Trung Quốc sẽ làm gì sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông?

Chủ nhật, 01/05/2016, 10:36
Vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, Tòa trọng tài quốc tế Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines. Vậy những khả năng nào có thể sẽ xảy ra trước, trong và sau khi có kết quả cuối cùng?

Sau 7 phiên điều trần, năm thành viên của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế đang xem xét liệu những tuyên bố chủ quyền đối với một phần lãnh thổ rộng lớn trên Biển Đông có vi phạm công ước của Liên Hiệp Quốc hay không. Manila cho biết đã đâm đơn kiện từ năm 2013. Phiippines cùng bốn quốc gia châu Á khác cùng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vùng biển trải dài 3,5 triệu km2 từ Đài Loan đến Singapore. Đây là vùng biển rất giàu tài nguyên như dầu khí, gas tự nhiên, cũng như là khu vực đánh bắt cá đông đúc và là tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng.

Dưới đây là những khả năng có thể xảy ra, được chia theo ba giai đoạn:

Trước khi đưa ra phán quyết

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động để cho những quốc gia khác thấy rằng Bắc Kinh kiểm soát hiệu quả vùng biển này. Ví dụ, Bắc Kinh có thể mở rộng và cho xây dựng ở bãi cạn Scarborough, một bãi đá ở phía Tây Philippines và là địa điểm quen thuộc của cá tàu đánh cá nước này. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã đưa một máy bay quân sự tới hòn đảo mà Bắc Kinh đã cho xây dựng đường băng và tiền đồn quân sự.

Trung Quốc cũng tìm kiếm đồng minh ủng hộ và trong tháng này Nga đã lên tiếng ủng hộ quan điểm cần phải giải quyết vấn đề bằng các cuộc đối thoại trực tiếp. Bắc Kinh cũng tán thành biện pháp đối thoại thay vì nhờ đến tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giữa) chụp ảnh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Philippines (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines (phải).

Trong khi đó, các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang tiến hành mua thêm các loại vũ khí mới để đối phó với lực lượng quân đội mạnh thứ ba thế giới này. Philippines sẽ tiếp tục hoan nghênh những giúp đỡ quân sự từ đồng minh Mỹ. Mỹ cũng bắt đầu đưa các chiến đấu cơ tới Philippines theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng trước.

“Chắc chắn, với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, chọn cách tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản trong nỗ lực nâng cao khả năng tuần tra và bảo vệ khu vực biển mà các nước này tuyên bố chủ quyền trong khu vực”, ông Carl Baker, giám đốc các chương trình nghiên cứu của Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế, nhận định.

Trong quá trình đưa ra phán quyết

Tòa Trọng tài quốc tế, có trụ sở ở Hague, được hy vọng sẽ đứng về phía Philippines. Trung Quốc cho rằng tòa án này không có đủ quyền lực để đưa ra quyết định. Bắc Kinh tự vẽ ra “đường chín đoạn” trên bản đồ khi cho rằng khu vực này theo lịch sử là nơi thường xuyên lui tới của các tàu thuyền Trung Quốc từ thời nhà Hán khoảng 2.000 năm trước, đồng thời khẳng định luôn tuần thủ mọi quy định về hàng hải của Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các nước có vùng đặc quyền kinh tế khoảng 370km hoặc 200 hải lý tính từ đường bờ biển của nước mình, ít hơn khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Sau khi đưa ra phán quyết

Khả năng rất cao là mọi hoạt động trên Biển Đông sẽ diễn ra như bình thường. Không một ai trong số 6 nước tuyên bố chủ quyền sẽ thay đổi vị thế hay sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết vấn đề. Điều đó có nghĩa là việc đánh bắt cá, khai thác dầu khí và hoạt động hàng hải sẽ vẫn tiến hành theo phương châm “ai đến trước, được trước và các quốc gia khác làm ơn hãy tránh xa”.

Manila sẽ nhận được cái vỗ tay tán thưởng từ người dân trong nước và các quốc gia khác vì đã nhờ đến quy định của Liên Hiệp Quốc làm tiền đề cho những tuyên bố chủ quyền của mình. Bắc Kinh sẽ tỏ ra tức giận và tiếp tục thách thức bằng cách đưa một máy bay quân sự khác hay tiến hành một dự án xây dựng khác tại một trong số 500 hòn đảo trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng từng thử các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Philippines năm 2012 nhưng dường như nạn nhân không bị tác động nhiều. Các quan chức Trung Quốc có thể phủ nhận mọi cáo buộc từ Manila cho tới Washington và cả các nhà trọng tài Liên Hiệp Quốc.

“Bắc Kinh sẽ bày tỏ thái độ vi phạm hoàn toàn trước phán quyết của tòa án, chối bỏ mọi giá trị pháp lý. Việt Nam và các quốc gia khác sẽ lịch sự tán dương phán quyết ủng hộ Manila vì ít nhất đây cũng là một bằng chứng công nhận của quốc tế về vấn đề Biển Đông, giúp tăng cường vị thế riêng của các nước này trước Bắc Kinh”, Sean King, chuyên gia cố vấn cho công ty Park Strategies ở New York, dự đoán.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang Forbes.com thuộc Tập đoàn truyền thông Forbes của Mỹ, cùng chủ sở hữu của Tạp chí Forbes. Forbes.com đề cập sâu đến nhiều lĩnh vực từ sự kiện kinh doanh đến tài chính hiện nay và phong cách sống cao cấp.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn