Hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) trích báo cáo về chiến lược không quân cho biết Trung Quốc nhấn mạnh cần phải phát triển và nâng cao 9 loại “thiết bị chiến lược”, trong đó có máy bay ném bom, chiến đấu cơ và máy bay không người lái (UAV) tấn công thế hệ mới, hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hướng về Mỹ, tên lửa hành trình siêu tốc, máy bay vận tải lớn, hệ thống vệ tinh và bom dẫn đường chính xác.
Theo báo cáo của Học viện Bộ tư lệnh Không quân Trung Quốc (AFCA), ngoài việc mở rộng vai trò của hải quân như chế tạo tàu sân bay thứ 2, Bắc Kinh còn muốn nâng cao vai trò của lực lượng không quân, mở rộng khả năng tấn công và giám sát đến khu vực Tây Thái Bình Dương. Điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ trên biển.
Trung Quốc đang muốn thách thức vai trò của Không quân Mỹ tại châu Á. Trong ảnh là một máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Báo cáo cũng đề nghị mở rộng phạm vi giám sát của Bắc Kinh từ “chuỗi đảo đầu tiên” - nối liền Okinawa (Nhật Bản), Đài Loan, Philippines và một phần ranh giới phòng thủ của Trung Quốc trên biển - với “chuỗi đảo thứ hai” nối quần đảo Izu, Guam và New Guinea.
Ngoài ra, báo cáo cũng hé lộ sự tự tin của lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc chống lại quân đội Mỹ, tăng cường khả năng tấn công các căn cứ Mỹ gần “chuỗi đảo thứ hai” bằng máy bay ném bom chiến lược. Bắc Kinh còn tính đến trường hợp “ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự” nếu diễn ra một hoạt động quốc phòng liên quan đến quần đảo của Trung Quốc.
Đối với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) thiết lập hồi tháng 11/2013 ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh đề xuất hải quân và không quân hợp tác để tăng cường khả năng phòng không, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các hoạt động liên kết đào tạo.
Lĩnh vực không gian và tên lửa cũng được quan tâm trong bản báo cáo. Theo đó, Đơn vị Không gian thành lập trong tương lai sẽ do Không quân quản lý.
Theo NLĐ