Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế: Bán lẻ để thu bạc cắc !

Thứ sáu, 14/08/2015, 21:28
Cách làm hiện nay của chúng ta làm lãng phí tài chính, thời gian, nhân sự và lãng phí cơ hội. Thay vì giới thiệu hình ảnh đất nước, nền kinh tế thì chúng ta quay sang bán lẻ để thu bạc cắc…
Thay vì giới thiệu hình ảnh đất  nước, nền kinh tế thì chúng ta  quay sang bán lẻ để thu bạc cắc

Tham dự hội chợ nhằm…bán lẻ để thu bạc cắc

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đức Hoàng, nguyên PGĐ Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội, người có kinh nghiệm tổ chức tham gia các hội chợ trong nước  và đặc biệt ở nước ngoài từ năm 1999 xung quanh việc Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế.

Ông Hoàng cho hay, ở góc độ doanh nghiệp, bất cứ một doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức nào khi tham gia hội chợ đều mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ hoặc khảo sát mẫu mã, thị hiếu, tìm kiếm sản phẩm mới cũng như trưng bày quảng bá sản phẩm của mình...

Doanh nghiệp tham gia hội chợ có 2 loại. Một là những cá nhân, doanh nghiệp đi tham quan (visitor), hai là những doanh nghiệp có gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội chợ (Exhibitor)

“Tại hội chợ Milan Expo, theo tôi được biết mỗi quốc gia tham dự có một khu gian hàng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến đầu tư thương mại du lịch hoặc công nghệ tuỳ vào mục tiêu xúc tiến của mỗi quốc gia. Tuỳ vào điều kiện và chính sách của mỗi nước, gian hàng quốc gia được đầu tư từ ngân sách nhà nước và có sự đóng góp từ các doanh nghiệp”- ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Hoàng thì khi tham gia bất kỳ một hội chợ quốc tế thì việc cần làm đó là phải thể hiện, giới thiệu ra được rõ nét bản sắc văn hoá, hình ảnh đẹp, cũng như thế mạnh của quốc gia mình. Giống như việc chúng ta định giới thiệu với bạn bè quốc tế đất nước ta đẹp thì phải làm sao để khách tham gia hội chợ biết Việt Nam đẹp như thế nào gắn với những địa danh cụ thể (Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, hang Sơn Đoòng…có thể dùng bằng hình ảnh, tờ rơi, tờ gấp…) nhằm thu hút khách du lịch.

“Hay như việc chúng ta muốn giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, thủy sản, may mặc thì chúng ta phải thể hiện được điều đó đến các đối tác nhập khẩu và cộng đồng DN quốc tế. Đặc biệt đối với những dự án trọng điểm cần kêu gọi đầu tư thì cũng nên được trưng ra để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Để làm được điều này đòi hỏi những người thực hiện phải có sự chuẩn bị chu đáo từ tìm hiểu đối tượng khách tham quan hội chợ, thị trường mình muốn hướng tới cho đến chuẩn bị sản phẩm mình mang đi trưng bày, kèm với đó là những thông tin tư liệu kèm theo.

Cụ thể tại hội chợ Milan Expo 2015, chúng ta cũng không nên bỏ qua khâu thiết kế tổng thể gian hàng hài hòa, đẹp mắt để tạo nên một không gian văn hoá Việt đẹp đẽ, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng giàu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế. Mô hình hoặc hình ảnh một khu kinh tế, khu công nghiệp nói lên được nhiều điều hơn một cái bàn với một số áo quần vải thổ cẩm. Thay vì giới thiệu hình ảnh một đất  nước, một nền kinh tế thì chúng ta đang quay sang bán lẻ để thu bạc cắc.

Ông Hoàng cũng cho rằng chúng ta không nên dựa vào đánh giá của một kênh thông tin nước ngoài cho cho rằng gian hàng của VN lọt vào top gian hàng đẹp để mà yên tâm rằng chúng ta làm tốt. Để đánh giá hiệu quả  khi chúng ta tham dự hội chợ là việc chúng là có được bao nhiêu đơn hàng được ký kết, bao nhiêu khách hàng tiềm năng ký kết biên bản ghi nhớ trong quá trình diễn ra hội chợ. Đó mới là điều chúng ta cần lưu ý.

Không thể cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp

Theo quan điểm của ông Hoàng thì việc chúng ta tham gia hội chợ cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin, sản phẩm, phương pháp tiếp thị giới thiệu để thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Không thể cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp.

“Tuy nhiên, sau nhiều năm tham gia các hội chợ quốc tế tôi nhận thấy chúng ta hầu như không làm được việc đó, luôn có các lý do để giải thích cho các thiếu sót cơ bản. Và hội chợ thương mại Expo Milan là một ví dụ điển hình. Giống như con voi được cái chân thì mất cái đầu. Nguyên nhân là do, chúng ta thường “nước đến chân mới nhảy không có sự đầu tư, chuẩn bị một cách kỹ càng nên khi triển khai thường lộn xộn” – ông Hoàng thẳng thắn bày tỏ.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, chúng ta cần học hỏi ngay từ những nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… ở những đất nước này nhà nước thực hiện xã hội hóa rất tốt trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cùng nhà nước tham gia các hội chợ ở nước ngoài. Họ chủ động đề xuất phương án, đóng góp kinh phí, và nhà nước đứng ra chủ trì. Như vậy vừa không tốn kém nhiều ngân sách của nhà nước vừa đạt hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia.

Điều này hoàn toàn ngược lại đối với Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý thụ động, trông chờ vào nhà nước bao cấp. Điều này vô hình chung khiến cho công cuộc giới thiệu hình ảnh đất nước ra bạn bè quốc tế cũng hạn chế hơn rất nhiều.

“Việt Nam giống như một cô gái đẹp nhưng lại không biết cách trang điểm, không biết cách giao tiếp nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người. Điều này chẳng khác nào việc chúng ta có một quán ăn với rất nhiều món ngon, ở một vị trí đẹp nhưng không làm tốt công tác truyền thông, quảng bá nên… chẳng ai biết mà tìm đến.

Cách làm hiện nay của chúng ta cũng là một sự lãng phí: lãng phí tài chính, lãng phí thời gian, lãng phí nhân sự và quan trọng hơn là lãng phí cơ hội. Thay vì giới thiệu hình ảnh một đất  nước, một nền kinh tế thì chúng ta đang quay sang bán lẻ để thu bạc cắc…"- ông Hoàng bày tỏ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn