Có 12 mẫu cá biển, tôm cua, mực tươi sống, nước biển, rau... được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với nhà chức trách Hà Tĩnh lấy mẫu tại khu vực Cảng cá Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) vào ngày 28/4.
Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm biển tại vùng biển Hà Tĩnh. |
Sau khi được kiểm nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, cyanide đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết, tỉnh đã lập tổ công tác liên ngành gồm y tế, nông nghiệp, các chi cục liên quan. Hàng ngày, tổ tới những chỗ người dân thường xuyên đánh bắt, các cảng cá ở vùng biển Hà Tĩnh để lấy mẫu thực phẩm biển về kiểm nghiệm, từ đó có những khuyến cáo cụ thể với bà con.
Sau ảnh hưởng bởi đợt cá chết hàng loạt, nhiều ngư dân ở vùng cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã ra khơi, nhộn nhịp mua bán trở lại. Ảnh: Đức Hùng |
Để người dân an tâm đi du lịch biển, cách đây hai ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã công bố các thông số phân tích mẫu nước ở một số bãi tắm tại Hà Tĩnh như Xuân Hải (Lộc Hà), Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Hải (Thạch Hà), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh, Mũi Đao (thị xã Kỳ Anh). Kết quả cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, vùng bãi biển tắm, thể thao dưới nước.
Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy gần bờ.
Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm họa. Tại cuộc họp chiều 1/5 tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành điều tra, đưa ra kết luận cụ thể, chặt chẽ, khoa học.
Theo VNE