Vơ vét Biển Đông, Trung Quốc trang bị hạm đội tàu cá cho dân quân biển

Chủ nhật, 02/08/2015, 11:12
Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội tàu cá mới cho lực lượng "dân quân biển" hoạt động trái phép trên Biển Đông nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền và vơ vét nguồn trữ lượng cá dồi dào.

Phát biểu tại cuộc hội thảo ở Trung tâm Phân tích Hải quân hôm 29/7, nhà nghiên cứu cấp cao Zhang Hongzhou tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore nhấn mạnh hành động này có thể khiến tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang.

Dân quân biển Trung Quốc được xem là một trong những lực lượng lợi hại thay thế Hải quân nước này đi xâm chiếm và kiểm soát mọi hoạt động hàng hải trên Biển Đông. Theo đó, dân quân biển Trung Quốc sử dụng các tàu cá dân sự trá hình để tiến hành "đổ bộ đảo".

Trung Quốc xây dựng lực lượng tàu cá hùng hậu nhằm mục đích vơ vét các nguồn tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng cá dồi dào trên Biển Đông.

Trong khi đó, lâu nay, giới chức Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ Bắc Kinh đưa lực lượng dân quân biển tham gia âm mưu độc chiếm Biển Đông. Và đây sẽ là lần đầu tiên, lực lượng này được trang bị một hạm đội tàu cá riêng nhằm vơ vét nguồn tài nguyên thiên nhiên và trữ lượng cá dồi dào trên vùng biển chiến lược.

"Khả năng Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội tàu cá quốc doanh để trang bị cho lực lượng dân quân biển hoạt động trái phép trên Biển Đông", tạp chí The Diplomat dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao Zhang.

Việc lực lượng dân quân biển đóng vai trò ngày càng lớn trong chiến lược vơ vét nguồn cá dồi dào ở Biển Đông không còn là điều mới lạ. Hồi đầu năm 2013, trong chuyến thăm đến làng chài Đàm Môn trên đảo Hải Nam, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với lực lượng dân quân biển địa phương rằng, họ "không chỉ tham gia đánh bắt cá mà còn giúp Bắc Kinh thu thập thông tin về đại dương, và hỗ chương trình xây dựng tại các hòn đảo và bãi đá ngầm", để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích quốc gia trên Biển Đông.

Theo ông Zhang, động thái xây dựng một hạm đội tàu cá quốc doanh cho dân quân biển ở Biển Đông là một "hiện tượng mới" của chính quyền Trung Quốc. Việc sở hữu một hạm đội tàu cá riêng đồng nghĩa với việc dân quân biển Trung Quốc sẽ không còn phải đi thuê tàu cá của ngư dân hay các công ty ngư nghiệp để triển khai hoạt động.

Ông Zhang cũng nhấn mạnh sự thay đổi của chính quyền Trung Quốc phản ánh một thực tế là nỗi thất vọng trong việc quản lý ngư dân nước nhà ngày càng lớn. Trước đây, nhiều ngư dân Trung Quốc từng phàn nàn về việc Bắc Kinh trả thù lao quá thấp cho các nhiệm vụ của chính phủ như bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981, được Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5/2014. Do đó, chính phủ Trung Quốc đã quyết định tăng khả năng kiểm soát và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của chính quyền trung ương.

Nhà nghiên cứu Zhang cho rằng Trung Quốc sẽ điều tàu thuyền của lực lượng dân quân biển để củng cố tuyên bố chủ quyền đơn phương ở những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đã xâm chiếm trái phép. Ngoài ra, Trường Sa còn là một ngư trường dồi dào trữ lượng cá. Theo kết quả từ một nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, các vùng biển quanh quần đảo Trường Sa chứa tới hơn 1,8 triệu tấn cá và sản lượng đánh bắt hàng năm là từ 500.000 – 600.000 tấn.

Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng lực lượng dân quân biển có thể khiến căng thẳng tranh chấp trong khu vực leo thang và ảnh hưởng xấu tới chính lợi ích của Trung Quốc. Ông Zhang nhận định lực lượng dân quân biển có thể lợi dụng cái gọi là lòng yêu nước để tiến hành các hành động bất hợp pháp như bắt trộm rùa biển, san hô và các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Ngoài ra, hạm đội tàu cá của dân quân biển Trung Quốc còn có thể tiến tới những khu vực nằm cách xa vị trí mà tấm bản đồ phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Đây sẽ là nguyên nhân đẩy căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Song cho tới nay, kế hoạch chi tiết về quy mô, thời gian xây dựng hạm đội tàu cá cho dân quân tự vệ biển vẫn chưa được Trung Quốc tiết lộ. Theo ông Zhang, đảo Hải Nam đã đề nghị đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn để phục vụ cho cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc. Trong đó, 10 chiếc được giao nhận trong năm nay nhưng hạm đội này hiện mới chỉ có 4 chiếc đang hoạt động. "Quá trình xây dựng hạm đội tàu cá sẽ còn mất nhiều năm nữa", ông Zhang nói.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn