Tác giả của nghiên cứu này, bác sỹ Niels Verhulst, ĐH Wageningen (Hà Lan) trên Daily Mail cho biết: “Hợp chất hạn chế sự sản sinh của vi khuẩn ở mùi của người, hay sự sinh sôi của vi khuẩn trên da có thể giảm thiểu sự hấp dẫn của muỗi, tránh chúng cắn con người”.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy mẫu mồ hôi ở chân của 48 nam tình nguyện viên người Caucasia tuổi từ 20-64. Trước khi bắt đầu, các tình nguyện viên được yêu cầu không uống rượu, ăn tỏi, hành, thức ăn cay, tắm hoặc sử dụng mỹ phẩm có hương. Sau đó, họ được yêu cầu đeo tất nylon đặc biệt được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu khoảng 24h trước khi tham gia thử nghiệm.
Trong một loạt các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra sức hấp dẫn của các nhóm khác nhau với muỗi a-nô-phen từ Liberia, châu Phi, và các vùng hay có dịch sốt rét. Kết quả cho thấy chân có mùi hôi hấp dẫn hơn với muỗi a-nô-phen, tác nhân lây truyền bệnh sốt rét.
Các nhà khoa học thấy rằng muỗi hứng thú hơn với những bàn chân có lượng lớn tụ cầu khuẩn. Ba loại vi khuẩn khác cũng hấp dẫn côn trùng, trong khi hai loại khác có tên gọi Variovorax và Pseudomonas, lại có tác dụng ngược lại, giúp xua đuổi muỗi.
“Sự liên hệ giữa lượng vi khuẩn trên da và sự hấp dẫn đối với muỗi có thể được sử dụng để tạo ra chất thu hút muỗi và phương pháp bảo vệ chống lại vật truyền bệnh sốt rét và những bệnh lây nhiễm khác”, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Những con vi khuẩn tiết ra mùi rất hấp dẫn côn trùng do đó làm tăng nguy cơ khiến con người bị muỗi cắn. Tuy nhiên, vẫn có một số cách bảo vệ đặc biệt chống lại sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn ở chân.
Phát hiện này xuất bản trên tạp chí Public Library of Science ONE được trông đợi sẽ ngăn chặn bệnh sốt rét và những bệnh do côn trùng lây truyền bằng cách thay đổi mùi cơ thể.
Theo Dantri