiếp tục dâng cao, cao hơn nhiều so với công suất của 6 máy bơm.

Thời điểm ban đầu, 74 công nhân được huy động xuống hầm lò để giải cứu mỏ than Mông Dương. Tuy nhiên, khi diễn biến trong mỏ ngày một xấu đi, Giám đốc Bùi Quốc Tuấn đã cho rút 61 công nhân lên trước, chỉ “cắm” lại 13 anh em công nhân để trực máy bơm.

Tuy nhiên khu vực trạm bơm trung tâm - 250m quá nguy hiểm vì chỉ có duy nhất một lối thoát ngầm thông lên mức - 97,5m; mà ở mức này lúc đó nước đã dâng cao, nếu đứng ở sân ga trung tâm nhìn thì thấy nước đã ngang thắt lưng. Lượng nước này mà tràn xuống đầu ngầm thì số phận 13 anh em công nhân rất nguy hiểm.

Cửa hầm xuống mỏ than Mông Dương.

Tân kể: “Lúc đó tôi được lãnh đạo giao cho trực tiếp ở hiện trường để kiểm soát mức nước đầu ngầm, đầu mối sinh tử cho anh em ở phía dưới. Ở thời điểm trung bình cứ 20 phút nước dâng khoảng 10cm và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của anh em công nhân vận hành máy bơm”.

“Nhưng bất ngờ nước dềnh lên rất lớn, trung bình 10 phút nước dâng lên được 20cm, khiến đập bị mấp mé nước. Đúng giây phút này, tín hiệu điện thoại liên lạc lên mặt đất bị “chết”, khiến bản thân tôi ở trong đó không hiểu lý do vì sao nước dâng lên đột ngột một cách kinh khủng như vậy. Thấy không ổn, anh Hiệp Phó Giám đốc công ty lúc này được lệnh của Giám đốc Bùi Quốc Tuấn mới vào nói với tôi: cho người chạy xuống gọi các anh em ở phía dưới chạy lên nhanh”.

“Tôi là người chốt cuối cùng, đếm đủ số anh em chạy lên, khi anh em lên đến đúng đầu ngầm thì nước bắt đầu tràn xuống. Khi tôi vừa ngóc lên thì nước ở trong trạm bơm trung tâm đã ập đến ngang cổ” - anh Tân nhớ lại giây phút sinh tử.

Theo anh Tân, khoảng cách tính từ dưới hầm mức - 250m với độ dốc nghiêng 30 – 40 độ mà chạy lên trên mất khoảng 20-25 phút, nếu chỉ chậm ít phút nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Khi đã an toàn, anh mới gọi được lên điện thoại ở đầu ngầm trung tâm và biết được 3 máy bơm ở đây bị hỏng. Đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến nước dâng đột ngột.

Như vậy đến 19 giờ 30 phút ngày 28/7, toàn bộ số cán bộ, công nhân cuối cùng đã đóng kín hầm bơm, trạm điện, rút đi theo lối cầu thang giếng phụ lên an toàn.

Anh Tân cũng cho rằng: “Thời điểm giám đốc quyết định rút người lên là hoàn toàn chính xác và không thể làm khác được. Nếu lệnh của giám đốc mà đến chậm ít phút nữa thì số phận của 13 anh em công nhân giờ có lẽ...!”.

Giữa khoảnh khắc sự sống với cái chết lúc đó, anh Tân bảo: “Cũng có một chút hoảng vì ở một mình một khu, lại mất tín hiệu liên lạc trên mặt đất nên không hiểu vì sao nước lên dâng đột ngột. Ở vào khoảnh khắc đó tôi chỉ nghĩ đến vợ và con gái. Nhưng tôi cũng vui vì cuối cùng toàn bộ tính mạng của các cán bộ, công nhân đã được đảm bảo an toàn”.

Những nỗ lực cứu mỏ than Mông Dương

Chiều 1/8, chúng tôi có mặt tại Cty CP than Mông Dương-Viancomin, Quảng Ninh (thuộc tập Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam -TKV) sau trận mưa lũ lịch sử, mọi công tác trực chiến, ứng cứu, giải quyết hậu quả do mưa lũ gây ra vẫn đang được tiến hành 24/24 giờ.

Anh Tân cùng 12 công nhân khác may mắn thoát chết trong gang tấc sau nỗ lực cứu mỏ than Mông Dương.

Theo anh Tân, hiện nay các biện pháp khắc phục sự cố tại mỏ than Mông Dương vẫn đang được áp dụng như kế hoạch xây dựng ban đầu, chỉ điều chỉnh một chút do những phát sinh sau trận mưa lũ khủng khiếp gây ra.

Các công nhân vẫn hối hả chia làm 3 ca, mỗi ca có 9 người làm việc trong 8 tiếng. Máy xúc, máy gạt hoạt động hết công suất. Tuy đã được sang gạt, dọn bùn đất trong nhiều giờ nhưng con đường từ công ty dẫn đến hầm mỏ dài chừng khoảng 300m, bùn vẫn ngập đến ngang đầu gối. Khu vực cửa lò +50 bị lấp kín, khu vực tầng 1 nhà điều hành số 1, suối H10, suối +9,8 bùn, cát, đất đá từ bãi thải Cao Đông Sơn ập xuống, cao đến từ 1,5-1,6m. Để di chuyển vào khu vực công trường tác nghiệp, các phóng viên đã phải đi ủng, lội bùn, và không ít lần bị thụt giữa đường.

Theo ông Vũ Ngọc Xuân, Chánh Văn phòng Cty than Mông Dương - Vinacomin, trận mưa lũ vừa qua đã khiến toàn ngành than thiệt hại trên 1.400 tỷ đồng, riêng Vinacomin là 600 tỷ đồng. Toàn bộ công ty đã phải dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất từ ca 2 ngày 26/7 để tập trung khắc phục sự cố. Nhưng để hoàn thành việc khắc phục, theo dự kiến cũng phải đến hết tháng 11/2015, với chi phí khoảng 155 tỷ đồng.

Trước mắt, theo chỉ đạo của lãnh đạo TKV và công ty, Công ty than Mông Dương đang nỗ lực giữ an toàn, không cho nước ngập vào hầm lò ở mức - 97,5m. Từ đó bơm hút dần xuống các mức khác (mức - 150m ở Đông Bắc Mông Dương hiện nay, các thiết bị, hầm lò đã bị ngập chìm trong nước).

Anh Tân chỉ bản đồ về kế hoạch, phương án cứu mỏ Mông Dương.

Phương án bố trí hơn 4 ngàn lao động của công ty: Từ khi xử lý sự cố đến khi bơm cạn nước ở - 250 sẽ huy động khoảng 2,2 ngàn người; một số làm việc ngay khi mặt bằng ở - 97,5 đi vào ổn định; hơn 400 công nhân dôi dư sẽ được đưa sang mỏ Khe Chàm (thuộc Tập đoàn TKV). Còn lại sẽ giải quyết phép năm 2015 và động viên nghỉ tự túc. Khi nào các công trường khắc phục xong sự cố, số công nhân này sẽ tiếp trở lại làm việc bình thường.

Cũng theo ông Xuân, trong suốt những ngày vừa qua nếu không có sự nỗ lực của toàn bộ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Công ty Vinacomin thì ngay cả mức - 97,5m cũng không thể giữ được, thiệt hại có thể còn lớn hơn rất nhiều. Tất cả anh em phải dầm mình trong nước trong nhiều giờ liền, bất chấp nguy hiểm và chỉ rời hiện trường khi đường rút ra đã ngập đến cổ, sức người, máy móc đều bất lực.

Theo DânTrí

Các tin cũ hơn