Vụ MH370: Cá mập sát thủ trên hòn đảo tìm thấy mảnh vỡ

Thứ hai, 03/08/2015, 13:59
Trước khi mảnh vỡ nghi của MH370 được tìm thấy trên đảo Reunion, hòn đảo này chỉ được biết tới "nhờ" núi lửa và cá mập sát thủ
Giới chuyên gia tìm kiếm trên đảo Reunion. Ảnh: Independent

Trong khi giới chuyên gia của đảo Reunion trên Ấn Độ Dương đang dồn lực nghiên cứu mảnh vỡ máy bay để tìm ra các manh mối tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysian Airlines, nhà khoa học Nicolas Villeneuve lại có những phát hiện riêng: Đó là núi lửa trên đảo chuẩn bị phun trào.

Núi lửa "nổi giận"

Đảo Reunion vốn thuộc Pháp và cách Madagascar gần 600km về phía Đông. Hòn đảo ít người biết tên tuổi này bất ngờ nổi tiếng hồi tuần trước khi những người vệ sinh bãi biển vô tình tìm thấy một phần cánh máy bay.

Mảnh vỡ này đã được đưa tới đất liền hôm 31/7 và các chuyên gia kỳ vọng phân tích pháp y mảnh vỡ này sẽ tìm ra được liệu nó có thuộc MH370 hay không.

Giới phân tích cũng kỳ vọng mảnh vỡ này có thể giúp làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không và kết thúc 16 tháng đau khổ dai dẳng với người thân của 239 nạn nhân trên chuyến bay xấu số.

Nhiều người trong tổng số 800 ngàn cư dân trên đảo Reunion cũng không khỏi bất ngờ khi hòn đảo của mình được lần đầu tiên được cả thế giới chú ý tới, lý do không phải vì núi lửa phun trào hay cá mập tấn công người.

“Trước đây, người ngoài biết tới hòn đảo này chỉ có các nhà khoa học và những tay lướt ván” – Villeneuve – 43 tuổi, nói với Reuters từ một trạm quan sát núi lửa trên đảo Reunion. Villeneuve đang nghiên cứu các tác động sau đợt phun trào gần đây của núi lửa Piton de la Fournaise trên đảo Reunion.

Piton de la Fournaise là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới. Đợt phun trào gần nhất diễn ra lúc 10 giờ hôm 31/7, theo giờ địa phương.

“Chúng tôi cũng hay tin về chiếc máy bay (MH370) nhưng chúng tôi có cuộc điều tra riêng của mình”- Villeneuve cho biết thêm khi anh đang chỉ vào những tấm ảnh cho thấy dòng nham thạch sáng rực của núi lửa và cột khói ngùn ngụt.

Đợt phun trào này có thể sẽ trở thành một trong những đợt phun trào lớn nhất kể từ năm 2007 khi rung lắc trên miệng núi lửa kéo dài nhiều tuần và magma đạt nhiệt độ lên tới hơn 1.000 độ C chảy ra Ấn Độ Dương. Ngọn núi lửa này ít gây đe dọa đối với du khách và cư dân bởi khu vực này đã được sơ tán từ khi có những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên.

Cá mập sát thủ

Ủy ban du lịch và cư dân trên đảo Reunion hy vọng vai trò bất đắc dĩ của hòn đảo trong vụ chuyến bay bí ẩn MH370 sẽ có tác dụng tích cực đối với việc tăng số lượng du khách khi hình ảnh về hòn đảo xinh đẹp với những ngọn núi lửa huyền bí, bãi biển cát mịn và màu nước xanh ngọc được phát đi khắp thế giới.

Hòn đảo này có kích cỡ bằng khoảng phân nửa đảo Bali của Indonesia. Tuy nhiên Reunion lại không là điểm dừng chân của nhiều du khách như những hòn đảo anh em khác ở Ấn Độ Dương như Mauritius và Maldives.

Fadila Hammachi, một nữ doanh nhân 55 tuổi người Pháp chia sẻ: “Hòn đảo này vừa xinh đẹp vừa huyền bí. Giống như Hawaii vậy. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người tới đây khám phá nhưng không nên quá nhiều".

Reunion bắt đầu được biết tới năm 2005 trong một trận dịch Chikungunya – loại virus gây ra sốt nặng. Gần đây tiếng tăm của hòn đảo thêm vang xa sau những lần cá mập hổ và cá mập bò nổi lên lấy mạng không ít người.

Hòn đảo nhiệt đới này từng được xem là thiên đường của cánh lướt sóng nhưng 18 vụ cá mập tấn công trong 4 năm khiến ít nhất 7 người thiệt mạng đã khiến nhiều tay lướt ván bỏ chạy! Từ năm 2013, chính quyền địa phương đã cấm bơi bên ngoài những khu vực được kiểm soát. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn không giúp giảm thiểu các vụ tấn công chết người. Sau vụ một cậu bé 13 tuổi bị cá mập cắn chết trong khi lướt sóng hồi tháng 4-2015, hàng loạt cư dân trên đảo đã biểu tình đòi chính quyền phải có thêm các biện pháp bảo vệ.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn