![]() |
Khu vườn nằm bên đường công vụ dẫn lên hầm Hải Vân, núi Hải Vân. |
Chính quyền không nắm rõ!
Tài liệu PV Báo Lao Động thu thập được thể hiện, một phần khu đất này do ông Nguyễn Mảng khai hoang làm nương rẫy từ trước năm 1972. Sau khi ông Mảng mất, khu đất này được giao lại cho con trai là Nguyễn Mỹ (sinh năm 1964) để tiếp tục trồng cây lâm nghiệp và hoa màu. Đến năm 2004, ông Mỹ chuyển nhượng toàn bộ diện tích nương rẫy cho ông Lê Văn Bồng và ông Lê Tiến Dũng (sinh năm 1959, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu).
Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), khu đất này hiện do BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân trước đây (nay là Hạt kiểm lâm Liên Chiểu) quản lý và vẫn chưa bàn giao lại cho UBND phường theo quyết định quy hoạch 3 loại đất trên địa bàn của UBND TP. Đà Nẵng nên vẫn chưa nắm rõ. “Ngày 18.8.2015 Hạt kiểm lâm Liên Chiểu bàn giao rừng và đất lâm nghiệp cho địa phương quản lý, tuy nhiên trong quá trình đó, phía UBND phường Hòa Hiệp Bắc không đồng ý nhận 49 trường hợp (với hơn 127ha đất) vì các trường hợp này có hồ sơ chưa đầy đủ hoặc thiếu một số chứng từ liên quan” - ông Hải cho biết.
PV đặt vấn đề, trong số 127ha đất đó có khu đất của ông Dũng hay không, ông Hải cho biết: “Hiện Hạt kiểm lâm Liên Chiểu vẫn đang hoàn thiện hồ sơ để bàn giao cho UBND phường Hòa Hiệp Bắc nên chúng tôi chưa tiếp nhận danh sách cụ thể và không nắm rõ được trong đó có những hồ sơ của ai”.
“Ông nói gà, bà nói vịt”
Ông Nguyễn Văn Truyền - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Liên Chiểu - cho biết, với khu đất của ông Lê Tiến Dũng, BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân trước đây không có hồ sơ giao khoán đất nông nghiệp. Trong khi đó, giấy chuyển nhượng nương rẫy cũ này giữa ông Mỹ và ông Lê Văn Bồng, Lê Tiến Dũng lại có xác nhận của BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân (nay là Hạt kiểm lâm Liên Chiểu). Điều này cho thấy có vai trò giám sát, quản lý của kiểm lâm với khu đất này.
Có mặt tại khu đất của ông Dũng, PV ghi nhận trên diện tích đất vườn, ông Dũng xây dựng 2 căn nhà kiên cố. Tại đây còn có các công trình phụ như hệ thống bờ kè bằng bêtông, đá cuội dọc bên suối, hồ nuôi cá... Điều trái khoáy là, ông Trần Văn Lương - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng - lại khẳng định: “Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu phải đứng ra chịu trách nhiệm trước những sai phạm”.
Liên quan đến 127ha đất đến nay vẫn chưa bàn giao cho phường Hòa Hiệp Bắc, ông Lương nói: “Cái đó chúng tôi vẫn đang làm thủ tục và còn chờ chi cục thống nhất với quận Liêu Chiểu mới có thể bàn giao số đất đó cho địa phương quản lý”. Ông Lương không trả lời chắc chắn được thời gian bàn giao cụ thể và ông này cũng không rõ hiện có bao nhiêu công trình trái phép còn tồn tại trên rừng Hải Vân (!).
Liên quan đến thực trạng đất đai dưới chân đèo Hải Vân, PV có loạt bài điều tra chỉ ra lỗ hổng của pháp luật trong công tác phối hợp quản lý đất đai giữa các cơ quan liên quan. Theo đó, từ năm 1995, việc giao khoán đất rừng cho các cá nhân, hộ gia đình do BQL rừng đặc dụng Nam Hải Vân (thuộc Chi cục Kiểm lâm, đã giải thể) thực hiện theo Nghị định 01, sau này là Nghị định 135 của Chính phủ. Chính vì có được “đặc quyền” này nên trong một thời gian dài, nhiều diện tích đất rừng bị giao khoán vô tội vạ nhưng không được giám sát.
Trong khi đó, Sở TNMT không được tham gia với vai trò là quản lý tài nguyên đất. Mãi đến tháng 8.2013, UBND TP.Đà Nẵng mới phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2020, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Liên Chiểu bàn giao đất lại cho địa phương quản lý và đến lúc này mới “lòi” ra tiêu cực. Nhiều diện tích đất rừng dưới chân đèo Hải Vân bị “nghẽn” bàn giao vì “vướng” quá nhiều công trình không phép qua thời gian dài không xử lý.
Theo Lao Động