Đào càng cổ… giá càng cao!
Vài năm gần đây, xu thế chơi đào rừng để trưng bày trong dịp Tết Nguyên Đán được nhiều người ưa chuộng. Không ít người sẵn sàng chi bạc triệu, thậm chí trăm triệu chỉ để “săn” được những cây đào có thế độc, lạ.
Anh Thế Anh (chủ vườn đào rừng Sapa, Lào Cai) cho biết, khác với những loại đào khác, đào rừng có vóc dáng cổ kính, thân mốc thường không được chỉnh sửa về mặt kỹ thuật nên mang vẻ đẹp tự nhiên. Thú chơi đào rừng mới “rộ” lên trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây.
Một cây đào tuyết có giá trị hàng chục triệu đồng tại vườn anh Thế Anh |
Để có những cây đào rừng đẹp, các chủ vườn thường phải thuê người lặn lội vào các cánh rừng sâu để săn tìm. Đào rừng có nhiều loại, song phổ biến nhất là đào tuyết, đào đá, đào phai đơn, bích kép... Trong đó, đắt nhất là đào tuyết cổ. Một cây đào tuyết có tuổi đời trên 30 năm thậm chí còn được trả giá lên tới vài trăm triệu đồng. Sở dĩ đào tuyết có giá đắt như vậy là bởi loại đào này có cánh trắng như tuyết, sắc diện tinh khôi thuộc vào loại đặc biệt quý hiếm. Ngày xưa, chỉ có vua chúa, quý tộc mới được thưởng thức loại đào này.
Đặc biệt, hương thơm của đào tuyết thơm dịu, phảng phất và rất đặc trưng. Để “săn” được những cây đào tuyết “khủng” không phải đơn giản. Đôi khi phải mất hàng năm, thậm chí vài năm mới may mắn tìm được một vài cây “bạch đào” trong rừng sâu: “Những cây đào tuyết có tuổi đời vài chục năm hiện rất khan hiếm. Nếu có, cũng có người đặt mua luôn…”, anh Thế Anh cho biết.
Theo anh Thế Anh những cây đào tuyết cổ có tuổi đời hàng chục năm tuổi hiện rất khan hiếm trên thị trường |
Hiện tại, vườn đào rừng của anh Thế Anh có khoảng 1 nghìn gốc. Đây đều là những gốc cây cổ thụ được anh thuê người đánh trực tiếp tại các cánh rừng ở Lào Cai. Năm nay, thời tiết diễn biến khá thất thường, nên có khả năng đào rừng sẽ ra ít hoa và không được đẹp như mọi năm.
Đối với những gốc đào có tuổi đời từ 10 – 15 năm có giá giao động từ 5 – 7 triệu đồng, gốc 20 – 30 năm giá từ 10 – 15 triệu đồng, trên 30 năm có giá khoảng 20 triệu đồng. Việc định giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cây càng có dáng độc, lạ, tuổi đời lâu năm càng được định giá cao. Ngoài việc bán đứt, anh Thế Anh cũng cho thuê đào rừng trưng bày trong tết nếu khách có nhu cầu.
Năm ngoái, anh Thế Anh đã từng bán một cây đào tuyết có giá 60 triệu cho một tay chơi ở Hải Phòng. Cây đào này có chiều cao 2m, đường kính 25cm, toàn thân phủ mốc trắng, có nấm mọc ở gốc. Đặc biệt cây có thế phát lộc (ngọn hướng về phía trước) nên được định giá khá cao.
Hiện, ở vườn đào anh Thế Anh còn khoảng 60 gốc đào rừng cổ có tuổi đời trên 20 năm. Trong đó, một số cây đã được dân chơi cây cảnh ở Hải Phòng, Hà Nội “đặt hàng”: “Đào rừng có vẻ đẹp lạ nên cũng kén người chơi. So với mọi năm, giá đào rừng năm nay không có nhiều biến động. Những cây có giá từ 7-15 triệu đồng sẽ “hút” khách hơn cả…”, anh Thế Anh phân tích.
Mốt “chuộng” đào rừng lai
Trong khi đó, tại Hà Nội nắm bắt được xu thế này, ngay từ tháng 10 nhiều chủ vườn đào Nhật Tân đã cất công lặn lội lên Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn… để săn bằng được đào rừng về “lai ghép”. Anh Nguyễn Minh Tuấn (chủ vườn đào Văn Chiến – Nhật Tân) cho hay, nhà anh có khoảng 400 gốc đào, trong đó 50 gốc là đào rừng. Tất cả đều được anh Tuấn thuê người “săn” ở Sơn La rồi đánh xe chở về Hà Nội. Các gốc đào được chọn phải là những gốc có tuổi đời lâu năm, thân xù xì, có vảy mốc hoặc các cây ký sinh bám quanh. Sau đó, các chủ vườn sẽ tiến hành cắt ngọn thừa, các đầu mẩu rễ cũ rồi cấy ghép mắt đào ta vào thân đào núi.
Một cây đào cổ rừng được lai ghép với đào Nhật Tân tại vườn anh Tuấn |
Việc lai ghép này vừa đảm bảo vẻ đẹp cổ kính, rêu mốc cho những gốc đào cổ thụ mà cánh hoa lại mang vẻ đẹp tinh tế, tươi tắn của thương hiệu đào Nhật Tân: “Thông thường để tạo ra những gốc đào to, thân xù xì, rêu phủ xanh phải mất từ 20 – 30 năm chăm sóc nên số lượng rất hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu thị trường về loại đào này là rất lớn. Việc lai ghép giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức mà hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều…”, anh Tuấn lý giải.
Cây đào rừng cổ có tuổi đời hàng chục năm được anh Tuấn chào bán với giá khoảng 15 triệu đồng. |
So với những loại đào truyền thống, đào rừng lai có giá cao gấp 2 – 3 lần. Với những gốc cây có tuổi đời từ 20 – 30m cao từ 1m-1,5m tại vườn anh Tuấn được giao bán từ 7- 15 triệu đồng. Trong đó, cá biệt có một cây đào rừng phai được định giá vào khoảng 30 triệu đồng.
Hiện tại đã có khoảng 30% số đào tại vườn anh Tuấn đã có người đặt hàng để chơi tết: “Đào rừng đẹp, hoa lâu tàn và có thể chơi được cả tháng nên giá đắt. Tuy nhiên, vài năm gần đây để tìm được đào cổ có tuổi đời cao rất hiếm…”, anh Tuấn nói.
Sở dĩ đào rừng được nhiều người ưa "chuộng" bởi vẻ đẹp cổ kính với thân to, xù xì... |
Anh Minh (chủ vườn đào Minh Anh – Nhật Tân) cũng cho biết, năm nay đào lai rừng chắc chắn sẽ trở thành xu hướng được nhiều người “chuộng” trong dịp Tết. Hiện nhà anh có khoảng 30 gốc đào rừng lai thì khoảng 30% đã được khách đến xem và đặt tiền: “Nhiều người sẵn sàng chi cả trăm triệu yêu cầu tôi tìm giúp những cây đào rừng cổ thụ “xịn”, có dáng đẹp, lạ nhưng tôi không dám nhận bởi săn được đào khủng không dễ”.
Anh Minh cho hay, vào năm ngoái anh đã bán được một cây đào đá cổ có tuổi đời khoảng 30 năm với giá gần 40 triệu. Để vận chuyển được cây đào này từ Lạng Sơn về Hà Nội, anh Minh đã phải thuê cả máy cẩu với khoảng 4 người để “bứng” rễ lên xe với chi phí hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Minh cho biết, thực tế nhiều chủ vườn cứ quảng cáo là đào rừng xịn nhưng đây chủ yếu là những cây đào được bà con dân tộc ở Sơn La, Lào Cai trồng.
Những gốc đào to, phần lớn là đào trồng để lấy quả. Sau mỗi mùa, bà con loại bớt gốc già, sâu thì lái buôn mua lại rồi bán cho các chủ vườn để “tút tát”: “Hiện đào rừng cổ thụ mọc trong các cánh rừng sâu rất ít. Nhiều cây có tuổi đời lâu năm, cao bằng căn nhà 3 tầng, việc bứng rễ, vận chuyển cũng phải đơn giản. Mà nếu có giá cũng không dưới 50 triệu…”, anh Minh khẳng định.
Nhiều tay chơi còn quan niệm, sở hữu được một gốc đào cổ thụ với dáng độc là năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, phát lộc trong làm ăn. Vì thế, dù bị “hét giá” lên tới cả trăm triệu nhưng rất nhiều người vẫn sẵn sàng móc hầu bao. Đây cũng là lý do mà mỗi năm có hàng trăm thương lai đổ bộ lên các cánh rừng Tây Bắc để săn được đào rừng cổ thụ!
Theo Dân Trí