Đằng sau bức ảnh chú chó trong giỏ đánh giày: Người đàn ông bị câm bầu bạn với chú chó mù

Thứ tư, 12/08/2015, 08:55
Người đánh giày bị câm và chú chó nhỏ mù cả hai con mắt - câu chuyện hai số phận khốn cùng nương tựa vào nhau để sống vui vẻ qua ngày giữa Sài Gòn rộng lớn có thể sẽ khiến bạn cay mắt khi suy ngẫm về tình thương...
Bức ảnh về chú chó nhỏ nằm gọn gàng, ngoan ngoãn bên trong chiếc giỏ của chú bé đánh giày được chia sẻ ngày hôm qua đã trở thành một nốt nhạc đẹp tuyệt về nghĩa tình giữa mảnh đất Sài Gòn huyên náo và xa hoa, gây xúc động mạnh cho những ai đã xem và biết được phần nào hoàn cảnh đáng thương của "hai người bạn" đó.
Nhìn cái cách cậu bé đánh giày sắp xếp và dành một chỗ đặc biệt trong chiếc giỏ đựng kế sinh nhai của mình cho "người bạn" đồng cam cộng khổ cùng mình, ta mới hiểu có những thứ tình cảm thật đáng trân quý biết bao khi chẳng phân biệt sang hèn.
Nóng lòng muốn biết về hoàn cảnh của chủ nhân chiếc giỏ đánh giày trong câu chuyện trên, thế là vào một buổi giữa trưa nắng gắt của Sài Gòn, tôi và một người bạn đã tìm đến góc đường Lê Thánh Tôn theo lời chỉ dẫn của bạn nữ đã chụp được bức ảnh, với hy vọng tìm được "cậu bé đánh giày".
Đánh hết ba con đường từ Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Thái Văn Lung nhưng vẫn chẳng nhìn thấy "chiếc giỏ nhỏ" đâu, chúng tôi đã định là phải quay về đợi đến tối quay lại, vì nghe người dân quanh khu này bảo, giờ này cậu đang lang thang ở đâu đó tìm khách đánh giày, phải đến tối thì cậu mới quay về và ngủ ngoài hiên của một quán ăn nằm trên đường Thái Văn Lung.
Nhưng có lẽ nhờ "duyên", trên đường quay về, tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh chú chó nhỏ đang nằm cuộn tròn bên cạnh người đàn ông với dáng vẻ lấm lem, áo quần luộm thuộm. Họ đang ngủ trưa trên thềm của một căn nhà trong con hẻm trên đường Lê Thánh Tôn. Đây quả là một hình ảnh hoàn toàn khác với trí tưởng tượng của tôi về một "cậu bé đánh giày" nhỏ bé...

Khi anh đang ngon giấc, thì cũng là lúc người bạn đặc biệt của mình đang cuộn tròn, ngả giấc ở phía sau lưng.
Phải ngập ngừng một hồi lâu tôi mới dám đánh thức người đàn ông ấy dậy. Đã biết trước rằng anh không nói được, nhưng tôi còn bối rối hơn khi cảm thấy rất khó khăn trong việc tìm cách giao tiếp với anh - một người dường như khá e dè người lạ.
Trước câu hỏi của chúng tôi về tên anh và quê quán, anh chỉ nhìn rồi cười trừ như lời đáp lại... Đến lúc tôi hỏi anh về chú chó nhỏ, anh giật mình vội bế lấy nó cứ như sợ chúng tôi sẽ bắt người bạn của mình đi. Rồi tôi kể anh nghe về bức ảnh chụp chú chó đó cùng câu chuyện về anh đã được mọi người yêu thương, quan tâm, rằng không chỉ riêng tôi mà nhiều người nữa cũng muốn được gặp anh, để nghe anh chia sẻ về mình và người bạn đặc biệt ấy. Phải khi nghe đến đó, anh mới dần tin tưởng và móc trong túi ra tờ CMND cho chúng tôi xem. Có lẽ đó là vật "bất ly thân", để nó có thể trả lời giúp anh mỗi khi có người hỏi anh là ai, từ đâu tới.
Trên chiếc CMND cũ mèm ấy ghi rõ, anh là Trần Khắc Ân, sinh năm 1977, quê quán ở An Giang. Theo lời của một số người dân sống ở dãy nhà đối diện thì "Cậu ấy bị câm, tay chân thì không biết sao mà bị tật. Cậu cứ đi lang thang ở khu vực này suốt mấy năm nay nhưng không có nhà cửa gì hết. Sáng đi đánh giày, trưa lại kiếm đại cái hiên nhà nào đó rồi ngủ đến chiều đi đánh giày tiếp, tối lại quay về ngủ bên đường Thái Văn Lung. Cậu ấy hình như thích chó, lúc nào cũng thấy ôm con chó đó khư khư trong người. Nghe đâu là có ai đó cho thì phải".
Góc ngồi làm việc mỗi ngày của anh Ân với người bạn nhỏ cạnh bên.
Một người đàn ông giờ đây mỗi ngày bầu bạn bên chú chó nhỏ.
Đi đâu anh cũng nâng niu, ôm nó bên người.
Bàn tay phải của anh mắc bệnh nên bị sưng vù và hiện không thể cầm vật nặng.
Nhìn cái cách anh ôm chú chó nhỏ vào người, tôi đã tin rằng anh thực sự có một mối tình cảm đặc biệt với loài động vật ấy. Mặc dù công việc hiện tại của anh không kiếm được bao nhiêu, nhưng lúc nào anh cũng chăm sóc, lo lắng cho chú cún.
Cách đây không lâu, anh Ân từng nuôi một chú chó khác, nhưng do bị hóc xương nên nó đã qua đời. Sau đó anh mới đi tìm chú chó này về để bầu bạn. Cũng chính vì điều này mà những người dân trong xóm đều rất yêu quý anh. Hơn cả một thứ vật nuôi, những chú chó đã thực sự là bạn, là người thân, là gia đình của người đánh giày không biết nói.
Tò mò, tôi hỏi anh cho nó ăn bằng cách nào? Anh liền giơ tay lên diễn tả hành động của một đứa trẻ ôm bình sữa cho chúng tôi xem. Rồi anh vui vẻ ôm chú chó đưa cho chúng tôi cùng chơi. Và đến lúc ấy, tôi mới phát hiện con chó đã bị mù cả hai mắt...
Chú chó mù cả hai con mắt.
Đói no gì anh cũng phải có sữa để cho chú chó dùng mỗi ngày. Anh còn cẩn thận dùng một cái bình cắt ra làm chén sữa riêng cho chú. Và trái chanh làm quả banh để người bạn anh có cái chơi đùa.
Điều gì đã khiến họ gặp được nhau? Một chú chó mù với một người chủ nghèo cũng mắc khiếm khuyết cơ thể. Phải chăng đây chính là sự san sẻ mà ông trời đã cố tình sắp đặt, để người đàn ông tuy không nhà cửa, không người thân, không tiền bạc, cả ngày lẫn đêm phiêu bạt vẫn cảm thấy đâu đó có một niềm vui cho cuộc sống từ mối quan hệ chân tình này?
Hai số phận khốn khó nương tựa vào nhau - người đánh giày bị câm và chú chó nhỏ không được nhìn thấy ánh sáng - một câu chuyện tưởng như chỉ tồn tại trong cổ tích mà người lớn thường đọc để lũ con nít biết thêm về tình thương và thêm tin vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Nhưng giờ đây, nó đang có thật tại Sài Gòn, bên một mái hiên trú tạm, người chủ nghèo vẫn hàng ngày chia sẻ miếng cơm manh áo vốn đã chẳng đủ no, đã không đủ lành cho chú chó, rồi hàng ngày xách nó đi cùng những lần mình đánh giày mưu sinh.

Có thể anh không có chỗ ngủ, nhưng người bạn này của anh phải được yên giấc bên chiếc giường nhỏ ấm êm được trải khăn một cách kỹ lưỡng như thế này!
Góc vui đùa của cả hai.
Một người nước ngoài ghé vào chơi với chú cún tội nghiệp.
Lúc chào anh để về, trong lòng tôi cứ nghĩ mãi đến hình ảnh người đánh giày nghèo với chú chó mù cả hai mắt nhưng vẫn quấn quýt với nhau, no đói với nhau. Có thể quần áo của anh lấm lem, có thể người đi đường sẽ hơi e sợ anh vì trông khá hầm hố, có thể anh sẽ phải mưu sinh kiếm cơm với nghề đánh giày lang bạt khắp các con phố trong suốt những ngày còn lại - nhưng thứ tình người đẹp đẽ trong anh, lòng yêu thương, sẻ chia giữa cuộc sống chật vật và khốn khó với người bạn của anh đã quá đủ để chúng ta biết rằng anh là một người đàn ông thật đẹp và giàu có...
Ngoài phố, đường Sài Gòn vẫn đông đúc người qua. Trời Sài Gòn vẫn nắng mưa thất thường như thế. Mỗi con người khi dừng lại một chút để đọc về hoàn cảnh của anh rồi cũng sẽ tiếp tục với câu chuyện riêng của cuộc đời mình như bao ngày qua vẫn vậy... Nhưng hơn ai hết, tôi tin rằng, hình ảnh chiếc giỏ xách với chú chó nằm ngoan ngoãn phía trong của người đánh giày sẽ mãi là một điều nhỏ xinh rất yên bình và ấm áp trong lòng những người đã từng xem.
Một hình ảnh rất thương...

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích