Khe hở tại dầm các cây cầu lớn ở Sài Gòn

Thứ ba, 04/08/2015, 09:25
Những cây cầu ở TP.HCM như Bình Lợi, Bình Triệu, ngã 3 Cát Lái... đều có thiết kế khe hở giữa các phiến dầm với mức độ khác nhau nhưng không rộng như cầu Phú Mỹ.
Tin đồn cầu Phú Mỹ (TP.HCM) có khoảng hở lớn được đưa lên mạng xã hội những ngày qua đã khiến nhiều người hoang mang. Ngay lập tức, nhà chức trách khẳng định "khe nứt" người dân phản ánh không phải sự cố và không ảnh hưởng đến kết cấu của cầu bởi đây là khe co giãn, nằm trong quy chuẩn thiết kế.
Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ cho biết, dựa vào bản thiết kế cầu Phú Mỹ, tại vị trí giữa phần cầu chính (cầu dây văng) và phần cầu dẫn có một khoảng hở rộng 89cm. Khoảng hở này được thiết kế để tạo sự co giãn cho kết cấu của cầu nhằm tránh gây nứt mặt bê tông do ảnh hưởng từ nhiệt độ, môi trường thay đổi, sinh ra quá trình bê tông giãn nở.
Thực tế tại một số cây cầu lớn ở TP.HCM như Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn 2, Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Nguyễn Văn Cừ, cầu vượt ngã 3 Cát Lái, cầu vượt An Sương cũng đều có thiết kế độ hở giữa 2 dầm đặt lên trụ cầu. Tuy nhiên, các khe này chỉ từ 10 - 20cm, không rộng như cầu Phú Mỹ là 89cm. Trong ảnh là vị trí tiếp nối giữa phần vòm và đường dẫn của cầu Bình Lợi.
Cầu Bình Lợi băng qua sông Sài Gòn ở cửa ngõ phía Đông thành phố có chiều dài 1,1km với 6 làn xe mỗi chiều, được thiết kế hình vòm. Điểm hở tiếp nối của hai dầm trên cây cầu này rộng khoảng 20cm.
Những vị trí tiếp nối của hai phiến dầm đặt lên trụ hình chữ L của đường dẫn cây cầu này cũng có khe hở khá rộng.
Tại cầu Bình Triệu mới (cách cầu Bình Lợi khoảng 1km), những vị trí tiếp nối của những dầm cầu cũng có độ hở đến 15cm.
Nhìn từ mặt cầu Bình Triệu, giữa hai dầm có khe hở rộng gần 20cm. Nếu quan sát từ xa sẽ tưởng như khả năng liên kết dầm của cây cầu có vấn đề.
Cầu Sài Gòn 2 được thông xe vào tháng 10/2013, dài gần 1km gồm 30 nhịp được thiết kế có tuổi thọ 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Từ phần liên kết giữa cầu và đoạn dẫn cũng có độ hở, tuy không lớn.
Dầm của cầu vượt Cát Lái nằm trên Xa lộ Hà Nội cũng có khe hở tương đối.
Tuy khe hở có thể nhìn xuyên qua bên kia cầu nhưng có thể quan sát được sự liên kết giữa gờ của trụ và dầm không dịch chuyển.
Dầm cầu gác lên một dầm khác hình chữ L khi nhìn từ xa tại đoạn dẫn lên xuống cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh.
Khe hở hình vuông và thẳng dọc tại vị trí tiếp nối giữa phần chính của cầu và đoạn dẫn của cầu Thủ Thiêm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn