Bàn thờ Tổ tiên của người Sài Gòn |
Người Sài Gòn cố cựu là thế hệ con cháu của thế hệ người Việt Nam gốc miền Trung vào Nam khai phá từ thế kỷ 17 đã có tập quán bài trí bàn thờ tổ tiên mang dấu ấn quê xưa.
Bàn thờ Tổ tiên đặt ở vị trí nào?
Những bậc cao niên cho biết rằng từ thời Hậu Lê (thế kỷ 15) đã có quy định về số gian nhà: nhà 1 gian để thờ, nhà 3 gian cho dân, nhà 5 gian và 7 gian dành cho quan, nhà 9 gian trở lên của vua.
Nhà luôn có số gian lẻ bởi vì gian chính giữa dùng để thờ phụng, diễn ra các lễ hội gia đình và tiếp khách quan trọng, còn các gian khác ở hai bên phục vụ cho các sinh hoạt khác, tạo nên sự cân đối.
Trong nhà của người dân Việt, không gian trang trọng nhất dành làm nơi đặt bàn thờ Tổ tiên chính là gian giữa, để bày tỏ tấm lòng thành kính của lớp hậu sinh đối với các bậc tiền nhân.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua, nhà cửa có nhiều thay đổi, khiến cho cấu trúc nhà ba gian trở thành của hiếm. Mặc dù trong căn nhà hiện đại không còn số gian để phân định đâu là gian giữa, nhưng người Sài Gòn thường dành nơi trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ Tổ tiên để bày tỏ tấm lòng thảo hiếu và đồng thời khẳng định mình là người Việt Nam.
Từ bình hoa, đĩa trái cây...
Bàn thờ Tổ tiên của người Việt ở miền Bắc |
Bàn thờ Tổ tiên của người Việt Nam ở các tỉnh phía Bắc thường bài trí theo nguyên tắc đăng đối: cặp chân đèn, cặp bình hoa đều đặt ở hai bên trái phải của bàn thờ, còn những thứ có một thì đưa vào chính giữa: đỉnh trầm (miền Nam gọi là lư hương), bát nhang (miền Nam gọi là lư nhang), đĩa trái cây…
Bàn thờ tổ tiên của người Sài Gòn cũng đặt lư hương và lư nhang ở giữa và cặp chân đèn vẫn đặt hai bên trái phải, nhưng bình hoa thì chỉ có một và đặt bên trái bàn thờ theo hướng từ trong nhà nhìn ra cửa, còn đĩa trái cây thì đặt trên cái chò (vật kê bằng gỗ có ba chân) bên phải bàn thờ theo hướng từ trong nhà nhìn ra cửa.
Bàn thờ Tổ tiên của người Việt Nam bài trí lư nhang ở giữa cặp chân đèn và trước lư hương |
Cách bài trí bàn thờ như vậy, người Sài Gòn nói là theo quy tắc “Đông bình, Tây quả”. Ý nghĩa thứ nhất của việc bài trí này là đặt bình hoa và đĩa trái cây trên bàn thờ Tổ tiên tuân theo quy luật của trời đất: mặt trời mọc ở Đông, lặn ở Tây; cây ra hoa trước, rồi mới kết quả.
Bày mâm ngũ quả cúng ông bà của một gia đình ở Cần Thơ |
Ý nghĩa thứ hai của việc gọi phía trái bàn thờ (theo hướng từ trong nhà nhìn ra cửa) đặt bình hoa là hướng Đông và phía phải bàn thờ đặt đĩa trái cây là hướng Tây, để ngụ ý rằng bàn thờ Tổ tiên đang quay về hướng Nam.
Khi Tổ tiên nhìn hướng Nam thì Tổ tiên rất linh thiêng để phù hộ nhiều mặt cho con cháu, có lẽ theo lời dạy của Khổng Tử: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc Thánh nhân nhìn về hướng Nam mà lắng nghe thiên hạ).
Bàn thờ Tổ tiên của người Sài Gòn |
.. Đến cặp chân đèn
Cặp chân đèn là dụng cụ đặt trên bàn thờ, dùng để cắm cây đèn cầy (nến) lên cho ánh sáng tỏa ra rộng khắp. Chân đèn thường được đúc bằng đồng, nhưng cũng có chân đèn bằng gỗ hay bằng gốm…
Thời nay đã có những cặp chân đèn bằng plastic gắn bóng đèn điện sơn đỏ, có hình dạng giống như hột dưa.
Ý nghĩa thứ nhất của cặp chân đèn là biểu tượng cho hai vầng nhật nguyệt, tức mặt trời và mặt trăng. Nói rộng ra, cặp chân đèn biểu tượng cho âm dương, cho trời đất, chứng giám lòng thành của người đang cầu khẩn, bái lạy trước bàn thờ.
Trong hôn lễ của người Sài Gòn, nghi thức “lên đèn” là nghi thức thắp sáng hai cây đèn cầy cắm trên cặp chân đèn, nhằm biểu tượng rằng hai vầng nhật nguyệt chứng giám cho đôi tân lang, tân giai nhân sống hạnh phúc trọn đời bên nhau…
Ý nghĩa thứ hai thiết thực hơn, đó là soi sáng cho toàn khu vực bàn thờ với những lễ vật thơm thảo do thế hệ con cháu dâng cúng, thuận tiện cho Tổ tiên về thượng hưởng.
Triết lý dân gian của người Việt
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, trong sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (Nxb Giáo Dục, TP.HCM 1997) phân tích: Vũ trụ quan của người Việt Nam là âm dương, tam tài, ngũ hành; trong khi đó, vũ trụ quan của người Trung Quốc là âm dương, tam tài, tứ tượng, bát quái.
Từ đó, bàn thờ Tổ tiên của người Sài Gòn không chỉ thể hiện triết lý “âm dương” như vừa trình bày ở trên, mà còn thể hiện cả triết lý biến hóa theo qui luật “âm dương, tam tài, ngũ hành”, hoàn toàn khác với quan điểm “âm dương, tứ tượng, bát quái” của người Trung Quốc.
Tam tài thể hiện qua ba nén nhang rực hồng của người Sài Gòn dâng lên Tổ tiên, giống như ba vì sao lấp lánh chính giữa hai cây đén cầy cháy sáng - biểu tượng hai vầng nhật nguyệt!
Kế đến, cặp chân đèn, lư hương trên bàn thờ Tổ tiên là những dụng cụ được đúc bằng đồng, tức hành kim. Trong bình hoa phải đổ nước để giữ cho hoa tươi, nước là hành thủy. Hoa cắm trong bình, trái cây đặt trên đĩa đều sản phẩm của cây, tức hành mộc. Lửa cháy sang trên cặp đèn cầy biểu tượng hành hỏa. Cát, đất bỏ trong lư nhang là hành thổ.
Đồ thờ đặt trên bàn thờ Tổ tiên biểu tượng cho triết lý “âm dương, tam tài, ngũ hành” của người Việt Nam mang tính văn hóa tâm linh, đó là nhằm cầu nguyện cho người và việc trong cuộc sống sẽ được Tổ tiên và các bậc thiêng liêng phù hộ cho tốt đẹp.
Ý nghĩa thứ hai của việc bài trí bàn thờ như vậy nhằm trình bày một bản sắc văn hóa đặc thù của người Việt Nam, phân biệt với các dân tộc khác. Nói khác đi, cứ nhìn thấy cách bày biện bàn thờ mang ý nghĩa âm dương, tam tài, ngũ hành thì biết ngay đó là bàn thờ Tổ tiên của người Việt Nam.
Thông điệp của các bậc tiền bối về bàn thờ Tổ tiên của người Việt Nam trao truyền qua nhiều thế hệ đã được nhiều người Sài Gòn ngày nay vẫn còn gìn giữ.
Đó chính là sự bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp giúp cho gia đình ấm cúng hơn trong những ngày Tết, đồng thời góp phần tạo nên nội lực của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập đang mở ra trước thềm năm mới.
Theo TTO