Vai trò của nhóm các nước tầm trung trong vấn đề Biển Đông

Chủ nhật, 16/08/2015, 07:51
Nhóm các nước tầm trung có tiềm năng quan trọng trong việc hòa giải tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo tạp chí The Diplomat, nhóm các nước MIKTA bao gồm Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia mới chỉ được hình thành vào năm 2013 nhưng hiện tại đang đứng trước cơ hội tác động tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Biển Đông đã trở thành chủ đề nóng bỏng kể từ khi Mỹ đưa máy bay và tàu chiến giám sát hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc. Ba thành viên của MIKTA bao gồm Indonesia, Hàn Quốc và Australia đã bày tỏ mối quan tâm trực tiếp, nhằm làm giảm căng thẳng ở Biển Đông. Một toan tính sai lầm trong khu vực cũng có thể trở thành xung đột quy mô lớn.

Các ngoại trưởng trong nhóm MIKTA tại lần gặp mặt đầu tiên ở New York năm 2013

Rõ ràng, không một thành viên nào của MIKTA có thể đơn phương tác động đến diễn biến căng thẳng trong khu vực. Australia từng bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích vì bình luận về hoạt động xây đảo trái phép của Bắc Kinh. Trong khi Hàn Quốc cũng phải cân nhắc lựa chọn giữa liên minh quân sự với Mỹ và mối quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc.

Chỉ có những nỗ lực chung của các thành viên trong nhóm MIKTA mới có thể giúp giảm căng thẳng và tiến tới một giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Chìa khóa để đạt được điều này là sử dụng hiệu quả chính sách ngoại giao của các nước tầm trung.

Tuyên bố của MIKTA khẳng định: "Các thành viên trong nhóm sẽ đóng vai trò xây dựng một cách tích cực các vấn đề trên toàn cầu, tham gia các nỗ lực chung để cùng chia sẻ định hướng, cách tiếp cận đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên MIKTA".

Trong khi mục tiêu chính của MIKTA hướng đến giải quyết các vấn đề toàn cầu, tạo điều kiện thông tin liên lạc giữa các khu vực, nhóm các nước tầm trung cũng sẵn sàng tham gia vào các vấn đề điểm nóng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Điểm yếu lớn nhất của các nước tầm trung là không có được sức nặng cần thiết trong những tuyên bố. Ngay cả Mỹ, đồng minh của Hàn Quốc cũng không chính thức công nhận các nước tầm trung như một tổ chức trong chính sách ngoại giao.

Việc không được công nhận một cách đúng đắn góp phần giúp cho các nước trong nhóm MIKTA tập hợp, trở thành một hiệp hội chính thức. Cùng với nhau, nhóm các nước tầm trung cùng chia sẻ lợi ích phù hợp nhất và đem đến sự cân bằng đáng kể, tác động đến các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông rõ ràng luôn được các quốc gia trong nhóm MIKTA theo dõi sát sao. Indonesia mong muốn một giải pháp hòa bình, giải quyết "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố vốn chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Jarkata.

Hàn Quốc có thể bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Mỹ-Trung Quốc bởi cam kết trong liên minh quân sự, cũng như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

Australia đã bắt đầu có những động thái phản đối hành động xây đảo trái phép của Trung Quốc từ đầu mùa hè năm nay và có mối quan tâm rõ ràng trong việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông nhưng cả hai nước đều xây dựng mối quan hệ kinh tế và quân sự với Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, diễn biến trong khu vực cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của hai quốc gia này.

Vấn đề quan trọng nhất là liệu các nước thành viên NIKTA có đủ niềm tin vào một tổ chức chỉ mới thành lập để lên tiếng và đóng vai trò là cầu nối trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hay không.

Vai trò này là một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao của các nước tầm trung. Nhưng liệu MIKTA có cam kết tham gia vai trò hòa giải trong vấn đề Biển Đông thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đây được là "cơ hội vàng" để NIKTA chính thức có một tác động tích cực đối với nền chính trị toàn cầu.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn