Tiếp vụ xây cầu phục vụ chủ tịch xã: 'Báo cáo láo thế'

Thứ tư, 12/08/2015, 11:13
“Tổng cục Đường bộ lấy đâu ra con số 500 lượt người qua cầu/ngày, báo cáo láo thế”. “Đây là hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư, chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư”. Đó là những bức xúc của ông Nguyễn Trí Lạc, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh về vụ “Cầu treo dân sinh để phục vụ Chủ tịch xã”.
Ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh (đội mũ cối) mời PV đi kiểm tra thực tế nhưng lại bỏ cuộc giữa chừng

“Báo cáo láo thế”

Theo Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, trong vụ việc này phải làm rõ những vấn đề như quy mô dự án, năng lực, nhiệm vụ, hiệu quả kinh tế xã hội và hiệu quả tài chính của công trình. “Đấy, đơn cử như một nhà đầu tư của Nhật Bản muốn đầu tư xây dựng một cái cầu treo ở Việt Nam, phải tính tới nhiều yếu tố trong đó giảm tải như thế nào, phải lắp camera để theo dõi nhiều ngày lưu lượng xe và người qua chiếc cầu để có con số chính xác rồi mới quyết định đầu tư”, ông Nguyễn Trí Lạc nói.

“Ở đây, Tổng cục Đường bộ lấy đâu ra con số 500 lượt người/ngày, lấy ở đâu ra, báo cáo láo thế. Việc ông Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Phạm Quốc Thanh trả lời PV rằng, đây là vốn của Trung ương cho nên mình cứ nhận… Nói như thế là phi chính trị. Báo chí phản biện anh phải nghe, sau đó soát xét, xử lý cán bộ chứ”, ông Lạc nói.

Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, đây là sự lãng phí tiền của nhân dân, trong khi đó có nhiều nơi đang cần thật sự tại sao anh lại không đầu tư. “Rõ ràng vấn đề ở đây phải xử lý kỷ luật. Xử lý bằng cách nào cũng phải thể hiện được vấn đề thiệt hại tài sản, chứ không phải xử lý kỷ luật bình thường được”, ông Nguyễn Trí Lạc đề nghị.

Ông Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Ban kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Một dự án đầu tư bây giờ phải rất căn cơ, nhiệm vụ làm gì, giải quyết vấn đề gì, hiệu quả xã hội đến đâu. Vấn đề ở cầu treo dân sinh Khe Tây phải làm rõ được trong báo cáo đầu tư dự án có nói rõ 42 hộ dân hưởng lợi chưa hay là phải chờ khai phá vùng đất để sau này đưa dân cư vào. Nếu trong báo cáo đầu tư nói rõ làm cái cầu treo dân sinh này để phục vụ người dân trong tương lai thì câu chuyện ở đây nó sẽ khác.

“Ở đây, trong báo cáo đầu tư cho rằng có 42 hộ dân hưởng lợi từ chiếc cầu này, hiện đã có 23 hộ dân sinh sống và trực tiếp đi qua cầu. Đấy, trả lời như vậy là quá rõ rồi. Đây là tài liệu quan trọng và có giá trị pháp luật. Như vậy, rõ ràng báo cáo như thế mà thực tế như vậy là sai rõ rồi. Việc này HĐND tỉnh phải trực tiếp lên kiểm tra và phải xử lý nghiêm túc”, ông Nguyễn Trí Lạc nhấn mạnh.

“Mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ các báo viết về chiếc cầu phục vụ hai hộ dân trong đó có nhà ông Chủ tịch xã Sơn Thọ. Lãnh đạo xã Sơn Thọ và huyện Vũ Quang nói vốn Trung ương cho cứ làm là thiếu trách nhiệm với nhân dân, tiền ở đâu cũng là tiền thuế của nhân dân. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư ”.

Ông Nguyễn Trí Lạc - Trưởng Ban kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Còn theo Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đoàn Đình Anh, tại huyện Vũ Quang hiện còn nhiều vùng bức xúc chuyện người dân bị chia cắt bởi khe suối. “Ở xã Sơn Thọ cũng bị khe suối chia cắt nhưng thực sự không nhiều. Với địa hình dốc như Sơn Thọ, làm khe tràn là thích hợp nhất”, ông Đoàn Đình Anh nói.

Cũng theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, ở xã Sơn Thọ không bị lụt (đặc điểm khác duy nhất), hết mưa là hết nước, vì độ dốc rất lớn. Có chăng là lũ ống, lũ quét. Nếu ngập chỉ từ khoảng 30 phút tới 1 tiếng đồng hồ thôi chứ không tắc ngày này qua ngày khác. “Nói gì thì nói, để xảy ra sự việc như báo nêu, trước hết là trách nhiệm của chính quyền xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Sở GTVT Hà Tĩnh và chủ đầu tư”, ông Đoàn Đình Anh nêu rõ.

Nhiều bất thường

Sau khi Tiền Phong đăng tải bài viết “Xây dựng cầu treo dân sinh để phục vụ Chủ tịch xã: Sự ngụy biện trắng trợn”, nhiều lãnh đạo ở Hà Tĩnh hết sức bức xúc và cho rằng, tại sao ông Phó Giám đốc Sở GTVT đích thân mời PV đi thực tế để chứng minh mà lại im lặng bỏ đoàn giữa đường để trở ra xe nghỉ mát.

“Đích thân ông Phó Giám đốc Sở dẫn đoàn đi lại bỏ đoàn, khi biết thực tế không như báo cáo lại đùn đẩy cho hai cán bộ cấp dưới báo cáo. Điều này thế hiện sự vô trách nhiệm, coi thường nhân dân, coi thường báo chí”, một lãnh đạo bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Minh khẳng định, không bao giờ đi ra phía cầu treo Khe Tây. Vì nếu ra cầu treo phải đi qua đoạn khe này.
Quay trở lại câu chuyện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 10/8, đơn vị này gửi Công văn tới Bộ GTVT khẳng định bài viết trên báo Tiền Phong là thiếu cơ sở, không chính xác. Kết luận này được đưa ra sau khi Tổng cục Đường bộ cử một đoàn vào kiểm tra, sau khi báo nêu. Với thực tế đã được Tiền Phong phản ánh trong bài viết “Xây dựng cầu treo dân sinh để phục vụ Chủ tịch xã: Sự ngụy biện trắng trợn”, là minh chứng quá rõ ràng.

Cụ thể trong báo cáo gửi Bộ GTVT có đoạn nêu: Về số lượng hộ dân được lợi hiện tại là 26 hộ. Trong khi đó, cũng trong ngày 10/8, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ lại khẳng định với PV  rằng, vừa khảo sát hiện trường cho hay: 26 hộ dân bên kia cầu treo hiện có 3-4 đường đi, nhưng đều qua suối, ngày lũ không thể sử dụng. Cầu treo mới tiếp giáp với 2 hộ dân nhưng lâu dài, địa phương phải mở đường nối thông đến 24 hộ phía sau.

“Tới đây, khu vực này có 42 hộ, tương đương với một xóm. Điều này phù hợp với tiêu chí làm cầu treo để khắc phục chia cắt vào mùa lũ cho một xóm (tối thiểu 50 lượt người qua lại/ngày) của Bộ GTVT hiện tại và tương lai. Làm đập tràn, không thể vượt lũ”, ông Vinh nói.

Thì ra, cứ sau mỗi bài báo, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ lại nghĩ ra cách giải thích thế nào cho hợp lý. Không lẽ vì đã xây chiếc cầu treo hơn 4 tỷ đồng nên chính quyền xã Sơn Thọ phải làm bằng được con đường vượt núi, làm hai cầu qua hai khe lên tới cả trăm tỷ đồng cho người dân đến được với cầu treo. Trong khi đó, từ trước đến nay, những hộ dân này vẫn đang đi trên con đường nhựa, bê tông !?

Sự bất thường chưa dừng lại ở đây. Tại sao danh sách 42 hộ dân được hưởng lợi từ cầu treo dân sinh Khe Tây được UBND xã Sơn Thọ gửi cho Tổng cục Đường bộ lại được lập vào ngày 31/7/2015. Tức là sau khi chiếc cầu đã xong và báo chí đã đưa tin, phản ánh. Phải chăng, trong báo cáo đầu tư ban đầu, hoàn toàn không có số liệu này. Ấy vậy mà, không hiểu sao Tổng cục Đường bộ lấy đâu ra con số 500 lượt người qua cầu/ngày.

Trao đổi với PV , nhiều người dân khẳng định họ không ký tá vào bất cứ giấy tờ nào liên quan đến việc làm chiếc cầu này. Và nếu quan sát kỹ danh sách 42 hộ dân được Tổng cục Đường bộ gửi một số cơ quan báo chí thì thấy 42 chữ ký này nét bút rất giống nhau và có thể do một người ký (?).

Chiều 11/8, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, ông Trịnh Văn Ngọc từ chối các chất vấn của PV. “Mọi việc anh cứ gặp đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quốc Thanh. Việc này phải để kiểm tra và chưa thể trả lời”, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nói.

Bộ trưởng GTVT chỉ đạo lập đoàn khảo sát

Liên quan đến dự án Cầu Khe Tây, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Bộ GTVT cho biết, dù trực tiếp vào khảo sát hiện trường hai lần nhưng chỉ thẩm định vị trí đặt mố cầu; không tham gia thẩm định về mặt kinh tế - xã hội.

Cũng liên quan đến sự việc, ngày 11/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ lập đoàn vào khảo sát, đánh giá toàn bộ sự việc.                

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại dự án

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát lại dự án Xây cầu treo dân sinh để phục vụ... hai hộ dân đăng trên báo Tiền Phong.

Trước đó, báo Tiền Phong đã có bài phản ánh việc cầu treo dân sinh ở xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng nhưng chỉ phục vụ cho hai hộ dân, trong đó có gia đình Chủ tịch xã. Oái oăm hơn là chiếc cầu treo dân sinh trên được xây dựng ngay gần chiếc cầu liên thôn kiên cố, gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, rà soát lại dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8.        

Theo TIềnPhong

Các tin cũ hơn