Mấy ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bình trà đá miễn phí trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, (Hà Nội) bị lực lượng công an phường Thịnh Liệt tịch thu. Nhiều người có ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện này.
Thùng trà đá miễn phí đặt trên đường Giải Phóng: Ảnh: Nam Anh |
Tịch thu bình trà đá là tịch thu lòng tốt của dân
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ câu lạc bộ nhóm Thiện nguyện Tâm Minh cho biết, nhóm chị thường xuyên phát cơm, cháo miễn phí cho người lao động, bệnh nhân ở trong bệnh viện. Hoạt động tình nguyện của nhóm chị đã làm ấm lòng nhiều người dân.
“Vừa qua chúng tôi có nghe qua câu chuyện bình trà đá miễn phí dành cho người dân ở đường Giải Phóng bị công an phường tịch thu. Chúng tôi không ủng hộ việc làm này. Bình trà đá để ở vỉa hè không ảnh hưởng đến ai, tại sao lực lượng chức năng lại tịch thu. Hơn nữa, tôi cho rằng việc làm từ thiện phải được ủng hộ mới đúng”, chị Liên chia sẻ.
Chị Liên cho rằng, vào những ngày hè nằng nóng, người lao động được uống cốc nước mát sẽ thấy ấm lòng, đặc biệt đối với người nghèo, sinh viên.
“Hiện nay trên tuyến đường Giải Phóng, tôi thấy có nhiều biển quảng cáo chìa ra vỉa hè, quán trà đá, dây cáp viễn thông để lộn xộn, vậy tại sao công an phường không đi dẹp. Trong khi, bình trà đá miễn phí phục vụ cho lợi ích của cộng đồng lại bị tịch thu”, chị Liên nói.
Anh Phùng Văn Hiệp, Chủ nhiệm câu lạc bộ Tôi yêu đồng bào tôi (nhóm hay quyên góp quần áo cho trẻ em ở vùng cao) cho hay, công an tịch thu bình trà đá miễn phí dành cho người dân không khác gì tịch thu lòng tốt của người dân. Người dân đặt bình nước ở vỉa hè là đặt tình người ở đó, nếu như người lao động uống được cốc nước mát sẽ thấy vui hơn,
“Một việc làm từ thiện tốt như vậy phải được các cơ quan chức năng ủng hộ mới đúng. Tôi thấy ở trong Sài Gòn, có rất nhiều bình trà đá miễn phí dành cho người dân đặt ở Công viên cách mạng tháng 8; bùng binh đường Nguyễn Huệ, hồ Con Rùa. ..Thậm chí, chính quyền ở Sài Gòn còn tạo điều kiện, quyên góp tiền cho nhóm làm từ thiện làm việc này”, anh Hiệp chia sẻ.
“Tôi cho rằng, công an phường trước khi thực hiện việc tịch thu lòng tốt của người khác thì phải thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội của mình đó là dẹp bỏ những biển quảng cáo, quán trà đá vỉa hè, ôtô đỗ sai quy định. Có như vậy, mới có được sự đồng thuận của người dân”, anh Hiệp chia sẻ thêm.
Lực lượng chức năng phường thu giữ thùng trà đá: Ảnh: Nam Anh |
Bình trà đá gây cản trở giao thông
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, ông luôn ủng hộ việc làm từ thiện, đó là một việc làm tốt. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, việc người dân đặt bình trà đá ra vỉa hè, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông là hoàn toàn không được.
“Bình trà đá đặt ở vỉa hè, người dân dựng xe ở lòng đường vào uống nước sẽ gây cản trở giao thông. Thêm nữa, nếu người dân uống nước miễn phí không có kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, bỗng nhiên có hơn chục người dân uống nước xong vào nhập viện thì lãnh đạo quận cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, việc đặt bình nước ở vỉa hè cũng không ổn”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu thừa nhận rằng, ông không ủng hộ việc làm của đội trật tự phường Thịnh Liệt khi thu giữ bình trà đá, làm như vậy là cực đoan, cứng nhắc.
“Nếu như công an phường thấy việc người dân đặt bình trà đá vi phạm thì phải nhắc nhở người dân chuyển sang một vị trí khác, đảm bảo người dân khi dừng xe uống nước không gây ảnh hưởng giao thông. Đồng thời cho cán bộ y tế phường ra kiểm tra và yêu cầu chủ hộ phải làm cam kết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, vấn đề sẽ được giải quyết, người dân đồng thuận”, ông Hiếu nói.
Ông Phạm Thành Long, Giám đốc Công ty luật TNHH Gia Phạm (Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp bình trá đá đặt ở vỉa hè, vi phạm quy định về vỉa hè, lòng đường thì việc công an phường tịch thu là hoàn toàn đúng. Công an phường làm đúng luật phải để cho họ làm và phải được động viên.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, một số bệnh có thể lây qua ăn uống chung cốc chén chưa rửa sạch như: Viêm gan A, viêm gan E, sởi, quai bị và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Ngoài ra, nếu tay người lao động nhiễm bẩn, cầm vào cốc gây vấy bẩn cốc chén, có thể làm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như: Tiêu chảy do E. coli, campylobacteria, tả lỵ, thương hàn… Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Cấp, ông chưa thấy nghiên cứu nào định lượng nguy cơ lây truyền qua dùng chung cốc, chén tương tự trường hợp uống trà đá miễn phí. Bác sĩ Cấp cũng từng chứng kiến tại các sân bay, công viên nhiều nước phát triển cao vẫn có vòi nước công cộng để uống. Người dùng có thể ghé miệng uống trực tiếp tại vòi, lấy tay hứng hay lấy nước vào chai mang đi. Bác sĩ Cấp cũng bày tỏ: Nguy cơ lây nhiễm qua dùng chung cốc chén trong trường hợp trà đá miễn phí chưa chắc đã cao hơn các trường hợp bán nước rong hay trà đá vỉa hè. Hơn nữa, cung cấp trà đá miễn phí là việc làm tự phát của người dân. Do đó, chính quyền nên hỗ trợ các kiểu bình chứa, vòi uống thuận tiện hợp vệ sinh, quy hoạch các vị trí đặt bình trà thuận tiện, không cản trở giao thông. |
Theo Dân Việt