Chủ tịch nước chỉ đạo giải quyết khiếu nại

Thứ bảy, 26/12/2015, 09:40
Để khiếu nại, tố cáo kéo dài nhiều năm, thậm chí gần 20 năm, là thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP.HCM

Chiều 25-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã làm việc với UBND TP về giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Cụ thể là vụ khiếu nại của các hộ dân tại chung cư 1Bis - 1Kep đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1; khiếu nại về việc bồi thường, giải tỏa tái định cư trong dự án khu tứ giác Bến Thành, quận 1. Đây là những vụ việc kéo cả chục năm.

Giải quyết sớm vụ 1Bis - 1Kep

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chánh Thanh tra TP Nguyễn Kiến Quốc cho biết dự án khu 1Bis - 1Kep được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (nay là Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Bến Thành) đầu tư, xây dựng khu nhà ở và văn phòng cho thuê từ năm 1996. Có 219 hộ dân bị ảnh hưởng và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài 15 năm mới hoàn thành (2007-2012).

Dự án đã 3 lần điều chỉnh mức giá bồi thường, tương ứng với các nghị định về bồi thường của từng thời điểm. Đến năm 2007, để di dời dứt điểm 71 hộ dân, UBND quận 1 đã kiến nghị TP áp dụng mức giá bồi thường 48 triệu đồng/m2 và được chấp thuận. “Tuy nhiên, khi 71 hộ này đồng ý di dời thì 148 hộ trước đó quay lại yêu cầu quận 1 chi trả bổ sung theo đơn giá mới, dẫn đến rắc rối như hiện nay” - ông Quốc nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi bên lề trong cuộc làm việc với UBND TP.HCM

Theo UBND quận 1, mức giá nêu trên chỉ áp dụng cho 71 hộ đang khiếu nại chứ không áp dụng cho các trường hợp đã di dời. Thế nhưng, trong bản kiến nghị năm 2007, quận 1 lại ghi là áp dụng cho toàn khu và theo văn bản kết luận của TP thì điều này “không đúng quy định”.

Mới đây, UBND TP đã giao Chánh Thanh tra TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan và UBND quận 1 tiếp xúc, giải thích cho người dân các nội dung liên quan đến quá trình bồi thường thiệt hại, tiến độ thực hiện dự án và công khai xin lỗi các hộ dân do những sai sót khi đề xuất TP điều chỉnh giá bồi thường năm 2007.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, đặt vấn đề: “Đến nay, UBND quận 1 vẫn chưa giải quyết xong cho dân, vướng cái gì mà kéo dài 8 năm, gây lãng phí ghê gớm khi đất bỏ hoang”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng việc này không chỉ xin lỗi là xong, phải tính lại chính sách. “Lấy mức 48 triệu đồng đang áp dụng cho 71 hộ vào năm 2007, tính lại mặt bằng chính sách những đối tượng trước đó có ai bị thiệt không. Việc này phải chứng minh bằng con số trước khi làm, đối thoại với dân vào ngày 30-12. Phải tính toán kỹ, nếu chính sách chênh lệch không đáng kể thì người dân sẽ đồng ý thôi. Đừng để chênh lệch lớn quá thì người dân tiếp tục kiến nghị, kéo dài hơn nữa” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu quận 1 nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc.

Đối thoại từng hộ dân để xử lý

Về vụ bồi thường, giải tỏa tái định cư trong dự án khu tứ giác Bến Thành - quận 1, ông Trần Du Lịch cho biết hiện còn 11 hộ dân liên quan khiếu kiện. Dự án này đã được UBND TP chấp thuận chủ trương giao cho Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) làm chủ đầu tư từ đầu năm 2006. “Người ta nói rằng khi tính diện tích thì nhà nước cò kè bớt một thêm hai với dân, còn phần đất công khi đầu tư thì Bitexco hưởng hay nhà nước hưởng thì không minh bạch” - ông Lịch thông tin.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Lê Văn Khoa yêu cầu UBND quận 1 phải tổ chức đối thoại lại từng trường hợp. “11 trường hợp có những nội dung khác nhau nên các sở, ngành phải đo đạc lại từng diện tích rồi từ đó đưa ra cách giải quyết. Đối với phần diện tích công, Sở Tài chính tính toán lại rồi công khai cho người dân biết” - ông Khoa yêu cầu. Riêng việc tái định cư cho các hộ dân trong dự án, ông Khoa chỉ đạo UBND quận 1 làm việc ngay với chủ đầu tư, trong đó xác định rõ địa điểm tái định cư là ở đâu, khi nào hoàn thành và phải có cam kết bằng văn bản, sau đó thông báo lại cho dân.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo phải trên cơ sở luật pháp và có tình có lý. “Cái này dân rầy là đúng. Đây là một bài học kinh nghiệm, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP, trong đó cũng có trách nhiệm của chúng tôi” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Ngành Kiểm sát đã có nhiều nỗ lực

Sáng 25-12, tại TP.HCM, VKSND Tối cao đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016. Đến dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy TP.HCM.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá ngành kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và nhà nước tin tưởng giao phó. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần phải nghiêm túc phân tích để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.

Cụ thể, ngành kiểm sát phải tăng cường, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tham nhũng.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn